Tại sao nền kinh tế tự do của Trung Quốc lại “thiếu tự do”?
Với sự phát triển kinh tế nhanh chóng dưới chế độ độc tài Trung Cộng, các nhà tư bản được hưởng lợi đã không đóng vai trò dân chủ, thay vào đó lại làm Trung Cộng thích ứng với xã hội Trung Quốc hiện tại và tìm kiếm lý do chính đáng để nắm quyền, tách nền tự do kinh tế của Trung Quốc khỏi tự do chính trị, khiến nền dân chủ của Trung Quốc ngày càng xa vời.
Đã 10 năm kể từ khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng mức độ tự do của nền kinh tế có được bao nhiêu? Trong báo cáo thường niên về “Chỉ số tự do kinh tế” năm 2020 do tổ chức tư vấn Hoa Kỳ The Heritage Foundation công bố hôm 16/3, Trung Quốc đạt 59.5 điểm, đứng thứ 103 trong tổng số 179 quốc gia và khu vực được tính trên thế giới. Điểm số này không những ở dưới mức trung bình toàn cầu, mà còn ở mức “thiếu tự do”.
Theo điểm số báo cáo thường niên năm 2020, tự do kinh tế của tất cả các quốc gia và khu vực được chia thành 4 cấp độ như sau:
- Tự do nhất (Mostly Free) từ 70 điểm trở lên
- Tự do vừa phải (Moderately Free) từ 60- 70 điểm
- Thiếu tự do (Mostly Unfree) từ 50-60 điểm
- Áp đặt (Repressed) 50 điểm trở xuống
Mười năm trước, vào năm 2010, Trung Quốc đạt 51.0 điểm và xếp thứ 140 trên thế giới; mười năm sau, Trung Quốc tăng lên 8.5 điểm, nhưng vẫn nằm ở cấp độ “Thiếu tự do”.
Tính đến cuối năm 2018, tài sản của các ngân hàng nước ngoài nhỏ hơn 2%, vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu nhỏ hơn 3%, vốn đầu tư bảo hiểm của nước ngoài nhỏ hơn 6%. Những số liệu này cho thấy rất rõ mức độ tự do tài chính của Trung Quốc, mà tự do tài chính lại là một phần quan trọng của tự do kinh tế.
Mức độ tự do tài chính thấp của Trung Quốc không chỉ thấp hơn mức độ trung bình của các quốc gia đang phát triển (ví dụ: về tỷ trọng tài sản của các ngân hàng nước ngoài, OECD và bốn nước BRIC khác đạt 12% và 15.5% năm 2009, trong khi mức trung bình của thế giới là 13%, gấp 7.1 lần của Trung Quốc); nó cũng thua xa mức độ mở cửa của hàng hóa, dịch vụ thương mại và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc.
Mức độ tự do kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây vẫn ở mức độ “về cơ bản là không có tự do”. Nó cho thấy rằng cái gọi là tiến bộ của Trung Cộng thực ra đều là “kiến bò quanh”, không có đột phá đáng kể. Số liệu dưới đây cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, Trung Cộng luôn ồn ào gây hấn, chèn ép khắp nơi, hết thảy chỉ là màn trình diễn, đều là lừa dối, còn bản chất chưa bao giờ thay đổi. Từ khía cạnh này chứng minh được một điểm: trong 10 năm qua việc cải cách của Trung Quốc vẫn bị đình trệ.
Bảng 1: Điểm số và xếp hạng mức độ tự do kinh tế của Trung Quốc từ năm 2013-2020
Hơn nữa, hành vi ngang ngược của Trung Cộng còn kéo rớt vị trí đứng đầu của Hồng Kông trong bảng xếp hạng tự do kinh tế thế giới. Kể từ khi The Heritage Foundation phát hành báo cáo thường niên về tự do kinh tế vào năm 1995, Hồng Kông liên tục giữ vị trí quán quân trong 25 năm liên tiếp, nhưng đến năm 2020 đã bị Singapore vượt qua. Việc Trung Cộng buộc chính quyền Hồng Kông sửa đổi hiệp ước dẫn độ vào năm 2019 đã dẫn khởi phong trào “Phản tống Trung” mãnh liệt của người dân Hồng Kông, chính quyền Hồng Kông đã lạm dụng cảnh sát và bạo lực để đàn áp, khiến cho Hồng Kông, nơi được mệnh danh là Viên ngọc phương Đông, trở nên hỗn loạn. Năm 2020 Trung Cộng lại áp đặt “Luật An ninh Quốc gia” ở Hồng Kông, tùy tiện bắt giữ những người hoạt động dân chủ, thể chế “một quốc gia hai chế độ” của Hồng Kông không còn nữa, lại bị Hoa Kỳ hủy bỏ quy chế đặc biệt, Hồng Kông lâm vào tình thế bấp bênh. Người ta lo ngại rằng điểm số tự do kinh tế của Hồng Kông trong năm 2021 sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Chỉ số tự do kinh tế được The Heritage Foundation thiết lập (Index of Economic Freedom), bao gồm 50 chỉ số trong 10 hạng mục, đồng thời tham khảo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Cục Dự trữ Liên bang (IMF), Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế (OECD) và các báo cáo liên quan khác để đánh giá. Tư tưởng cốt lõi của đánh giá là: các quốc gia và khu vực có nhiều tự do kinh tế hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn cao hơn và thịnh vượng hơn so với các quốc gia và khu vực có mức độ tự do kinh tế thấp. Tư tưởng “bảo vệ thể chế cơ bản của tự do cá nhân, theo đuổi lợi ích kinh tế tự thân và làm cho xã hội phát triển phồn vinh hơn” này phát xuất từ cuốn “Sự giàu có của các quốc gia” của Adam Smith.
Tư tưởng này đã được xác nhận bởi lịch sử cận đại. Một số nhà bình luận cho rằng: tự do kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực nói chung có liên quan tích cực đến sự phát triển kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của công dân; tự do xã hội của một quốc gia hoặc khu vực được xác định bởi tự do kinh tế, tự do tư tưởng và tự do chính trị, cả ba nhân tố này cũng liên quan mật thiết với nhau; tự do xã hội của một quốc gia và pháp quyền có mối quan hệ tích cực về tổng thể, và sự cai trị của con người có mối quan hệ ngược lại. Nói cách khác, mức độ tự do kinh tế là cơ sở của mức độ phát triển kinh tế, tự do xã hội và pháp quyền ở một quốc gia hoặc khu vực.
Tuy nhiên Trung Cộng sẽ không bao giờ chấp nhận ý tưởng này. Bản chất định tính của nền kinh tế “thiếu tự do” của Trung Quốc chính là thể hiện thực tế cương lĩnh và quốc sách “Một trung tâm, hai điểm cơ bản” của Trung Cộng.
Trung Cộng nói “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”, là sự nhượng bộ bất đắc dĩ đối với hiện thực kinh tế lạc hậu, là biểu hiện “giấu giếm”, một khi thực lực kinh tế có chút tăng trưởng, thì bản năng “giải phóng toàn nhân loại” ngay lập tức nổi lên (Ví dụ, ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Trung Cộng vào tháng 11/2012, đề xuất rõ ràng phải khởi xướng ý thức “cộng đồng vì vận mệnh chung của nhân loại”; Hội nghị toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng vào tháng 10/2020 càng đề xuất rõ ràng “thúc đẩy xây dựng mối quan hệ quốc tế kiểu mới và cộng đồng vì vận mệnh của nhân loại”), tham vọng toàn cầu hóa của Trung Cộng đã sớm lộ rõ, “quân dân dung hợp” và quân sự hóa kinh tế quốc dân đã ngấm ngầm được tiến hành.
Về “hai điểm cơ bản” mà Trung Cộng nói, một số nhà bình luận nói rằng: “kiên trì cải cách mở cửa” quyết định mức độ tự do kinh tế của Trung Quốc có thể hơn hẳn việc “hoàn toàn mất tự do” ở các quốc gia khác như Triều Tiên chẳng hạn; trong khi “kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản” thì quyết định việc Trung Quốc sẽ duy trì ở cấp độ “cơ bản là mất tự do” trong thời gian dài, thực sự khó khăn để tiến lên một cấp độ mới và trở thành một quốc gia “tự do vừa phải”, càng không có khả năng đạt đến trình độ tự do kinh tế hoàn mỹ đáng tự hào như Hồng Kông và Đài Loan.
Báo cáo thường niên năm 2019 của The Heritage Foundation có đề cập đến “(Kỷ nguyên mới) Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” của Tập Cận Bình, ngăn chặn tự do hóa từ cấp độ ý thức hệ, dựa nhiều hơn vào chủ nghĩa trọng thương và đặt ra nhiều trở ngại quan liêu hơn trong thương mại và đầu tư, mà nhà nước pháp quyền đã bị suy yếu, không tăng cường sức đề kháng đối với các kiểu trục lợi vốn cản trở sự phát triển kinh tế năng động hơn.
Trên thực tế, bản thân khái niệm “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” của Trung Cộng vốn đã là mâu thuẫn. Ví dụ, “chủ nghĩa xã hội” đòi hỏi “sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất” và “kinh tế quốc doanh làm chủ đạo”, còn “kinh tế thị trường” thì yêu cầu đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác nhau và yêu cầu “cạnh tranh công bằng”, hai cái này đối nghịch với nhau. Nguyên nhân sâu xa nhất khiến nền kinh tế Trung Quốc chìm sâu vào tình trạng khó khăn như hiện nay chính là sự trói buộc của hệ tư tưởng Trung Cộng.
Để giải cứu nền kinh tế Trung Quốc khỏi tình trạng khó khăn, cần phải tháo gỡ sự trói buộc về ý thức hệ và phá vỡ sự kiểm soát của Trung Cộng, như thế thì chẳng khác nào xóa bỏ Trung Cộng, vì thế nó sẽ kháng cự đến cùng.
Vì vậy, Trung Quốc hiện đang ở vào một cục diện mang tính lịch sử: nếu không giải thể Trung Cộng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không có lối thoát. Để nền kinh tế Trung Quốc hay thậm chí là cả Trung Quốc có tương lai, nhất định phải giải thể Trung Cộng.
Cao Nghĩa
Bích Liên biên dịch
Xem thêm: