Tâm nhẫn nại
Theo Trithucvn.net
Con người muốn thành tài cần phải tôi luyện rèn giũa trong gian khổ, phải kiên trì nhẫn nại để trở nên bản lĩnh kiên cường.
Ngày xưa, trong một ngôi thành cổ, người dân tôn kính Phật Pháp đã cùng nhau xây một ngôi chùa rất lớn. Ngôi chùa trang nghiêm, cổ kính, thanh tịnh, chỉ thiếu một bức tượng Phật để người dân dâng hương bái lạy, cầu nguyện tu tâm. Người dân trong thành muốn biểu đạt sự kính ngưỡng của mình nên đã mời một nhà điêu khắc nổi tiếng về tạc tượng.
Nhà điêu khắc cảm nhận được sự chân thành của dân chúng bèn tự mình lên núi cao chọn đá. Công sức khó nhọc bỏ ra không phụ lòng người, cuối cùng ông cũng tìm được một tảng đá lớn. Tảng đá quá lớn nên ông đành phải xẻ làm hai nửa.
Nhà điêu khắc chọn lấy một nửa, cầm đục lên và bắt đầu công việc. Trong quá trình chạm khắc, nửa tảng đá này không thể nhẫn nại nổi. Nó nói với nhà điêu khắc: “Đau quá, ông có thể nhẹ tay một chút được không? Tôi quanh năm dầm mưa dãi nắng trên núi cao, trước nay chưa hề đau đớn như thế này. Ông chạm trổ từng nhát từng nhát một, thực sự có thể khiến tôi trở thành một pho tượng Phật sao?”
Nhà điêu khắc nói: “Nhẫn nại là cả một quá trình, chỉ cần có nhận thức kiên định, tận cùng của đau khổ chính là sự đổi mới. Nếu nhà ngươi tin ta thì hãy tiếp tục nhẫn nại.” Tảng đá nghĩ hồi lâu, rồi nói với nhà điêu khắc: “Tôi nghe ông. Nhưng khi nào ông mới tạc xong?” Nhà điêu khắc bỏ cái đục trong tay xuống, nói với tảng đá: “Ta mới chỉ bắt đầu công việc. Nhà ngươi còn phải nhẫn nại vô số ngày nữa. Sau khi tạc xong nếu mọi người chưa vừa ý, còn phải sửa thêm. Nhưng nếu mọi người vừa ý, ngươi sẽ trở thành một pho tượng Phật”.
Tảng đá trầm mặc hồi lâu. Nó vừa muốn được tự hào trở thành một pho tượng Phật mà người người bái lạy, vừa thấy khó có thể chịu đựng được nỗi đau cùng cực bị chạm trổ này. Sau vài tiếng đồng hồ, nó không chịu nổi và la lên: “Đau chết tôi mất, đau chết tôi mất. Ông hãy dừng tay, đừng dùng cái đục chạm trổ tôi nữa. Tôi thực sự chịu không nổi sự đau đớn này.” Nhà điêu khắc ngưng chạm trổ, chỉ đơn giản xẻ nó thành một phiến đá hình vuông, để sau này chêm dưới miếu đường. Sau đó ông lấy nửa tảng đá còn lại để bắt đầu công việc.
Sau một hồi dao mài búa gõ, nhà điêu khắc tò mò hỏi tảng đá: “Nhà ngươi có thấy đau đớn khôn cùng không?” Tảng đá được lựa chọn lần này đáp: “Tôi và tảng đá lúc trước vốn từng là một, cảm giác đau đớn khôn cùng cũng giống nhau. Nhưng tôi không thể dễ dàng bỏ cuộc.” Nhà điêu khắc hỏi:“Sao nhà ngươi không yêu cầu ta nhẹ tay một chút khi chạm khắc?” Tảng đá đáp:“Nếu tôi yêu cầu ông nhẹ tay một chút, pho tượng Phật sẽ có những chỗ không thể chạm khắc tinh tế, sẽ bị chạm khắc lại từ đầu. Chi bằng ông làm đến nơi đến chốn, không phải lãng phí thời gian của mọi người.” Nhà điêu khắc nghe xong thầm khen ngợi tính cách kiên định của tảng đá thứ hai, bèn vui vẻ bắt tay vào công việc. Trải qua nhiều ngày nhẫn nại, một pho tượng tuyệt đẹp cuối cùng cũng được chạm trổ thành công.
Không lâu sau, pho tượng Phật tôn nghiêm sừng sững được dựng lên trong ngôi chùa. Những vị sư đức độ nhất được mời đến để tụng kinh khai quang tượng Phật. Sau đó, người dân trong thành đều cung kính dâng hương, bái lạy. Ngày càng nhiều người phương xa tìm đến chùa, dòng người liên tục không ngớt. Một hôm, tảng đá bị chêm dưới miếu đường nói với bức tượng : “Sao ngươi lại được ở trên cao, được mọi người bái lạy? Còn ta hàng ngày phải bị ngàn người giẫm đạp, giẫm lên thân ta mà bái lạy ngươi?” Pho tượng Phật, trải qua những nghi thức thành kính trang nghiêm nhất, sinh mệnh bên trong đó đã sớm không còn chỉ là sinh mệnh bên trong tảng đá ngày nào, mỉm cười từ bi đáp: “Tạo một phiến đá rất đơn giản, còn tượng Phật phải trải qua vô số lần chạm khắc. Sứ mệnh của tượng Phật là chuyển tải sự từ bi của Đức Phật, chuyển tải ước nguyện giải thoát của chúng sinh.”
Tuyết Minh