Tại sao dạy nghệ thuật lại là dạy tính cách?
Vào năm 1402, người ta cố gắng tránh huỷ hoại vùng ngoại ô thành phố Rome bằng mọi giá. Những người dân địa phương tin rằng chúng bị nguyền rủa, hoặc có thể mang theo dịch bệnh, và thế là những ngọn tháp và thánh đường hình mái vòm tráng lệ huy hoàng một thời, thậm chí là cả mái vòm của đền Pantheon, không có ai lui tới. Chúng chỉ dùng làm nơi cho bò ăn cỏ cho đến khi Filippo Brunelleschi, một kiến trúc sư trẻ, và Donatello bạn ông, một nhà điêu khắc, đến với lòng đầy ngưỡng mộ.
Hai người họ đã dành hơn hai thập kỷ để phác thảo và nghiên cứu những dấu tích của thành La Mã cổ đại, và những gì họ đã khám phá ra là những điều tối quan trọng đối với thời kỳ Phục Hưng của Âu Châu. Thời kỳ này sau đó đã cho chúng ta thấy những gì vẫn được coi là nghệ thuật vĩ đại nhất của nền văn minh phương Tây, và là nguồn cảm hứng cho đến tận các thế kỷ sau.
Nghệ thuật là một lịch sử sống động. Hơn cả thế, chúng là hiện thân hữu hình của một nền văn minh, và thường là những lý tưởng cao siêu nhất của một nền văn hóa.
Âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, thơ ca, kịch nghệ, và văn học của thế giới phương Tây đã tổ hợp thành các giá trị của chúng ta. Chúng cung cấp cho chúng ta một lăng kính để nhìn vào thời kỳ chiến tranh và thời kỳ hòa bình trong lịch sử, và cả nền chính trị đã định hình nên chúng. Chúng cũng nhắc chúng ta nhớ về những khát vọng của mình.
Đó là một sợi dây xuyên suốt đưa ta về với những nền văn minh cổ đại của người La Mã và Hy Lạp, mà ngày nay chúng ta vẫn có thể trải nghiệm chúng. Nhưng có lẽ chúng ta cần nắm lấy sợi dây đó.
Giáo dục toàn diện
“Nghệ thuật giáo dục con người một cách toàn diện như một cá nhân tổng thể. Nó giáo dục những giác quan, tâm trí và những cảm xúc. Nó giáo dục tâm hồn,” Alexandra York, nhà sáng lập của tổ chức American Renaissance for the Twenty-First Century (Tạm dịch: Phục Hưng Hoa Kỳ trong thế kỷ 21), chia sẻ.
Hơn hai thập kỷ trước, bà York đã có một bài diễn văn tuyên bố về tổ chức của bà, nơi mà bà ủng hộ việc đưa nghệ thuật là “chữ ‘R’ thứ tư”. Ba chữ ‘R’ còn lại là những kỹ năng cơ bản được giảng dạy trong các trường học [đó là]: đọc, viết, và số học.
Bà giải thích: “Kỹ năng đọc dạy học sinh cách hiểu thế giới và biết chúng đang ở đâu trong đó. Kỹ năng viết dạy chúng cách giao tiếp, trình bày những luận điểm thuyết phục. Số học dạy chúng đo lường các thuộc tính, nắm bắt thực tế, và đưa vũ trụ vật lý vào trong một hệ quy chiếu.”
Và nghệ thuật thì sao?
“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng mọi loại nghệ thuật, đặc biệt là múa nghệ thuật, là để dạy người ta về cuộc sống,” bà Yung Yung Tsuai chia sẻ.
Bà Tsuai phụ trách khoa vũ đạo tại trường Đại học Phi Thiên (Fei Tian College) ở Middletown, New York, nơi có các chương trình được cấp bằng về cả múa ba lê cổ điển và múa cổ điển Trung Hoa. Cả hai hệ thống múa đều vô cùng toàn diện với những nền tảng kỹ thuật khắt khe.
Các lễ nghi của một vũ công có thể cung cấp cho người học một nửa sự giáo dục tính cách, bà Tsuai giải thích.
Khóa đào tạo được định hướng chính xác và chi tiết, dạy sinh viên cách quan sát, nắm bắt các quan điểm khác nhau, và chú ý mọi thứ đến từng chi tiết. Vũ đạo cũng mang tính phối hợp, dạy cách làm việc nhóm và giao tiếp – cả bằng lời nói và không lời – trong đó các vũ công không chỉ hỗ trợ lẫn nhau, mà còn học cách cùng nhau vượt qua khó khăn, bà cho biết.
Các lớp học bắt đầu với một cái cúi đầu, và kết thúc theo cùng một cách, để thể hiện sự tôn trọng đối với loại hình nghệ thuật này, với bạn bè và các giáo viên của họ. Bà Tsuai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi dưỡng một nền văn hóa kính trọng, nơi mà các giáo viên làm gương, bởi vì nghệ thuật có thể cần kỹ xảo và kỷ luật, nhưng nó cũng phản ánh thế giới nội tâm. Từ khoảnh khắc các vũ công thức dậy vào mỗi buổi sáng và chuẩn bị sẵn sàng, họ đã ý thức được điều này.
Một nửa còn lại đến từ sự sáng tạo – điều thật sự làm nên nghệ thuật.
“Tôi luôn nói với sinh viên, rằng khi các em chuẩn bị cho một vũ điệu, hãy nhìn vào nội tâm của các em,” bà Tsuai chia sẻ. “Hãy quan sát những hình ảnh của điệu múa đó, và khắc họa chúng – như thế các em có thể kết nối với khán giả cả về nội tâm và ngoại hình.”
Nghệ thuật là sự sáng tạo, bà Tsuai nói thêm, bất kể là bạn đang vẽ một bức tranh hay đang đưa một câu chuyện vào cuộc sống thông qua vũ đạo, bạn cần phải ý thức sâu sắc về nội tâm của mình, từ đó dần khắc sâu tinh thần trách nhiệm cá nhân và mong muốn mang đến điều tốt đẹp cho thế giới này.
Sự phát triển nhân cách này không chỉ giới hạn cho một nghệ sĩ toàn thời gian.
Âm nhạc trong các trường học
Colleen Stewart khởi nghiệp là một giáo viên dạy nhạc cho các học sinh tiểu học. Bà yêu thích việc giảng dạy trong lớp học và ý tưởng về việc bồi dưỡng các nhạc sĩ trẻ.
Cuối cùng, bà rời vị trí đó để trở thành một hiệu trưởng, sau đó là một quản trị viên, rồi trở thành nhà sáng lập của hai trường Học viện Thành công (Success Academy schools), và sau là một quản trị viên cấp huyện.
Stewart, hiện đang là Giám đốc Chương trình Giáo dục Thông qua Âm nhạc (ETM) chia sẻ: “Lý do tôi chuyển vị trí công tác đó là vì tôi đã thấy các mối liên hệ giữa những gì diễn ra trong lớp học âm nhạc với lớp học văn hóa và toán học và việc giáo dục tính cách trong trường học. Điều làm tôi vô cùng tâm huyết trong lớp học không chỉ là bồi dưỡng các nhạc sĩ trẻ – điều tôi yêu thích vô cùng – mà còn là bồi dưỡng những đứa trẻ thật sự có khả năng thành công trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào.”
Chương trình giảng dạy khá chuẩn mực: các lớp học giáo dục âm nhạc tổng hợp dạy những kỹ năng thanh nhạc, ca hát, giai điệu, nhịp điệu, hòa âm, v.v. Mục tiêu của nó không phải là để bồi dưỡng các nhạc sĩ, mà là để tạo ra những con người toàn diện.
Thông qua âm nhạc, các em học viên học được ý nghĩa của việc thật sự cố gắng, cách vượt qua sự thất vọng, cách làm việc nhóm, và cách giải quyết vấn đề, cũng như nhiều điều khác. Các em phát triển những kỹ năng tư duy phản biện, học cách cẩn thận lắng nghe, và rồi có khả năng giải thích những gì chúng suy nghĩ và cảm thấy trong âm nhạc.
ETM là một trong những tổ chức được phát triển từ nhu cầu lấp đầy khoảng trống đã tồn tại một thời gian dài này. Những người sáng lập chứng kiến một trường học kém hiệu quả hoàn toàn thay đổi sau khi thực hiện một chương trình âm nhạc, và họ nghĩ rằng có thể đây là một giải pháp để cải thiện các trường học một cách rộng rãi hơn nữa. Kể từ năm 1991, ETM đã phát triển từ việc hỗ trợ 1 trường học đến hỗ trợ 65 trường học, cung cấp giáo dục âm nhạc cho gần 34,000 học viên. Các trường đã công nhận rằng điều này thật sự hiệu quả. Nó chủ yếu hỗ trợ các trường công lập, tuy vậy, danh sách này cũng bao gồm các trường giáo xứ.
Sự tự nhận thức bản thân
Có nhiều các tổ chức khác giống như ETM; trong suốt thời gian làm một phóng viên về âm nhạc, tôi hiếm khi gặp một nhạc sĩ nào không tham gia vào một chương trình giáo dục theo một cách nào đó, và tôi vô cùng vui mừng ủng hộ nó {chương trình giáo dục}. Mọi người đều trải nghiệm một số trường hợp học viên bắt đầu yêu thích trường học nhờ có âm nhạc; các học viên đã tìm lại được niềm đam mê học tập của họ; các học viên đến từ những gia đình khó khăn, thông qua luyện tập một đoạn nhạc khó trên nhạc cụ, đã học được cách kiểm soát những cảm xúc của chúng; các học viên đã phát triển sự tự tin nhờ học được một kỹ năng, v.v.
Nghệ thuật, theo một cách nào đó, là hình ảnh thu nhỏ của sự tự nhận thức bản thân.
Theo bà York, “mỗi cuộc đời, theo cách riêng của nó, có một “chủ đề”, một định mệnh riêng không ngừng được hé lộ, được lên kịch bản bởi mỗi cá nhân. Mọi tác phẩm nghệ thuật hay đều giống nhau.”
Người nghệ sĩ đầu tiên cần có một tầm nhìn, sau đó họ biến nó thành hiện thực. Chúng ta đều giống nhau.
Và bởi vì mọi công việc đều bắt nguồn từ sự kỷ luật, những tầm nhìn vĩ đại này được rèn luyện, thông qua “mục tiêu, cấu trúc, sự quan sát, chọn lọc những yếu tố cần thiết, và đánh giá khả năng thực thi” trong một phương pháp toàn diện, bà York nói.
Trong khi tạo dựng cuộc sống của chính mình, chúng ta có thể học hỏi từ nghệ thuật. Và chúng ta nên dạy cho con cháu mình những nghệ thuật này để chúng có trong tay những kỹ năng và tính kỷ luật cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn của chúng.
Catherine Yang là phóng viên về văn hóa nghệ thuật của tờ The Epoch Times.
Catherine Yang
Nhã Liên biên dịch
Xem thêm: