Tại sao lực lượng bí mật ở biên giới Trung Ấn chủ yếu là người Tây Tạng?
Ấn Độ có một lực lượng bộ đội đặc biệt gọi là Lực lượng Biên phòng Đặc biệt (Special Frontier Force), và không được nhiều người biết đến. Một lính biệt kích người dân tộc Tạng của đơn vị này đã thiệt mạng do đụng nhầm một quả mìn ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 8, từ đó dấy lên sự chú ý của mọi người.
Trên thực tế, phần lớn cấu thành nên lực lượng này là những người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ, mục đích thành lập chính là chiến đấu chống lại quân đội Trung Quốc ở những nơi có độ cao lớn so với mực nước biển.
Theo tin tức trên trang web Business Insider, sau khi thua trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962, Ấn Độ nhận ra họ cần một lực lượng quân đội ở miền núi có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và chiến đấu ở các nơi có độ cao quá lớn. Những thành viên tốt nhất của đội quân này là một lượng lớn người tị nạn Tây Tạng lưu vong cùng Đạt Lai Lạt Ma sang Ấn Độ năm 1959.
Những người tị nạn này đã quen với việc sống trên cao và có động lực chiến đấu với Trung Quốc. Một số người trong số họ đã từng tham gia vào các cuộc chống bạo động ở Tây Tạng, một số trước đó đã được Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) huấn luyện về chiến tranh du kích.
Lực lượng này do Cơ quan Tình báo Ấn Độ thành lập, và sau đó do cục điều tra và phân tích (Research and Analysis Wing) tiếp quản. Ban đầu, nó có tên là “Cơ sở 22” (Establishment 22), nhưng đến năm 1967 thì được đổi tên thành Lực lượng Biên phòng Đặc biệt. CIA đã từng hỗ trợ đào tạo và trang bị cho đến đầu những năm 1970.
Lực lượng Biên phòng Đặc biệt chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thủ tướng và nội các Ấn Độ. Mặc dù đơn vị này không thuộc quân đội Ấn Độ, nhưng quân hàm của họ có vị thế ngang với Lục quân Ấn Độ. Số lượng người của đơn vị này ước tính vào khoảng từ 3,000 đến 5,000, và chỉ huy đầu tiên là Thiếu tướng Sujan Singh Uban, một nhân vật truyền kỳ trong quân đội Ấn Độ.
Trong khoảng 60 năm trở lại đây, lực lượng này đã tham gia vào Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971 và Chiến tranh giành độc lập Bangladesh, Chiến dịch Ngôi sao xanh (Operation Blue Star) chống lại lực lượng ly khai theo đạo Sikh năm 1984 và chiến tranh Kargil (Kargil War) trong cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1999, và đã liên tục lập chiến công.
Mặc dù lực lượng này hiện đã có người Ấn Độ và người Nepal, nhưng chủ yếu vẫn là người Tây Tạng, huy hiệu của đơn vị là Sư tử núi tuyết, cũng giống như hình ảnh trên lá cờ.
Do nguồn gốc và nhiệm vụ đặc biệt của lực lượng này nên phương thức và hoạt động của họ hầu như được giữ bí mật, ít được thế giới bên ngoài biết đến và ít được truyền thông đưa tin. Tuy nhiên, xung đột biên giới Trung-Ấn gần đây đã khiến lực lượng này trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.
Tiêu điểm mới này có thể cho phép lực lượng quân đội với nòng cốt là người Tây Tạng này có được sự công nhận và chú ý đáng có, đồng thời khích lệ cho tinh thần của một số nhân sĩ người Tây Tạng sống ở Ấn Độ.
Một cựu binh của Lực lượng Biên phòng Đặc biệt gần đây chia sẻ với tờ South China Morning Post rằng “Đại đa số người Tây Tạng chúng tôi tham gia đơn vị này vì đây là cơ hội duy nhất của chúng tôi để chống lại Trung Quốc”.