Tâm lý người tiêu dùng tăng nhưng lo lắng về lạm phát khiến thái độ mua hàng giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm
Theo một cuộc khảo sát của Đại học Michigan, tâm lý người tiêu dùng Hoa Kỳ tăng nhẹ vào tháng Chín nhưng vẫn sa lầy ở mức thấp của thập kỷ, trong khi lo lắng về lạm phát đã đẩy thái độ mua sắm đồ gia dụng xuống mức thấp mới chỉ được chứng kiến một lần trước đó vào năm 1980.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã tăng lên mức 71 vào tháng Chín, tăng nhẹ so với mức 70.3 của tháng Tám, là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Ông Richard Curtin, giám đốc cuộc khảo sát, cho biết trong một tuyên bố: “Sự sụt giảm mạnh của chỉ số tâm lý người tiêu dùng trong tháng Tám đã kết thúc vào đầu tháng Chín, nhưng mức tăng nhỏ này cũng có nghĩa là người tiêu dùng cho rằng triển vọng kinh tế là kém thuận lợi nhất trong hơn một thập kỷ.”
Mức trượt 13% trong tháng trước từ tháng Bảy sang tháng Tám là một trong các mức giảm mạnh nhất theo tỷ lệ điểm phần trăm trong 50 năm qua, chỉ dưới mức giảm 18.1% trong năm 2008 và mức giảm 19.4% vào tháng 04/2020, khi những lo ngại liên quan đến đại dịch và việc ngừng hoạt động kinh doanh dẫn đến thất nghiệp tăng vọt và niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh.
Trong khi chỉ số tổng thể niềm tin người tiêu dùng ghi nhận sự cải thiện nhẹ trong tháng Chín, (có) hai thước đo lại tiếp tục giảm. Thái độ mua đối với đồ gia dụng đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong khoảng 40 năm, trong khi triển vọng kinh tế dài hạn giảm xuống mức thấp nhất một thập kỷ.
Ông Curtin cho biết: “Sự sụt giảm trong các đánh giá về điều kiện mua nhà, xe cộ, và đồ gia dụng khiến cả ba mức này rơi xuống ngưỡng thấp kỷ lục gần như của mọi thời đại,” và lưu ý rằng sự sụt giảm này là “do liên quan đến mức giá cao.”
Lạm phát đã nổi lên như một mối quan ngại chính trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, và đang tăng nhanh hơn tiền lương và làm xói mòn sức mua của người Mỹ. Trong khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang vẫn cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời và tốc độ tăng giá sẽ giảm dần, họ đã thừa nhận rằng rủi ro về áp lực giá tăng có thể còn dai dẳng hơn. Cơ quan hoạch định chính sách của Fed sẽ họp trong tuần này để xem xét rút lại một số biện pháp kích thích đã giúp nền kinh tế phục hồi nhưng cũng đã làm tăng áp lực lạm phát.
Lạm phát tiêu dùng ở mức 5.3% cho 12 tháng qua tính đến tháng Tám, thấp hơn 0.1% so với con số tháng Bảy và tháng Sáu, mức tăng cho 12 tháng cao nhất kể từ năm 2008, theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng gần đây nhất của Bộ Lao động. Tuy nhiên, tốc độ lạm phát trong tháng đã giảm xuống 0.3% trong tháng Tám, từ 0.5% trong tháng Bảy và 0.9% trong tháng Sáu, cho thấy mức đỉnh lạm phát có thể đã qua.
Nhưng một thước đo chi phí đầu vào cho kinh doanh, được gọi là chỉ số giá của nhà sản xuất (pdf), đã tăng 8.3% vào tháng 8 so với một năm trước, là mức tăng kỷ lục cho 12 tháng, củng cố thêm mối lo ngại về lạm phát khi chi phí sản xuất cao hơn có xu hướng bị chuyển sang cho người tiêu dùng.
Ông Curtin đánh giá rằng phản ứng có thể xảy đối với việc giá cả tăng cao của một số người tiêu dùng, những người đang tin rằng lạm phát chỉ là tạm thời, sẽ là giảm mua hàng trong ngắn hạn. Chi tiêu cho tiêu dùng là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, chiếm khoảng 2/3 GDP.
Ông viết rằng, “Trì hoãn việc mua hàng được coi là một chiến lược khả thi. Điều này ngụ ý rằng chi tiêu sẽ chậm lại trong những tháng tới và sự phục hồi mạnh mẽ hơn sẽ là vào cuối năm 2022.”
Nếu người tiêu dùng tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài, điều này có thể gây áp lực lên tiền lương, thậm chí có khả năng dẫn đến loại vòng xoáy giá cả-tiền lương từng làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ trong những năm 1970.
Ông Curtin viết: “Tình huống khác chủ yếu sẽ là lạm phát không phải nhất thời mà sẽ tăng cao hơn nữa do chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng chưa từng có. Kết quả là tâm lý lo ngại lạm phát gia tăng sẽ làm giảm sức đề kháng đối với việc tăng giá và đẩy mạnh nhu cầu tăng lương.”
Ông Curtin lưu ý, để kết quả này thành hiện thực, kỳ vọng lạm phát tiêu dùng dài hạn sẽ phải tăng lên đáng kể.
Một cuộc khảo sát gần đây của Fed tiểu bang New York cho thấy kỳ vọng lạm phát cho 3 năm tới đã tăng trong tháng Tám lên mức trung bình 4.0%, một mức cao kỷ lục.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết bài hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: