Tài liệu rò rỉ: Pháp Luân Công vẫn là mục tiêu chính của chính quyền Trung Quốc
Các tài liệu bị rò rỉ từ Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp luật (PLAC) ở huyện Thiết Lĩnh của tỉnh Liêu Ninh, thuộc miền đông bắc Trung Quốc, tiết lộ rằng nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm “chuyển hóa” hoặc “xóa sổ” Pháp Luân Công vẫn là mục tiêu chính của chính quyền Trung Quốc.
Một trong những tài liệu có nhan đề “Báo cáo Tiến Độ Trình Lên Đoàn Kiểm Tra PLAC Cấp Tỉnh” cho biết hồi tháng 04/2019, chín trong số các bộ cấp cao nhất trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đã ban hành một lệnh buộc tất cả các học viên Pháp Luân Công từ bỏ việc tu luyện.
Minghui.org, một trang web chuyên theo dõi chiến dịch bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, đưa tin cho biết công an đã gõ cửa nhà cha mẹ của anh Bành Chí Cường (Peng Zhiqiang), yêu cầu “Ông bà phải ký tên vào những giấy tờ này, nếu không sẽ có hậu quả.” Cha mẹ anh Bành đã từ chối ký tên, và công an đã rời đi.
Sau đó, công an gọi cho người con trai của cặp vợ chồng này, người không phải là học viên Pháp Luân Công và nói rằng “cha mẹ anh không muốn ký tam thư, điều này sẽ khiến anh phải trả giá bằng sự nghiệp của mình, trừ khi anh ký tên thay cho họ!”
Anh Bành đã bị dọa sợ và ký tên vào ‘tam thư’ (thư hối cải, thư đoạn tuyệt, và thư cam đoan từ bỏ Pháp Luân Công). Sau đó, anh đã đăng một tuyên bố trên minghui.org để nói rằng anh rất hối hận vì đã làm như vậy.
Cha mẹ của anh Bành là học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đàn áp từ năm 1999.
Những gì xảy ra với gia đình anh Bành cũng đang xảy ra ở nhiều gia đình trên khắp Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo minghui.org, chiến dịch “gõ cửa” này — được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương — có mục tiêu “xóa sổ” Pháp Luân Công, ngay cả khi chỉ là trên giấy.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần Trung Hoa cổ xưa bao gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức đề cao chân, thiện, và nhẫn trong cuộc sống thường nhật. Theo ước tính chính thức, mức độ phổ biến của môn tu luyện này đã đạt đỉnh điểm vào cuối những năm 1990 ở Trung Quốc, với 70 triệu đến 100 triệu người theo học.
Chiến dịch “gõ cửa” được đề cập đến trong một trong những tài liệu bị rò rỉ (pdf, Hoa ngữ) là do chín cơ quan hàng đầu trực thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đồng thời ra lệnh.
PLAC là một trong những bộ máy an ninh của ĐCSTQ duy trì quyền kiểm soát ở các cấp khác nhau của các văn phòng chính quyền trung ương, tỉnh, và thành phố. Cơ quan này duy trì danh sách các học viên Pháp Luân Công xuống tới tận cấp khu phố, bao gồm tên của các học viên Pháp Luân Công, cùng với địa chỉ của họ và thông tin về người thân của họ. Cảnh sát địa phương thực hiện chiến dịch “gõ cửa” bằng cách đến từng địa chỉ và yêu cầu học viên ký giấy từ bỏ tu luyện.
Nếu họ có được chữ ký, họ có thể “xóa sổ học viên đó”, ít nhất là trên giấy tờ.
Tài liệu bị rò rỉ
The Epoch Times có được quyền truy cập độc quyền vào các tài liệu từ văn phòng PLAC của huyện Thiết Lĩnh ở tỉnh Liêu Ninh. Thiết Lĩnh cách thành phố Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, khoảng 20 dặm về phía đông bắc.
Hệ thống PLAC là một mạng lưới đàn áp khổng lồ và mạnh mẽ. Đây là công cụ chính trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ và quyền lực của PLAC, cũng như mức độ tham nhũng cao để hậu thuẫn cho quyền lực của PLAC, đã ngày càng tăng khi cuộc bức hại tiếp tục.
Tài liệu có nhan đề “Báo cáo Tiến Độ Trình Lên Đoàn Kiểm Tra PLAC Cấp Tỉnh” cho biết hồi tháng 04/2019, chín trong số các bộ cấp cao nhất của chính quyền trung ương đã ban hành một lệnh chủ yếu nhắm vào Pháp Luân Công, với mục tiêu ép buộc tất cả các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ.
Theo tài liệu này, tại huyện Thiết Lĩnh, PLAC đã ngay lập tức tổ chức các buổi huấn luyện về cách “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công.
Ngoài việc đến thăm nhà của các cá nhân và cố gắng buộc họ ký vào các giấy tờ, PLAC cũng chỉ đạo công an huyện theo dõi và ngăn chặn người dân đến Hồng Kông.
Năm 2019 là năm kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ nắm quyền ở Trung Quốc. Tài liệu cho biết, “khi lễ kỷ niệm 70 năm đang đến gần và các hoạt động ở Hồng Kông đang gia tăng, để ngăn những người đó tham gia các hoạt động ở Hồng Kông, công an huyện phải hạn chế việc đi lại của họ.”
