Tại sao cảnh sát Hoa Kỳ lại sử dụng công nghệ giám sát của Trung Quốc?
Tháng 12/2021, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã áp đặt các hạn chế đối với một số nhà sản xuất thiết bị bay không người lái của Trung Quốc. Một trong những công ty bị nhắm làm mục tiêu là DJI, nhà sản xuất thiết bị bay không người lái hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Thâm Quyến, sự đáp trả của Trung Quốc đối với Thung lũng Silicon.
DJI bị cáo buộc đã cung cấp công nghệ thiết bị bay không người lái cho lực lượng quân đội Trung Quốc để giám sát những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Tuy nhiên, như hãng tin BBC đã lưu ý vào thời điểm đó, việc cấm người Mỹ mua và bán cổ phiếu của DJI “phần lớn là mang tính tượng trưng.” Vì “DJI không phải là một công ty giao dịch công khai,” nên người tiêu dùng tại Hoa Kỳ “có thể tiếp tục mua và sử dụng thiết bị bay không người lái của DJI.”
Chỉ vì quý vị vẫn có thể mua và sử dụng công nghệ giám sát sản xuất tại Trung Quốc không có nghĩa là quý vị nên làm như vậy. Thực tế thì, quý vị thực sự không nên. Nhưng hãy thử nói điều đó với Sở cảnh sát Chula Vista ở San Diego.
Theo trang web của thành phố này, “Chula Vista tự hào với hơn 52 dặm vuông cảnh quan ven biển, những hẻm núi, đồi núi trập trùng, các công viên chất lượng, và hàng dặm đường mòn. Chula Vista là thành phố đứng đầu trong lĩnh vực bảo tồn và năng lượng tái tạo”. Đây cũng là thành phố đứng đầu trong việc sử dụng các thiết bị bay giám sát không người lái. Cụ thể hơn, các thiết bị bay giám sát không người lái được sản xuất tại Trung Quốc.
Khi tôi viết bài báo này, Sở cảnh sát Chula Vista (CVPD) đang bận khai triển các thiết bị bay giám sát không người lái do DJI sản xuất. Tháng Bảy năm ngoái, Bộ Quốc phòng (DOD) đã đưa ra một tuyên bố, cảnh báo các thiết bị bay không người lái của DJI “gây ra các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia.”
Chúng hầu như chắc chắn là như vậy. Như tôi đã ghi lại ở đâu đó bằng tài liệu, rất lâu trước khi chính phủ TT Biden quyết định hành động, thì DJI có những mối liên kết chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và có lý do để tin rằng bất kỳ dữ liệu nào thu thập được ở Hoa Kỳ đều được gửi về Bắc Kinh.
Bây giờ, trước khi đi sâu hơn, thì điều quan trọng là phải nêu rõ những điều sau: đây không phải là sự công kích đối với các sĩ quan cảnh sát. Trên thực tế, tôi là người lên tiếng ủng hộ những gì mà các sĩ quan cảnh sát bảo vệ. Đây là một bài viết với mục đích nhắc lại những mối nguy hiểm do công nghệ sản xuất tại Trung Quốc gây ra. Nếu các sĩ quan cảnh sát nhất quyết sử dụng thiết bị bay không người lái, vậy tại sao công nghệ này lại phải đến từ một công ty có liên kết chặt chẽ với Bắc Kinh?
Chúng ta được cho biết rằng sứ mệnh của chương trình các hệ thống thiết bị bay không người lái (UAS) của CVPD “là cung cấp hỗ trợ ở trên không cho các hoạt động của cảnh sát một cách an toàn, có trách nhiệm, và minh bạch để giữ gìn trật tự an ninh, giảm thời gian phản ứng, và tăng chất lượng cuộc sống ở Chula Vista.”
Tháng 08/2019, “thông qua sự hào phóng to lớn của Quỹ Cảnh sát Chula Vista,” CVPD đã được cấp tiền để “mua hai chiếc Thiết bị bay DJI Matrice 210 V2 mới.” Tiếp theo vào năm sau đó, “thông qua một khoản quyên góp từ Quỹ Cảnh sát Chula Vista và việc sử dụng các khoản tiền tài trợ, CVPD đã mua bảy Thiết bị bay DJI Matrice M-300 mới.” Khi quý vị đọc đến đây, thì những chiếc M-300 “hiện đang được khai triển hàng ngày từ tất cả các điểm phóng.”
Điều này nên khiến tất cả người dân trong khu vực San Diego lo lắng. Như ông Albert Fox Cahn, giám đốc điều hành của Dự án Giám sát Công nghệ Giám sát có trụ sở tại New York, nói với KPBS rằng, “khi một sản phẩm có nguy cơ cao xâm phạm quyền riêng tư đến mức ngay cả Ngũ Giác Đài cũng từ chối sử dụng nó, thì tôi nghĩ chuyện này nên gióng lên hồi chuông cảnh báo.” Đúng thế.
Đáng quan tâm hơn, như [đài truyền hình] KPBS đưa tin lần đầu, thành phố này đã ký một hợp đồng khá đáng lo ngại với Motorola Solutions, “một trung tâm thanh khoản dữ liệu được thu thập bởi các thiết bị bay không người lái và các công nghệ giám sát khác.”
Theo hợp đồng này, Motorola từ chối nhận bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào đối với việc DJI “sử dụng dữ liệu thu thập được thông qua các thiết bị bay không người lái đó”. Quý vị nghĩ điều gì xảy ra với những dữ liệu đó? Theo ông Zhang Fanxi, một phát ngôn viên của DJI, thì dữ liệu được giao cho những người ở Bắc Kinh.
Motorola đang thu thập loại dữ liệu nào? Theo KVPB, “thông tin tổng hợp trên mạng xã hội, thông tin được thu thập bởi các thiết bị đọc biển số xe tự động của cơ quan này, được gọi là ALPR, và các video được quay bằng các thiết bị bay không người lái của họ gửi đến các cuộc gọi 9-1-1”.
Bình luận về hợp đồng này, ông Cahn, người mà tôi đã đề cập ở trên, đã phải nói thế này: “Điều này thực sự khủng khiếp và cảm giác giống như là đang giao cả khối thông tin của người dân California cho các nhà cung cấp dịch vụ giám sát và một sự bỏ bê nhiệm vụ thực sự.”
Thậm chí đáng lo ngại hơn là, Chula Vista đã cho phép Motorola Solutions “bán dữ liệu này” nếu nó được “ẩn danh”. Điều quan trọng cần lưu ý là ý tưởng về dữ liệu ẩn danh là một sự lừa dối. Theo các chuyên gia, thì rất dễ để định danh lại được các đối tượng không được nêu tên.
Đáng buồn thay, không chỉ có một mình CVPD là sử dụng các sản phẩm của DJI. Trên thực tế, như Reuters gần đây đã đưa tin, ít nhất 900 cơ quan an toàn công cộng của Hoa Kỳ, bao gồm cả cảnh sát ở Thành phố New York và khu vực Boston, hiện đang sử dụng các sản phẩm của DJI. Mặc dù chính sách về thiết bị bay không người lái của NYPD nói rõ rằng các thiết bị này “không sử dụng các công nghệ nhận diện khuôn mặt và không thể tiến hành phân tích nhận diện khuôn mặt”, nhưng một “hình ảnh tĩnh có thể được tạo từ các hình ảnh video đã quay và có thể được sử dụng làm hình ảnh thăm dò cho phân tích nhận diện khuôn mặt.”
Điều này đơn giản là không thể tha thứ. Quý vị có nghĩ ĐCSTQ sẽ cho phép các sĩ quan cảnh sát của mình sử dụng công nghệ bị thao túng từ Hoa Kỳ không? Dĩ nhiên là không.
DJI là một công ty nguy hiểm. Sản phẩm của nó không có chỗ đứng ở Hoa Kỳ. Chính phủ TT Biden phải áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn, bởi vì các hành động “mang tính tượng trưng” là hoàn toàn vô giá trị.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng tin như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: