Taliban tìm cách hợp tác khai thác mỏ với Nam Hàn, Bắc Kinh tức giận
Chính quyền Taliban mới thành lập của Afghanistan hiện đã hướng về Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ lớn về kinh tế, nhưng lời mời khai thác lithium của Taliban dành cho Nam Hàn đã làm Trung Cộng phật ý. Để giữ cho Bắc Kinh hài lòng, Taliban đã đề nghị cho họ quyền khai thác đồng.
Oằn mình trong 20 năm chiến tranh, Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan vào năm 2020 là 19.8 tỷ USD (so sánh với Hoa Kỳ là 20.93 ngàn tỷ USD) và GDP bình quân đầu người của nước này chỉ đạt 508.8 USD (so với Hoa Kỳ là 63,543.6 USD). Năm ngoái, cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tiết lộ rằng 90% dân số Afghanistan đang sống với mức dưới 2 USD một ngày.
Hôm 07/09, Taliban thành lập chính quyền mới và cấp bách tìm cách tái thiết Afghanistan. Theo NetEase News, một phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc, Taliban đã nhiều lần ca ngợi Trung Cộng và gọi họ là một “người láng giềng tuyệt vời,” trong khi tìm kiếm các khoản đầu tư trung hạn từ Trung Cộng để giúp tái thiết Afghanistan.
Theo Niên giám Khoáng sản Afghanistan giai đoạn 2017-2018 do Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ và Bộ Nội vụ Hoa Kỳ công bố, Afghanistan sở hữu các mỏ quặng bauxite, đồng, sắt, lithium, và đất hiếm phong phú. Tuy nhiên, báo cáo này cho biết hầu hết các nguồn tài nguyên khoáng sản này chưa được phát triển do tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, sự bất ổn chính trị, và tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng của Afghanistan.
Năm 2010, các quan chức quân đội và các nhà địa chất Hoa Kỳ ước tính rằng Afghanistan sở hữu các mỏ khoáng sản trị giá 1 ngàn tỷ USD. Theo các cuộc điều tra do Bộ Mỏ và Dầu khí của Afghanistan thực hiện năm 2017, tài nguyên khoáng sản của nước này có thể trị giá lên tới 3 ngàn tỷ USD, thừa sức đủ để bù đắp cho phí tổn chiến tranh.
Hôm 23/08, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Yonhap, Taliban gợi ý rằng chính quyền mới thành lập của họ đang tìm cách phát triển mối liên hệ khăng khít với Nam Hàn và tạo điều kiện trao đổi về kinh tế. Họ tuyên bố rằng Afghanistan sở hữu các tài nguyên khoáng sản như lithium, và vì Nam Hàn dẫn đầu trong ngành sản xuất điện tử, nên họ tin rằng đôi bên đều có thể cùng có lợi.
Tuyên bố trên của Taliban đã làm Trung Cộng bất mãn. NetEase News gọi tuyên bố này của Taliban là một “hành động thiếu trung thực,” cho thấy họ “bề ngoài thể hiện thiện chí với Trung Quốc nhưng đang bí mật chuyển giao các mỏ khoáng sản của mình cho Nam Hàn.”
Lithium là thành phần chính của pin lithium-ion, một linh kiện quan trọng trong điện thoại thông minh, máy điện toán xách tay và xe điện. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), với sự chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch, theo dự kiến phát triển bền vững của họ, đến năm 2040 nhu cầu đối với lithium sẽ tăng 40%.
Hôm 13/09, ông Cao Phong Nhất (Gao Fengyi), một nhà bình luận chính trị sống tại Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng ông nghĩ Trung Cộng có mục đích chiếm giữ tất cả các khoáng sản ở Afghanistan. Tuy nhiên, sau khi Taliban mời Nam Hàn khai thác các mỏ lithium, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ngay lập tức gọi đây là một hành động “phản bội,” cho thấy có thể đã có một thỏa thuận giữa Trung Cộng và Taliban.
Ông Cao gợi ý rằng [một mặt], chính quyền Taliban muốn được toàn cầu công nhận, và việc phát triển mối liên hệ với Nam Hàn, một đồng minh của Hoa Kỳ, có thể có lợi [cho mục đích đó]. Mặt khác, họ không muốn tỏ thái độ thù địch với Hoa Kỳ và hy vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế của mình thông qua hợp tác với Nam Hàn.