Các cuộc kiểm tra của PLAC
Nhà bình luận chính trị cao cấp Hoành Hà (Heng He) nói với The Epoch Times, “từ tài liệu [bị rò rỉ] này, chúng ta có thể thấy rằng ĐCSTQ vẫn coi Pháp Luân Công là mục tiêu số một để đàn áp, mặc dù Trung Cộng đã công khai giảm nhẹ và cố gắng che giấu thực tế này khỏi cộng đồng quốc tế.”
“Dưới ngọn cờ chống tham nhũng, chính quyền Trung ương ĐCSTQ đã cử các đoàn kiểm tra đến các vùng khác nhau của đất nước kể từ năm 2017,” ông nói. “Họ chủ yếu kiểm tra mạng lưới các cơ quan của PLAC, nơi phát hiện ra sự yếu kém và miễn cưỡng trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Điều này có nghĩa là việc duy trì cuộc bức hại là rất khó khăn.”
Tài liệu bị rò rỉ cho biết, “năm nay trong huyện, tám học viên Pháp Luân Công đã ‘được chuyển hóa’, tức một phần trăm tổng số. 122 học viên Pháp Luân Công đã ‘được giải thoát’ và con số này đã được báo cáo cho PLAC của thành phố cấp trên.” Không rõ “được giải thoát” ám chỉ điều gì.
Các trường hợp bị bức hại
Một chiến dịch như vậy đang được thực hiện trên khắp đất nước. Theo một bài viết hồi tháng 04/2021 trên minghui.org, chiến dịch “xóa sổ” của Bắc Kinh đã tước đi sinh mạng của ba học viên Pháp Luân Công vào năm 2020, kết án tù 29 học viên, và cưỡng ép bắt bớ 249 học viên từ nơi ở hoặc nơi làm việc của họ.
Ngoài ra, 153 nơi ở của các học viên đã bị lục soát, và 103 học viên đã bị công an gõ cửa hoặc nhận các cuộc điện thoại sách nhiễu.
Gần đây hơn, một nữ học viên Pháp Luân Công tên Quý Vân Chi (Ji Yunzhi) đến từ Nội Mông Cổ đã qua đời 48 ngày sau khi bà bị đưa đến đồn công an. Khi ấy bà 66 tuổi.
Vào ngày 01/02/2022 — ngày mùng một Tết Nguyên Đán và ba ngày trước khi bắt đầu Thế vận hội Mùa Đông ở Bắc Kinh — bà Quý bị chín công an bắt khỏi nhà. Tại đồn công an, bà Quý đã bị đánh đập và tra tấn. Bà đã tuyệt thực để phản đối nhưng bị bức thực qua một ống truyền thức ăn bị nhét một cách bạo lực vào mũi của mình.
Sau đó, sức khỏe của bà đã suy giảm nhanh chóng.
Hôm 11/02, công an đã báo cho thân nhân của bà Quý rằng bà đang ở bệnh viện. Khi chồng bà đến bệnh viện, ông thấy bà Quý trong tình trạng hôn mê. Cổ chân bà vẫn bị cùm.
Bất chấp tình trạng nguy kịch của bà, công an từ chối trả tự do cho bà. Hôm 21/03, bà Quý đã từ trần.
Trong khoảng thời gian này, để ngăn thông tin rò rỉ ra công chúng, hàng chục công an đã canh gác bệnh viện, nhà tang lễ, và nhà của bà Quý trong nhiều ngày — ngay cả sau khi thi hài được hỏa táng.
Con trai của bà Quý, anh Simon Zhang, là một kiến trúc sư ở New York. Hôm 25/04, anh cùng một số học viên Pháp Luân Công khác đã gặp Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain, người sau khi nghe câu chuyện của bà Quý đã đăng lên Twitter rằng, “Không một ai đáng phải chịu sự sách nhiễu, tra tấn, hoặc bỏ tù vì đức tin của họ.”
Nâng cao nhận thức
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ĐCSTQ và hệ thống PLAC của đảng này đã phát động nhiều chiến dịch cố gắng “xóa sổ” Pháp Luân Công bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, các biện pháp phản bức hại mà các học viên Pháp Luân Công sử dụng dường như vẫn không thay đổi, họ phát các tài liệu gọi là “tài liệu giảng chân tướng” để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại ở cả trong và ngoài Trung Quốc.
Tài liệu bị rò rỉ đề cập rằng PLAC của huyện Thiết Lĩnh đã cho người đi xung quanh huyện để “xử lý triệt để” các tài liệu Pháp Luân Công ở những nơi công cộng. Trong năm 2019, tài liệu cho biết, “đã tổ chức nỗ lực xử lý triệt để, thu giữ 378 ấn phẩm, 3 băng rôn, và 26 tấm bích chương.”
Tài liệu cho biết từ tháng Tư đến tháng Sáu, PLAC của huyện Thiết Lĩnh đã phát cho công chúng 20,000 cuốn sách nhỏ và 35,000 loại tài liệu khác để bôi nhọ Pháp Luân Công.
Ông Hoành Hà nói, “Vì cuộc bức hại không có cơ sở pháp lý, Trung Cộng đã chi một số tiền lớn để phỉ báng Pháp Luân Công thông qua thao túng dư luận và bịa đặt dối trá trên các phương tiện truyền thông của đảng. Trong khi đó, Trung Cộng ra sức ngăn cản chân tướng Pháp Luân Công đến với công chúng.”
Cô Kelly Song là một tác gia của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về tất cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: