Taki Katei: Anh hùng của nghệ thuật truyền thống trong thời kỳ Nhật Bản đổi vận
Những năm 1890 là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp của họa sĩ Nhật Bản Taki Katei (1830–1901), ông được trao tặng các giải thưởng chuyên nghiệp và ngập tràn các đơn đặt hàng. Vào năm 1893, ông được vinh danh là “Nghệ Nhân Hoàng Gia”, một giải thưởng dành cho công việc của ông tại triều đình Nhật Bản.
Dù từng rất nổi tiếng, nhưng có thể bạn chưa bao giờ nghe nói về ông.
Lý do Taki “bây giờ không nổi tiếng, ngay cả ở Nhật Bản” là vì vào đầu thế kỷ 20, phong cách hội họa của Taki được coi là lỗi thời, giám tuyển (curator) Rosina Buckland đã viết trong một email. Buckland, tác giả của quyển sách “Painting Nature for the Nation: Taki Katei and the Challenges to Sinophile Culture in Meiji Japan” (tạm dịch: “Thiên Nhiên Quốc Họa: Taki Katei và những Thách Thức với Văn Hóa thuộc Trung thời Minh Trị Nhật Bản”) xuất bản năm 2012, nói rằng các nghệ sĩ liên kết với Trường Mỹ thuật Tokyo do chính phủ tài trợ “được coi là sáng tạo và đáng chú ý hơn.”
Buckland cũng đóng vai trò là giám tuyển khách mời (guest curator), cùng với giám tuyển Alex Blakeborough, cho triển lãm “Drawing on Nature: Taki Katei’s Japan (tạm dịch: “Hội Họa Thiên Nhiên: Nhật Bản trong mắt Taki Katei”) tại Bảo Tàng Thế giới ở Liverpool, Anh. Blakeborough là trợ lý giám tuyển mảng dân tộc học của Bảo Tàng Thế Giới.
82 bức vẽ bao gồm các bản thảo theo đơn hàng, nghiên cứu về các bức tranh và giáo cụ cho học trò của Taki được trưng bày trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Liverpool – một nhóm các bảo tàng và phòng trưng bày bao gồm Bảo Tàng Thế Giới. Các cuộc triển lãm bao gồm các tác phẩm của Taki và học trò Ishibashi Kazunori.
Các tác phẩm hiện đang nằm trong bộ sưu tập thường trực của bảo tàng nhờ một trong những học trò của Taki, Ishibashi (1876–1928), học tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia ở London.
Đáng ngạc nhiên hơn, đây là lần đầu tiên tác phẩm của Taki được triển lãm bên ngoài Nhật Bản.
Taki Katei chinh phục truyền thống
Sinh năm 1830, Taki lớn lên trong thời kỳ mà nghệ thuật Nhật Bản rất coi trọng truyền thống. Các họa sĩ không chỉ vay mượn truyền thống của hội họa cổ điển Trung Hoa, mà còn tuân theo truyền thống học hỏi từ đời sống của con người, động vật và thực vật. Taki học lối vẽ truyền thống này từ những người thầy khi mới 6 tuổi. Năm 20 tuổi, ông đến Nagasaki để được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa Trung Hoa. Vào thời điểm đó, Nagasaki là bến cảng duy nhất mở cửa ở Nhật Bản và giao thương rất hạn chế với các nước Hà Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại đây, Taki có thể giao lưu với các họa sĩ và văn nhân Trung Quốc, những người đã trực tiếp dạy ông về văn hóa của họ.
Trong 15 hoặc 16 năm tiếp đó, Taki ngao du khắp Nhật Bản, học hỏi từ các giáo viên và bằng cách bắt chước các tác phẩm lớn; ông đã vẽ nhiều tác phẩm theo đơn hàng trên cuộc hành trình. Bằng cách này, ông đã tạo dựng được danh tiếng cũng như lưu trữ được một lượng các tác phẩm. Việc này đã giúp ông mở một trường nghệ thuật tại gia viên khi trở về Tokyo vào năm 1866, Blakeborough cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Đến năm 1868, tình hình Nhật Bản rối loạn. Tướng quân Tokugawa, “đại tướng quân” của thời kỳ Edo (1603–1867) bị lật đổ, chấm dứt chế độ phong kiến Nhật Bản. Hoàng đế Nhật đã thay thế mạc chúa, trở thành người cai trị tối cao và trị vì với tư cách là hoàng đế thời Minh Trị. Nhật Bản bắt đầu một thời kỳ biến chuyển to lớn khi truyền thống nhường chỗ cho Tây hóa. Chẳng hạn như Nhật Bản rất hoan nghênh đầu máy hơi nước, phong cách kiến trúc và trang phục của phương Tây.
Chính phủ đã thành lập một trường nghệ thuật và bảo tàng, thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm công cộng. Các nghệ sĩ được khuyến khích tích hợp phong cách phương Tây vào nghệ thuật của họ, và các tác phẩm cho triển lãm được đóng khung kính thay vì các tranh lụa treo cuộn truyền thống.
Buckland nói: “Taki không tích hợp bất kỳ yếu tố phong cách nào từ hội họa phương Tây vào tác phẩm của mình. Ông thuộc Hiệp Hội Nghệ Thuật Nhật Bản, là nhóm các nghệ sĩ ‘tìm cách hồi sinh hội họa Nhật Bản truyền thống đã được xác lập’”.
Hiệp hội đã quảng bá nghệ thuật truyền thống Nhật Bản ở nước ngoài và gửi tác phẩm đến các cuộc triển lãm quốc tế ở Chicago vào năm 1893, và Paris vào năm 1900. Họ đã tổ chức hai cuộc triển lãm hàng năm ở Tokyo và gửi tác phẩm đến các cuộc triển lãm do chính phủ tài trợ.
Họ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đặc biệt thể hiện các họa tiết hoặc chủ đề mạnh mẽ và bắt mắt, mà đại diện cho văn hóa Nhật Bản, Buckland giải thích.
“Hội Họa Thiên Nhiên: Nhật Bản trong mắt Taki Katei”
Các bức vẽ của Taki trong triển lãm cho thấy cách mà ông dạy hội họa truyền thống cho các học trò của mình. Theo thuyết minh audio tại triển lãm, các bản vẽ có thể dùng cho các bức bình phong, cửa trượt, quạt, các album, tranh cuộn và tất nhiên, tranh cuộn treo.
“Chúng là “những sản phẩm chức năng” được dùng để dạy học trò của ông cách vẽ một số họa tiết nhất định, hướng dẫn họ về chủ đề của hội họa Á Đông truyền thống (hầu hết bắt nguồn từ Trung Hoa) và toàn bộ ngôn ngữ hội họa để thiết lập nên chủ đề của các bức tranh, một số có niên đại gần như là một ngàn năm ở Trung Hoa”, Buckland nói. Những chủ đề hội họa này đã được trình bày chi tiết trong một cuốn sách xuất bản năm 1886 dành cho các họa sĩ tập sự mà Taki đã đóng góp.
Trong triển lãm, các bức vẽ được ghim thay vì treo trong phòng trưng bày, cho phép khách tham quan có cái nhìn thoáng qua về cách mà các học trò của Taki học từ ông. “Các tác phẩm của ông sẽ được ghim quanh xưởng vẽ để học trò của ông sao chép, vì vậy đó thực sự là những gì [chúng tôi] đang làm; chúng tôi đang tiếp tục cách dạy truyền thống của ông”, Blakeborough giải thích.
Mức độ chi tiết trong nhiều bản vẽ là đáng kinh ngạc. Blakeborough chia sẻ: “Tôi vẫn có thể nhớ lần đầu tiên tôi nhìn thấy những tác phẩm này và thật rất ngạc nhiên vì chúng không phải là tác phẩm đã hoàn thành.”
Hầu hết các tác phẩm đi kèm với các bản thảo. Đối với Taki, “để có thể lặp lại chi tiết đó, kỹ thuật đó [cho tác phẩm hoàn thiện sau cùng] tự nó đã là một điều đáng kinh ngạc”, Blakeborough nói.
Taki phải làm các bức họa đến mức như vậy nếu nó được thực hiện trên lụa, bởi vì ngay cả một lỗi nhỏ cũng không thể xóa được. Để hoàn thiện bức tranh lụa cần có sự kiên nhẫn, kỹ năng siêu xuất và rèn luyện không ngừng nghỉ.
Những nguyên tắc đó được thể hiện qua các bức vẽ của Taki trong triển lãm. Đường lưới xuất hiện trên một số bản vẽ nhằm để phóng to hình ảnh khi sao chép. Một số bản vẽ có chú thích kèm theo các chỉnh sửa, như trong bức vẽ thú vị về một đôi hạc của Ishibashi Kazunori. Đầu của những con hạc đã được Taki hoặc Ishibashi điều chỉnh nhẹ nhàng bằng mực đỏ.
Trong tác phẩm “Khóm Hoa Mẫu Đơn” của Taki, những cánh hoa mẫu đơn hồng phớt mỏng manh mượt mà, gợi một làn hương nhè nhẹ. Và trong một bức họa khác, có cái tên đơn giản là “Hươu”, bộ lông của con vật được vẽ kĩ đến mức bạn có thể cảm thấy mềm mịn khi chạm vào.
Những chủ đề này không chỉ là những mơ tưởng hão huyền mà Taki muốn vẽ. Tranh Nhật Bản, cũng như trong nghệ thuật cổ điển Trung Hoa, sử dụng cảnh sắc thiên nhiên để lột tả nội hàm bên trong. Hoa mẫu đơn với nhiều lớp cánh dày tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng, và hươu tượng trưng cho trường thọ.
Taki và các học trò của ông sẽ phải học ngôn ngữ của nghệ thuật Á Đông này — một ngôn ngữ được truyền tải không phải bằng chữ viết hay lời nói, mà bằng ngôn ngữ biểu tượng.
Nhiều bức họa và tranh cuộn treo mang đầy ý nghĩa. Thông thường, những gia đình lưu giữ những tranh cuộn treo truyền thống có niên đại cả 1.000 năm và chỉ mở nó ra vào những dịp nhất định. Tranh hoa mẫu đơn nở sẽ được cất giữ cho đến mùa hè mới được treo lên. Bức tranh như “Những Con Sóng Đầu”, vẽ những con sếu thanh cao trên những con sóng nhấp nhô, có thể được treo để đón năm mới. Sếu mào đỏ là biểu tượng của sự trường thọ và thanh khiết.
Thật trùng hợp khi các tác phẩm của Taki được treo trong một cuộc triển lãm – đối với văn hóa truyền thống Nhật Bản và đối với chính nghệ thuật. Có thể đây là triển lãm đầu tiên của Taki Katei ở ngoại quốc.
Ghi chú: Taki Katei và Ishibashi Kazunori được viết theo truyền thống Nhật Bản: họ ở đầu tiên và tên ở vị trí thứ hai.