Taliban chiếm đóng Afghanistan, Đại sứ Nam Hàn đào thoát ‘như phim chiến tranh’
Trong những ngày vừa qua, phiến quân Taliban đã lợi dụng sự rút lui của quân đội Hoa Kỳ để chiếm đóng nhiều vùng khác nhau của Afghanistan, và đã giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8.
Kể từ đó, các kênh truyền thông lớn của Nam Hàn cùng với phương Tây đưa tin rằng, các hành vi bạo lực và đe dọa đang xảy ra trên khắp Afghanistan. Hàng nghìn người Afghanistan đang cố gắng chạy trốn khỏi đất nước này, khiến khu vực phi trường Kabul chật kín.
Đại sứ Nam Hàn tại Afghanistan chạy trốn “như phim chiến tranh”
Đại sứ Nam Hàn tại Afghanistan, ông Choi Tae-ho đã cấp tốc di tản khỏi Afghanistan vào sáng sớm ngày 17/8. Trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với các phóng viên của Bộ Ngoại giao Nam Hàn tại Doha, thủ đô Qatar vào ngày 18/8, ông mô tả tình hình lúc đó “y như một bộ phim chiến tranh”.
Ông Choi Tae-ho kể lại rằng vào ngày 15/8, khi đang tham dự một cuộc họp trực tuyến của Bộ Ngoại giao, ông bất ngờ nhận được thông báo rằng phiến quân Taliban đang tiến đến Kabul, và nhiều đại sứ của các quốc gia đồng minh đã đề nghị di tản. Sau khi báo cáo tình hình với Bộ trưởng Ngoại giao Nam Hàn Chung Eui-yong và nhận được chỉ thị, các nhân viên của Đại sứ quán Nam Hàn đã tiêu hủy các tài liệu quan trọng. Sau đó, họ đã đáp phi cơ đến phi trường quân sự và chuẩn bị di tản cho các công dân Nam Hàn đến Đại sứ quán tại các quốc gia đồng minh.
Ông Choi Tae-ho cho biết vì thời gian eo hẹp và hành lý có thể mang theo là có hạn, ông đã bỏ lại những bộ đồ “không cần thiết”, và chỉ mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay để dùng khi phỏng vấn.
Ông Choi Tae-ho nói rằng, khi nhân viên Đại sứ quán của các nước di tản, rất nhiều người Afghanistan cũng tìm cách chạy trốn ra nước ngoài, gây ra tình trạng hỗn loạn ở trong và ngoài phi trường. “Rất đông người tụ tập trên đường băng phi trường, có người còn trèo lên phi cơ, trên không thậm chí còn có trực thăng bay tới bay lui. Thỉnh thoảng từ trong đám đông lại vang lên tiếng súng, phi trường đã có lúc bị rơi vào trạng thái tê liệt, [phi cơ] không thể cất cánh hay hạ cánh”.
“Sau khi lên phi cơ quân sự vào khoảng 3 giờ sáng, chúng tôi ngồi trên sàn của vận tải cơ, cảm giác như ngồi trên một chiếc thuyền. Cabin của phi cơ chật cứng, chủ yếu là người Mỹ, có một vài người Afghanistan và những người từ các quốc gia thứ ba”.
Kabul trong tình trạng thảm khốc, các đoàn thể xã hội ở Nam Hàn kêu gọi chính phủ hỗ trợ công dân tị nạn
Vào sáng ngày 20/8, 106 tổ chức xã hội ở Nam Hàn như tổ chức Đoàn kết Nhân dân vì Dân chủ v.v. đã tổ chức họp báo trước tòa nhà của Bộ Ngoại giao ở Seoul. Họ thúc giục chính phủ Nam Hàn đưa ra các biện pháp ứng phó để bảo vệ cho những người Nam Hàn ở Afghanistan, và bảo đảm an toàn cho những người Afghanistan đang làm việc cho quân đội và các cơ quan của Nam Hàn.
Các tổ chức này cho biết, sau khi quân đội Hoa Kỳ lui quân, Taliban đã kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Afghanistan và khiến đất nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng về đạo đức nghiêm trọng. Ông Lưu Định Cát (phiên âm), Chủ tịch Ủy ban hoạt động chung của môi trường Phật giáo ở Nam Hàn, người từng tiến hành các hoạt động của tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Kabul, thủ đô của Afghanistan, đã thuật lại những gì người dân địa phương mô tả cho ông rằng, “Tôi nghe nói có vài người đã bị Taliban đe dọa bằng các phương thức khác nhau vì đã ủng hộ cho các tổ chức phi chính phủ của Nam Hàn … Phụ nữ không thể ra ngoài mà không mặc burqa, thậm chí còn có thể bị bắn. Đàn ông thì có khả năng bị ép phải nhập ngũ, tôi rất sợ”.
Tờ Chosun Ilbo dẫn lời The Wall Street Journal nói rằng, trước khi thủ đô Kabul thất thủ, đã xảy ra nhiều vụ Taliban sát hại binh lính đầu hàng tại các khu vực nó chiếm đóng, cũng có nhân chứng cho biết đã nhìn thấy tận mắt Taliban ép phụ nữ kết hôn với thành viên của họ, đánh đập cư dân, và có những hành động độc tài.
Nhiều kênh truyền thông đã trích dẫn thông tin từ tờ The Independent của Anh nói rằng, những người dân địa phương ở Afghanistan trú tại một khách sạn gần phi trường Kabul đã ném con của họ qua hàng rào thép gai cho quân đội Anh Quốc. Cũng có video trên mạng cho thấy người dân địa phương đã trao con cái của họ cho quân đội Hoa Kỳ ở bên kia bức tường.
Nhiều kênh truyền thông Nam Hàn đã trích dẫn các báo cáo từ tờ The New York Times, mô tả Kabul là “thành phố của sự kinh hoàng”. Các tổ chức liên quan đến chính phủ Hoa Kỳ và quân đội Hoa Kỳ, các công ty địa phương của Hoa Kỳ ở Afghanistan, cùng các nhân viên và phóng viên của các đoàn thể cứu hộ phương Tây vì sợ bị Taliban trả đũa mà phải phiêu bạt tứ xứ. Hiện tại, Taliban đang tiến hành lục soát từng nhà. Nhiều người đã bị giẫm đạp và xô đẩy khi cố gắng chạy trốn, thậm chí còn có tình huống trẻ sơ sinh bị giẫm mà tử vong. Một số người chạy trốn cho biết, họ nhận được những lời đe dọa giết người từ Taliban qua điện thoại.
Afghanistan là một bài học cho Nam Hàn trong việc tăng cường liên minh Hàn-Mỹ
Tờ Central Daily News ở Đài Loan đã đăng một bài xã luận, thảo luận về bài học trong sự kiện Afghanistan đối với Nam Hàn, bài xã luận nói rằng: “Tình hình Afghanistan sau khi Hoa Kỳ rút quân cũng khiến chúng ta nhận thức ra tầm quan trọng của liên minh Hàn-Mỹ. Chẳng phải bà Kim Yo-jong, Thứ trưởng Đảng Lao Động ở Triều Tiên, đã công khai yêu cầu quân đội Hoa Kỳ đóng ở Nam Hàn rút quân vào vài ngày trước sao? Liên minh Hàn-Mỹ là xương sống của tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Chính phủ và quân đội Nam Hàn phải coi Afghanistan như một lời cảnh báo, đồng thời nỗ lực hết sức để củng cố liên minh Hàn-Mỹ và củng cố lực lượng quân đội”.
Cộng đồng mạng Nam Hàn đã để lại những lời bình luận rằng: “Nhìn thấy rồi chứ, đây chính là kết quả sau khi quân đội Hoa Kỳ rút quân”, “Tôi rất lo lắng rằng Nam Hàn cũng sẽ trở thành Afghanistan… Tôi hy vọng việc đó sẽ không bao giờ xảy ra, khi mà buộc tôi phải ném con mình qua bên kia hàng rào sắt”.
“Còn có ai tin tưởng Taliban hoặc Đảng Cộng sản nữa không?”
Taliban hy vọng sẽ được Nam Hàn công nhận, chính phủ Nam Hàn đang quan sát
Bộ Ngoại giao Nam Hàn tin rằng, sau khi Taliban lên nắm quyền, đã rất khó để đàm phán chính sách với chính phủ Afghanistan trước đây. “Cần phải nói rằng, chính phủ có thể cùng tiến hành đàm phán đã không còn tồn tại”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn vào ngày 23/8, Taliban đã lần đầu tiên chính thức nêu ra quan điểm của mình với giới truyền thông Nam Hàn, mong rằng Nam Hàn sẽ công nhận Taliban là một chính phủ hợp pháp và tiến hành hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.
Chính phủ Nam Hàn chưa phản hồi về lập trường này, nhưng trước đó họ đã từng tuyên bố rằng, “Đây là vấn đề liên quan đến công nhận một quốc gia, một chính phủ”. “Chính phủ Nam Hàn luôn tuân thủ và tôn trọng nguyên tắc khi hợp tác với các quốc gia tôn trọng nhân quyền và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế … đối với Taliban, hiện tại chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn quan sát”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Hàn Chung Eui-yong đã cho biết vào ngày 23/8 rằng, ông đang xem xét giúp đỡ những người Afghanistan từng hỗ trợ Nam Hàn được nhập cư vào Nam Hàn. “Nam Hàn đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ ở Afghanistan như bệnh viện đa khoa, và nhiều người dân địa phương đã trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ rất nhiều trong quá trình này … đối với những người muốn chuyển đến Nam Hàn, chính phủ đang xem xét các phương pháp khác nhau để đưa họ đến Nam Hàn một cách an toàn”.
Do An Cảnh, Dương Diệc Huệ thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: