Tại sao các công ty Trung Quốc hủy niêm yết ở Hoa Kỳ
Các công ty Trung Quốc cảm thấy áp lực từ cả Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn
Các công ty Trung Quốc đang hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch của Mỹ với tốc độ ngày càng tăng. Đó là một sự đảo ngược hoàn toàn quỹ đạo vốn đã từng chứng kiến các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đổ xô niêm yết cổ phiếu của họ ở Hoa Kỳ, Hồng Kông và các nơi khác cho đến gần đây, nhằm để tăng sự hiện diện trên toàn cầu và mở rộng nguồn vốn của họ.
Theo ước tính của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, xu hướng các công ty Trung Quốc hủy niêm yết mới đã làm giảm 50% giá trị vốn hóa thị trường của các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ. Diễn biến tương tự đã diễn ra ở các thị trường chứng khoán phương Tây khác và thậm chí cả ở Hồng Kông.
Sự hiện diện của các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch này dường như sẽ giảm đi nhiều. Nó thậm chí có thể về 0. Thực tế mà nói, xu hướng này có thể không ảnh hưởng nhiều đến tài chính, bởi vì đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc đã tăng nhanh đủ để cung cấp một nguồn thay thế, ít nhất là cho đến nay.
Sự thay đổi mạnh mẽ của các công ty Trung Quốc bắt nguồn từ vấn đề dữ liệu. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã yêu cầu công bố nhiều hơn – nhiều dữ liệu hơn – so với trước đây, trong khi các nhà chức trách ở Bắc Kinh ngày càng trở nên bí mật về việc cung cấp dữ liệu cho bất kỳ ai, ít hơn nhiều so với [yêu cầu] của các nhà chức trách Mỹ về hoạt động kinh doanh của Trung Quốc hoặc cuộc sống của người Trung Quốc. Các công ty bị kẹt giữa những yêu cầu bất khả thi như vậy đã yêu cầu cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc nhượng bộ, đồng thời vì không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ cả hai bên, họ chỉ còn cách hủy niêm yết.
Từ phía Hoa Kỳ, việc buộc các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp nhiều dữ liệu hơn không phải là một sự thay đổi về các yêu cầu mà là một quyết định nhằm thực thi các quy tắc hiện hành. Sự thay đổi đã diễn ra là sự sốt sắng trong việc thực thi tại SEC. Trong nhiều năm, các nhà chức trách ở Hoa Thịnh Đốn đã yêu cầu công bố thông tin đầy đủ từ các công ty niêm yết của Trung Quốc, cũng như đối với tất cả các công ty niêm yết, của Mỹ và ngoại quốc. Nhưng khi các công ty Trung Quốc tỏ ra miễn cưỡng, các nhà chức trách đã có ít hành động.
Để đối phó với những va chạm không thể tránh khỏi, Tòa Bạch Ốc của ông Obama đã thương lượng về cái mà họ gọi là một “dàn xếp”. Dàn xếp này bao gồm việc SEC lờ đi. Tòa Bạch Ốc của ông Trump đã có một đường lối cứng rắn hơn. Họ đã cho Trung Quốc ba năm để khắc phục sự cố hoặc buộc phải hủy niêm yết.
Vào tháng 1 năm nay, SEC của Tổng thống Joe Biden đã quyết định thực thi quan điểm của chính phủ của ông Trump. Với quan điểm của ông Biden chống lại cựu Tổng thống Donald Trump, có một sự mỉa mai đáng kể trong thực thi này của SEC, nhưng bỏ qua sự mỉa mai đó sang một bên, thì SEC là đang hành động. Theo cái được gọi là Đạo luật Trách nhiệm của các Công ty ngoại quốc, SEC hiện tuyên bố quyền đơn phương bắt buộc hủy niêm yết bất kỳ công ty nào mà Ban Kế toán Công ty Đại chúng cho biết họ không thể kiểm toán đầy đủ.
Khi Hoa Thịnh Đốn ngày càng cứng rắn hơn trong việc yêu cầu cung cấp thông tin, thì Bắc Kinh ngày càng lo ngại về cái mà họ gọi là “mất mát dữ liệu”. Các nhà chức trách Trung Quốc luôn tỏ ra ngại chia sẻ thông tin với bất kỳ ai, đặc biệt là các cơ quan quản lý ngoại quốc. Bắc Kinh luôn vui mừng nhận được dữ liệu từ các nhà đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc nhưng chống lại bất kỳ dòng chảy dữ liệu trở lại nào, ngay cả tới trụ sở của các nhà đầu tư ngoại quốc càng không nói đến trở về với chính phủ ngoại quốc.
Những thái độ như vậy đã trở nên cứng rắn trong vài năm qua dưới thời nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Nếu trước đây, việc báo cáo dữ liệu của Trung Quốc cho SEC là không đầy đủ, thì những gì mà Bắc Kinh cho phép hiện nay sẽ còn thiếu so với các yêu cầu pháp lý.
Việc các công ty Trung Quốc huỷ niêm yết này sẽ là một vấn đề lớn hơn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc chứ không phải là những người ngoại quốc, đặc biệt là người Mỹ, đã gửi dòng vốn đầu tư khổng lồ đến Trung Quốc. Ở một mức độ nào đó, các nhà đầu tư Mỹ đang gửi tiền đến Trung Quốc để bù đắp cho việc thiếu các lựa chọn đầu tư của Trung Quốc trên các sàn giao dịch của Mỹ.
Dù lý do là gì, dòng chảy đã tăng lên rất lớn. Có rất ít dữ liệu cho năm 2021, nhưng vào năm 2020, 1.15 ngàn tỷ USD mà người Mỹ đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc ở Trung Quốc đã vượt quá bất kỳ dòng chảy nào trước đó. Trên thực tế, con số này gấp hơn 3 lần so với chỉ 4 năm trước đó, một tỷ lệ mở rộng hàng năm gần 33%. Để khuyến khích xu hướng này, Bắc Kinh đã để cho các nhà môi giới và chủ ngân hàng đầu tư của Mỹ tự do sở hữu các hoạt động của họ ở Trung Quốc hơn trước, mặc dù đồng thời chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát các công cụ đầu tư của Mỹ mà các hãng này mang theo.
Rõ ràng là trong bộ phim truyền hình nhỏ này, cả Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc đều không thua thiệt. Dòng đầu tư thay thế đã đáp ứng được lý do chính ngay từ đầu là để niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Cho đến nay, cả SEC và chính phủ Mỹ đều không phản đối dòng đầu tư vào các công ty Trung Quốc, mặc dù điều đó có thể thay đổi do căng thẳng về các lệnh trừng phạt của Nga.
Tất cả những gì Hoa Thịnh Đốn muốn cho đến nay là các công ty Trung Quốc tuân thủ các quy tắc được áp dụng chung. Với việc hủy niêm yết, các nhà chức trách Hoa Thịnh Đốn ít nhất đang tự loại bỏ những gì là một tiêu chuẩn kép rõ ràng và không công bằng về công bố thông tin. Và nếu các nhà đầu tư Mỹ đổ tiền vào Trung Quốc không lo lắng về tính bí mật, thiếu trung thực hoặc các tiêu chuẩn kép mà Bắc Kinh áp đặt, thì đó là việc của họ và có thể là thiệt hại của họ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: