Tại sao vui chơi là cách giáo dục tốt nhất thời thơ ấu
Khi còn là một đứa trẻ, cha mẹ để cho tôi vui chơi.
Khi lớn lên tôi được học theo chương trình giáo dục tại gia, vì vậy tôi có nhiều thời gian hơn các bạn khác – hầu hết thời gian lớn lên của tôi là dành cho việc thoải mái vui đùa với tự nhiên.
Tất nhiên tôi cũng vẫn làm bài tập ở trường – không phải là tôi không đi học. Những ký ức tuổi thơ ấu của tôi phần lớn là dành cho vui chơi: xây pháo đài trong rừng, xây dựng thị trấn Playmobil trong phòng khách, dựng lên những vở kịch mà tôi có thể hóa trang và diễn xuất.
Tôi không bị mắc kẹt trong lớp học cả ngày và tôi cũng không bị ràng buộc với các chương trình sau giờ học. Thay vì đón tôi từ sân bóng đá rồi đưa sang lớp học kèn clarinet, mẹ tôi để tôi tự do làm bất cứ điều gì tôi muốn (miễn là hợp tình hợp lý).
Vì thế nên tôi đã làm đủ trò. Tôi đọc truyện. Tôi vẽ những bức tranh và xé toạc lỗ hổng trên chiếc quần jean của mình và chơi nghịch bùn đất, tôi bày bừa trong nhà, tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời nhất.
Và bởi vì không có việc gì phải làm nên tôi muốn thử mọi thứ.
Việc đọc tiểu thuyết đã truyền cảm hứng cho tôi viết lách. Khi tôi đọc về Laura Ingalls Wilder tự may quần áo cho mình, tôi cũng thử tự học cách may vá. Khi tôi xem các tạp chí búp bê và không thể trả tiền cho bộ quần áo búp bê mà mình muốn, tôi đã sử dụng kỹ năng may vá mới của mình để thiết kế những phiên bản mang phong cách của tôi.
Tôi nghĩ rằng tôi chỉ đang vui chơi nhưng thực chất tôi học được một bài học quan trọng: làm thế nào để tự định hướng. Tôi không cần ai hướng dẫn. Và đó là một kỹ năng sống cơ bản.
Thời tiểu học, tôi nhận thấy rằng bạn bè của ông bà tôi đều rất yêu quý vẻ ngoài tràn đầy năng lượng của tôi, và họ sẵn sàng khích lệ tính sáng tạo của tôi bằng cách “mua” các sản phẩm mà tôi làm ra với giá vài chục xu. Ở tuổi 12, tôi đã bắt đầu khởi nghiệp.
Không phải vì tôi muốn làm việc – tất cả chỉ là một trò chơi, nhưng sự vui chơi đó đã đi vào đời thực. Khi bạn được tự do theo đuổi sở thích của mình, ranh giới giữa trò chơi và đời thực có thể mờ đi nhanh chóng.
Việc xây dựng một pháo đài trong phòng khách trở thành sự sắp xếp lại căn phòng của chính bạn, điều này nhanh chóng hình thành kỹ năng tổ chức và thiết kế nội thất. Đó là một kỹ năng sống. Người ta xây dựng sự nghiệp với nghề nghiệp là nhà thiết kế nội thất – và ngay cả khi ai đó chỉ sử dụng kỹ năng đó trong nhà của họ, thì nó vẫn cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Hầu hết các kỹ năng sống quan trọng của tôi đều bắt nguồn từ việc vui chơi và tự mình khám phá. Các lớp học tôi đã tham gia rất hữu ích và sự dạy dỗ tôi nhận được là vô giá. Nhưng những thứ thực sự trang bị cho tôi trong cuộc sống là những lần tôi được cho một thứ gì đó mới – có thể là một công cụ mới hoặc thông tin thô sơ – và tôi thư thả chơi với nó.
Một ví dụ cụ thể: Khi tôi học lớp một, mẹ đã đăng ký cho tôi một lớp học đan len. Tất nhiên, tôi đã học được nhiều điều từ lớp học đó. Nhưng khi tôi chỉ đan cho vui thì việc học thật sự mới bắt đầu. Tôi học những cách khâu mới, bởi vì tôi thích thú khám phá những gì mình có thể tự làm. Tôi học các mẫu mới, và sau đó tôi tự thiết kế.
Đó là khởi đầu cho việc kinh doanh của tôi khi tôi 12 tuổi – bán búp bê đan tay cho bạn bè và các mẹ trong cộng đồng trường học tại gia, các mẫu đó do tôi tự thiết kế. Khám phá mới này dẫn đường cho việc hình thành các kỹ năng mới – chẳng hạn như kế toán sổ sách, vì tôi muốn theo dõi số tiền mà mình đã kiếm được.
Và do đó, tuổi thơ vui chơi của tôi trở thành tuổi thiếu niên khám phá thế giới thực, để rồi khi đến tuổi trưởng thành tôi đã được trang bị đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm để sẵn sàng đón nhận cuộc sống.
Khi lớn hơn, tôi bắt đầu nhận ra xu hướng tương tự với những đứa trẻ học tại gia khác. Chúng thú vị hơn. Chúng được quyền tự do khám phá mọi thứ và nó dẫn chúng đến những điều thú vị. Tôi nhận thấy xu hướng tương tự đối với những người trẻ tuổi – những người có quyền tự do khám phá khi còn nhỏ cho thấy rằng họ dễ dàng thành công hơn khi trưởng thành.
Trong cuốn sách “Bạn sẽ đo lường cuộc đời mình như thế nào” (How Will You Measure Your Life), Clayton Christensen đã nói về những hành trang mà chúng ta cung cấp cho con cái như trại hè, thể thao, các lớp học khiêu vũ, các hoạt động có tổ chức khác, nỗi ám ảnh văn hóa của chúng ta đối với con cái và chi phí tiềm tàng.
Christensen, người đã từng là giáo sư quản trị kinh doanh của Kim B. Clark tại Trường Kinh doanh Harvard, viết rằng, “Khi chúng ta quá tập trung vào việc chuẩn bị hành trang cho con mình, chúng ta cần tự hỏi bản thân một loạt câu hỏi mới: Con mình đủ điều kiện để phát triển các kỹ năng khác tốt hơn chưa? Chúng có đủ kiến thức để phát triển kiến thức sâu hơn không? Kinh nghiệm học được qua những trải nghiệm của bạn là gì?”
Ông tiếp tục đưa ra lập luận rằng việc tập trung quá nhiều vào các hoạt động sẽ đưa trẻ em vào tình thế phải tiếp thu bị động, nhưng chúng không biết phải làm gì với tất cả những sự trang bị này – giống như một đứa trẻ có thể nhớ bài học ở trường nhưng không thể sử dụng các thông tin đó để tạo ra bất cứ thứ gì mới.
Chúng ta rất lo lắng về việc trang bị cho trẻ em những tài nguyên thô sơ tốt nhất nhưng chúng ta lại không cho bọn trẻ bất kỳ thời gian nào để học làm cái gì với chúng.
Christensen cũng viết:
“Kết quả cuối cùng của những mục đích tốt đẹp này đối với con cái chúng ta là có rất ít người đến tuổi trưởng thành có khả năng gánh vác những trọng trách [trong cuộc sống] cũng như giải quyết những vấn đề phức tạp của bản thân và cho người khác. Lòng tự tôn – cái cảm giác rằng ‘Tôi không ngại đối mặt với vấn đề này và tôi nghĩ rằng mình có thể giải quyết nó’ – không đến từ những trang bị ôm đồm. Đúng hơn, lòng tự tôn đến từ việc đạt được một điều gì đó quan trọng khi mà nó khó thực hiện.”
Khi xã hội đo lường sự thành công của các bậc cha mẹ bằng số lượng trại hè mà họ đã đăng ký cho con cái họ, thì họ thấy sợ khi đi ngược với quan niệm đó. Nếu bạn đang làm sai thì sao?
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự sai lầm không phải là do bạn thoát ra khỏi xu hướng đó mà là quan niệm rằng: trẻ em học được nhiều từ các hoạt động hơn là từ các khoảng thời gian trống vui chơi xen kẽ?
Khi tôi lớn lên và lần đầu tiên bước ra thế giới bên ngoài, những bài học dẫn dắt tôi không phải là những bài học đến từ những lớp học tôi đã tham gia hay những hoạt động tôi đã tham dự. Những bài học chỉ đường cho tôi là những bài học mà tôi thu được khi vui chơi – học cách làm việc, kinh doanh, tự định hướng, thậm chí là tự hiểu biết.
Toàn bộ nền giáo dục của tôi là hữu ích. Nhưng chỉ trong trường hợp tôi được tự do vui chơi với nó.
Hannah Frankman thực hiện
Tân Dân biên dịch