Taliban trao quyền khai thác đồng cho Trung Cộng
Hôm 08/09, Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo được điều hành bởi nhà nước Trung Quốc, đã đưa tin rằng Taliban đang chuẩn bị trao quyền khai thác đồng cho Trung Cộng. Đồng là một nguyên tố cần thiết cho dây điện, sản phẩm điện tử, động cơ và nhiều sản phẩm khác được sản xuất tại Trung Quốc. Hôm 06/09, phát ngôn viên Taliban Zabiullah Mujahid cho biết trong một cuộc họp báo rằng Trung Cộng là “đối tác quan trọng nhất” của họ, nhắc lại sự ủng hộ của họ dành cho “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Cộng. Taliban cũng hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ giúp tái thiết đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này, và đổi lại sẽ cho phép Trung Cộng khai thác các mỏ đồng của họ.
NetEase News từng gọi Taliban là “phản bội” vì tìm cách hợp tác với Nam Hàn, [nhưng] sau đó đã đột ngột đổi giọng. Hôm 12/09, tờ này ca ngợi Taliban vì đã “tặng một món quà to lớn với sự chân thành” cho Trung Cộng và cho biết họ đã “giải quyết được nhu cầu cấp bách của Trung Quốc [về khoáng sản].”
Trước đây, Trung Cộng từng có các hoạt động khai thác mỏ ở Afghanistan. Hồi tháng 05/2008, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc, một doanh nghiệp quốc doanh của Trung Cộng, đã mua hợp đồng cho thuê thăm dò trên trữ lượng [khoáng sản] khổng lồ thuộc mỏ đồng Mes Aynak gần Kabul với giá 2.898 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án này đã bị đình trệ trong hơn một thập kỷ do những lo ngại về an ninh trong khu vực.
Mỏ đồng Mes Aynak nằm ở miền trung-đông của Afghanistan. Theo Sina News, một phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, khối lượng quặng của mỏ này lên tới 705 triệu tấn, với hàm lượng đồng trung bình là 1.56% và trữ lượng kim loại đồng là 11 triệu tấn. Đây là một trữ lượng đồng có quy mô rất lớn.
Phân tích: Các chính quyền tội phạm lợi dụng lẫn nhau
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 13/09, ông Dương Tư (Yang Si), một nhà bình luận chính trị có bằng Tiến sĩ kép từ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Tokyo, cho biết vấn đề của Taliban là lực lượng này mong muốn thoát khỏi hình ảnh về một tổ chức khủng bố. Họ biết rằng một quốc gia không thể luôn sát hại thường dân của mình, và cần được quốc tế chấp nhận.
Bàn về sự kết giao giữa Taliban và Trung Cộng, ông Dương cho rằng cả hai đều là “các chính quyền tội phạm,” đang lợi dụng lẫn nhau. Ông Dương cho hay Taliban biết rất rõ rằng Trung Cộng đang hỗ trợ họ hoàn toàn do nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của họ.
Ông Dương nói, “Các băng đảng không tin tưởng lẫn nhau; họ luôn phòng bị lẫn nhau. Taliban sợ Trung Cộng xâm lược các lãnh thổ và tài nguyên của mình, vì vậy họ đã lưu thủ để chơi một trò chơi cân bằng. Trong khi đó, Trung Cộng lo lắng rằng Taliban có thể phản bội họ bằng cách hỗ trợ người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Taliban và Trung Cộng khác nhau về niềm tin tôn giáo. Là các quốc gia láng giềng, họ có cả xung đột lẫn lợi ích.”
Ông Dương gợi ý rằng Taliban đang kỳ vọng được Trung Cộng hỗ trợ ngay lập tức, nhưng họ không muốn bị kiểm soát. Do đó, một mặt, họ trao quyền khai thác đồng cho Trung Quốc; mặt khác, họ tìm kiếm hợp tác với Nam Hàn vì công nghệ tốt đã hình thành từ lâu và vững chắc của nước này.
Cô Winnie Han hiện đang đưa tin về Trung Quốc cho The Epoch Times.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: