Taliban tuyên bố cấm khẩu hiệu, biểu tình không được chấp thuận
Hôm 08/09, Taliban đã ban bố một lệnh cấm đối với tất cả các khẩu hiệu, các cuộc biểu tình, cũng như các cuộc phản đối không được chính thức chấp thuận, một tín hiệu khác cho thấy nhóm khủng bố Hồi giáo đang áp dụng cách tiếp cận cứng rắn và đàn áp cho sự cai trị.
Một sắc lệnh được người đứng đầu Bộ Nội vụ mới của Taliban đưa ra hôm 08/09, ông Sirajuddin Haqqani, người là một thành viên của mạng lưới Haqqani vốn từ lâu đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định là một tổ chức khủng bố. Bộ cũng treo một khoản tiền thưởng trị giá 10 triệu USD cho tên thủ lĩnh của tổ chức Haqqani này, trong khi Liên Hiệp Quốc cũng đưa mạng lưới Haqqani vào danh sách trừng phạt.
Sắc lệnh của ông Haqqani cho biết, những người biểu tình mà không được sự cho phép của Taliban để tổ chức các cuộc biểu tình trong một khoảng thời gian và địa điểm được chỉ định, thì sẽ phải đối mặt với “hậu quả pháp lý nghiêm trọng.”
Bất kỳ khẩu hiệu nào được sử dụng trong cuộc biểu tình cũng cần phải được chấp thuận.
Sắc lệnh này cũng cáo buộc những người biểu tình Afghanistan ở thủ đô Kabul và các tỉnh khác trong những ngày gần đây là “gây rối an ninh, quấy rối người dân và phá vỡ cuộc sống bình thường,” cảnh báo các công dân rằng “không ai được biểu tình và gây lo lắng cho những người dân thường” mà không được Bộ Tư pháp cho phép.
Sắc lệnh này tuyên bố rằng, “Các Tiểu vương quốc Hồi giáo giải quyết các yêu cầu và quyền hợp pháp của mọi công dân và cần phải có thời gian để thực hiện các bước cần thiết, nhằm giải quyết các vấn đề khác sau khi an ninh được khôi phục.”
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều cuộc biểu tình đang diễn ra trong nước, giữa các tay súng Taliban và những người biểu tình – trong đó có một cuộc biểu tình được lãnh đạo bởi những người phụ nữ địa phương tại thủ đô Kabul.
Theo các bản tin, hôm 07/09, các phần tử của nhóm khủng bố này được nhìn thấy bắn chỉ thiên trong nỗ lực nhằm giải tán một cuộc biểu tình lớn, đang được tổ chức bên ngoài đại sứ quán Pakistan ở Kabul, một số phóng viên đã bị bắt khi họ đang nỗ lực ghi nhận tin tức về cuộc biểu tình này.
Hàng ngàn nam giới và phụ nữ Afghanistan đã xuống đường để phản đối Taliban, và những những gì họ nhận định là sự can thiệp của tình báo Pakistan vào các vấn đề của quốc gia Trung Đông này, cũng như việc [tình báo Pakistan] bị cho là người dẫn dắt Taliban trở lại nắm quyền.
Những người biểu tình cáo buộc rằng Cơ quan Tình báo Liên ngành (ISI) của Pakistan đã hỗ trợ cuộc tấn công gần đây nhất của Taliban đánh đuổi các chiến binh kháng chiến ở Thung lũng Panjshir phía bắc thủ đô Kabul – khu vực cuối cùng mà các chiến binh chống Taliban đã cầm cự nhằm chống trả nhóm khủng bố. Thủ đô Islamabad phủ nhận điều này.
Một số người biểu tình mang theo những tấm biển với dòng chữ “ISI hãy tránh xa.” Những người khác hô vang các khẩu hiệu như “Azadi [tự do hay tự chủ]” và “Pakistan phải bị Tiêu diệt.”
Hôm 07/09, Taliban đã công bố chính quyền mới của mình ở Afghanistan, thách thức các tuyên bố đối với chính phủ hợp pháp của cựu Phó Tổng thống Afghanistan, ông Amrullah Saleh, người nói rằng ông chính là “tổng thống lâm thời hợp pháp”, theo hiến pháp quốc gia này được thông qua năm 2004. Đáng chú ý, nội các của Taliban không có sự hiện diện của bất kỳ người phụ nữ nào hoặc những người không thuộc nhóm Taliban, mặc dù nhóm này đã thề sẽ thành lập một “chính phủ hòa nhập” như một phần của Thỏa thuận Doha.
Nhóm [khủng bố] đã bổ nhiệm ông Mullah Mohammad Hassan Akhund làm thủ tướng lâm thời của đất nước và người đồng sáng lập – ông Mullah Abdul Ghani Baradar, đảm nhận vị trí phó thủ tướng, và ông Mullah Yaqoob sẽ là bộ trưởng quốc phòng.
Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại về sự thiếu đa dạng trong tổ chức được gọi là chính quyền của Taliban. Trước đó, Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ không công nhận chính quyền do Taliban lãnh đạo nếu chính quyền đó không có tính hòa nhập.
“Chúng tôi lưu ý rằng danh sách được công bố chỉ bao gồm các cá nhân là thành viên của Taliban hoặc các cộng sự thân cận của họ, và không có phụ nữ. Chúng tôi cũng lo ngại về các mối liên hệ và hồ sơ lý lịch của một số người,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố theo sau thông báo hôm 07/09.
“Chúng tôi hiểu rằng Taliban ban hành danh sách này như một nội các lâm thời. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đánh giá Taliban bằng hành động của họ chứ không phải bằng lời nói.”
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã lặp lại những lo ngại của Hoa Kỳ về chính quyền do Taliban đề xuất cũng như sự thiếu đa dạng rõ rệt.
“Trong bất kỳ tình huống nào, chúng tôi muốn thấy, một nhóm lãnh đạo đa dạng tìm cách giải quyết những cam kết mà chính Taliban đã đề ra, và đó không phải là những gì chúng tôi đã thấy,” một phát ngôn viên của ông Johnson cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá các hành động của Taliban.”
Phát ngôn viên của Liên minh Âu Châu – ông Peter Stano tuyên bố với các hãng thông tấn rằng, chính phủ mới “có vẻ không giống như cơ cấu toàn diện và đại diện về sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo phong phú của Afghanistan mà chúng tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy, và như những gì Taliban đã hứa hẹn trong những tuần qua.”
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, việc loại trừ các nhóm bên ngoài Taliban, đi đôi với bạo lực do những kẻ khủng bố Taliban gây ra nhằm vào những người biểu tình và các ký giả ở thủ đô Kabul “không phải là tín hiệu cho thấy sự lạc quan.”
Ngoại trưởng Maas nói: “Cần phải minh bạch với Taliban rằng, sự cô lập quốc tế không có lợi cho họ, và đặc biệt là không có lợi cho người dân Afghanistan.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: