Tài liệu rò rỉ: Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lên kế hoạch kiểm soát Internet toàn cầu
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân chỉ thị chế độ cộng sản của nước này tập trung nỗ lực để kiểm soát internet toàn cầu, thay thế vai trò có ảnh hưởng của Hoa Kỳ, theo các tài liệu nội bộ của chính phủ mà The Epoch Times có được gần đây.
Trong một bài diễn văn vào tháng 01/2017, ông Tập cho biết “quyền lực kiểm soát internet” đã trở thành “tâm điểm mới của cuộc luận chiến về chiến lược quốc gia của [Trung Quốc],” và chỉ ra Hoa Kỳ là một “thế lực đối thủ” cản đường những tham vọng của chế độ này.
Mục tiêu cuối cùng là để Trung Cộng kiểm soát tất cả nội dung trên mạng internet toàn cầu để chế độ này có thể thi hành điều mà ông Tập mô tả là “quyền lực diễn ngôn” đối với các cuộc trao đổi và thảo luận trên trường thế giới.
Ông Tập đã nêu rõ tầm nhìn về “việc sử dụng công nghệ để thống trị internet” nhằm đạt được toàn quyền kiểm soát mọi phần của hệ sinh thái trực tuyến, chẳng hạn như các ứng dụng, nội dung, chất lượng, vốn, và nhân lực.
Những nhận xét này được ông Tập đưa ra tại cuộc họp ban lãnh đạo lần thứ tư của cơ quan quản lý internet hàng đầu Trung Cộng, Ủy ban Trung ương về Các vấn đề Không gian mạng, ở Bắc Kinh vào ngày 04/01/2017. Chúng được nêu chi tiết trong các tài liệu nội bộ do chính quyền tỉnh Liêu Ninh ở vùng đông bắc Trung Quốc ban hành.
Các tuyên bố này khẳng định những nỗ lực mà Bắc Kinh đã thực hiện trong vài năm qua nhằm thúc đẩy phiên bản internet độc tài của chính họ như một hình mẫu cho thế giới.
Trong một bài diễn văn khác, được đưa ra vào tháng 04/2016, ông Tập đã tự tin tuyên bố rằng trong “cuộc đấu tranh” nhằm kiểm soát internet, Trung Cộng đã chuyển hướng từ cách chơi “phòng thủ bị động” sang cách chơi “vừa tấn công vừa phòng thủ” cùng lúc, theo một tài liệu nội bộ của chính quyền thành phố An Sơn ở tỉnh Liêu Ninh.
Sau khi hoàn thành xây dựng công cụ kiểm soát và kiểm duyệt trực tuyến rộng lớn và tinh vi nhất thế giới, được gọi là Great Firewall, Trung Cộng dưới thời ông Tập đang hướng ngoại, đang bảo vệ một mạng internet Trung Quốc có các giá trị đi ngược lại với mô hình mở được ủng hộ ở phương Tây. Thay vì ưu tiên dòng thông tin tự do, hệ thống của Trung Cộng tập trung vào việc cung cấp cho nhà nước khả năng kiểm duyệt, do thám, và kiểm soát dữ liệu internet.
Chống lại Hoa Kỳ
Nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận rằng chế độ này đã tụt hậu so với đối thủ Hoa Kỳ-quốc gia thống trị trong hầu hết các lĩnh vực liên quan đến internet-trong các lĩnh vực chính như công nghệ, đầu tư, và nhân tài.
Để thực hiện những tham vọng của Đảng, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết phải “quản lý các mối liên kết trên internet với Hoa Kỳ,” đồng thời “chuẩn bị cho cuộc chiến khó khăn” với quốc gia này trên mạng lưới toàn cầu.
Ông Tập nói rằng các công ty Hoa Kỳ nên được chế độ này sử dụng để đạt được mục tiêu của mình mà không nêu rõ kế hoạch này sẽ được thực hiện như thế nào.
Ông cũng chỉ thị chế độ này tăng cường hợp tác với Châu Âu, các nước đang phát triển, và các quốc gia thành viên trong kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh để tạo thành một “đối trọng chiến lược” chống lại Hoa Kỳ.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn do Bắc Kinh khởi xướng nhằm kết nối Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, và Trung Đông thông qua mạng lưới các liên kết đường sắt, đường biển và đường bộ. Kế hoạch này đã bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác [không tham gia BRI] chỉ trích là trở thành một kênh để Bắc Kinh gia tăng lợi ích chính trị và thương mại ở các quốc gia thành viên, đồng thời chất gánh nặng nợ nần lớn cho các nước đang phát triển.
BRI cũng đã thúc đẩy các quốc gia đăng ký các dự án “con đường tơ lụa kỹ thuật số,” vốn liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Ít nhất 16 quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ với chế độ này để hoạt động như một phần của sáng kiến đó.
Chiến lược 3 mũi nhọn
Ông Tập đã ra lệnh cho chế độ này tập trung vào ba lĩnh vực “then chốt” để theo đuổi việc kiểm soát internet toàn cầu.
Đầu tiên, Bắc Kinh cần có khả năng “đặt ra các quy tắc” điều hành hệ thống quốc tế. Thứ hai, họ cần cài người đại diện cho Trung Cộng vào các vị trí quan trọng bên trong các tổ chức internet toàn cầu. Thứ ba, chế độ này cần giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho internet, chẳng hạn như các máy chủ gốc.
Các máy chủ gốc của Hệ thống tên miền (DNS) là chìa khóa để liên lạc internet trên khắp thế giới. Các máy chủ đó hướng người dùng đến các trang web họ định truy cập. Có hơn 1,300 máy chủ gốc trên khắp thế giới, trong đó khoảng 20 máy chủ được đặt tại Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ có gấp khoảng 10 lần số lượng đó bên trong biên giới của mình, theo trang Root-Servers.org.
Ông Gary Miliefsky, chuyên gia an ninh mạng kiêm nhà xuất bản của Tạp chí Cyber Defense, nói với The Epoch Times rằng nếu chế độ Trung Quốc giành được quyền kiểm soát nhiều máy chủ gốc hơn, thì khi đó họ có thể chuyển hướng lưu lượng truy cập đến bất cứ nơi nào họ muốn. Chẳng hạn như, nếu một người dùng muốn truy cập một bài báo về chủ đề bị Bắc Kinh coi là nhạy cảm, thì máy chủ DNS của chế độ này có thể chuyển hướng người dùng đó đến một trang giả mạo nói rằng bài báo không còn trực tuyến nữa.
“Ngay khi quý vị kiểm soát máy chủ, quý vị có thể đánh lừa hoặc giả mạo bất cứ thứ gì. Quý vị có thể kiểm soát những gì mọi người nhìn thấy, những gì mọi người không nhìn thấy,” ông cho biết.
Trong những năm gần đây, chế độ này đã đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy chiến lược của ông Tập.
Năm 2019, công ty viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc lần đầu tiên đề xuất ý tưởng về một mạng internet hoàn toàn mới, được gọi là New IP, để thay thế cơ sở hạ tầng đã có tuổi đời nửa thế kỷ đang làm nền tảng cho web. New IP được quảng cáo là nhanh hơn, hiệu quả hơn, linh hoạt hơn, và an toàn hơn so với internet hiện tại, và nó sẽ được xây dựng bởi người Trung Quốc.
Mặc dù New IP quả thực có thể dẫn đến một mạng lưới toàn cầu được cải tiến, nhưng ông Miliefsky nói rằng “cái giá phải trả cho điều đó là sự tự do.”
“Sẽ không có tự do ngôn luận. Và mọi người sẽ luôn bị nghe trộm trong thời gian thực, mọi lúc,” ông cho biết. “Tất cả những ai tham gia sẽ bị nghe trộm bởi duy nhất một chính phủ.”
Đề xuất đó được đưa ra tại một cuộc họp tháng 09/2019 tổ chức tại Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), một cơ quan của Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn cho những vấn đề về điện toán và truyền thông mà hiện do ông Triệu Hậu Lân (Zhao Houlin) quốc tịch Trung Quốc đứng đầu. New IP dự kiến sẽ được thảo luận chính thức tại Hội đồng Tiêu chuẩn hóa Viễn thông Thế giới của ITU, được tổ chức vào tháng 03/2022.
Ông Miliefsky cho biết kế hoạch này khó có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi giữa các quốc gia, nhưng có thể dễ dàng được thông qua bởi các quốc gia độc tài cùng chí hướng như Bắc Hàn-và sau đó là các quốc gia đã ký kết gia nhập BRI và đang phải chật vật để trả các khoản vay nợ của họ.
Điều này sẽ đẩy nhanh sự phân đôi internet, điều mà các nhà phân tích như cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt đã gọi là “phân mảnh internet (splinternet),” ông Miliefsky cho biết. “Mạng lưới cộng sản và phần còn lại của thế giới.”
Công ty Huawei đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Nhập cảng nhân tài
Theo các tài liệu nội bộ này, ông Tập đã ra lệnh cho chế độ Trung Quốc thiết lập “ba hệ sinh thái”—công nghệ, công nghiệp, và chính sách—để phát triển các công nghệ internet cốt lõi.
Có được những công nhân lành nghề là chìa khóa cho kế hoạch này, vì ông Tập chỉ thị rằng phải tuyển dụng nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Ông Tập đã quy định rằng điều này sẽ được thực hiện thông qua các công ty Trung Quốc.
Ông yêu cầu các công ty Trung Quốc phải “chủ động” chiêu mời các “nhân tài cao cấp” nước ngoài đến làm việc cho họ, phải thành lập các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài, và phải thuê các chuyên gia hàng đầu là người nước ngoài và người gốc Hoa.
Trong khi đó, ông Tập yêu cầu chế độ này thiết lập một hệ thống đào tạo chuyên nghiệp ở Trung Quốc để về lâu dài có thể phát triển một cách có hệ thống lực lượng lao động có kỹ năng cao.
Ông chỉ thị các quan chức ở mỗi cấp chính phủ hướng dẫn các công ty Trung Quốc phát triển kế hoạch kinh doanh của họ để phù hợp với các mục tiêu chiến lược của chế độ và khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực đi đầu việc phát triển những cải tiến trong các công nghệ cốt lõi.
Các doanh nghiệp phải được giáo dục để có “nhận thức quốc gia và bảo vệ các lợi ích quốc gia,” ông Tập nói. Chỉ khi đó, chế độ này mới nên hỗ trợ và khuyến khích sự mở rộng của họ.
Vì nhân tài và công nghệ quan trọng đều tập trung ở nước ngoài, nhà lãnh đạo Trung Quốc này cũng ra lệnh cho các nhà chức trách hỗ trợ sự phát triển của một nhóm các công ty internet đa quốc gia mà có thể có sự ảnh hưởng toàn cầu.
Chuyển Internet thành đỏ
Ông Tập mô tả rằng tất cả nội dung trực tuyến là chỉ thuộc ba loại: “vùng đỏ, vùng đen và vùng xám.”
Nội dung của “vùng đỏ” đề cập đến diễn ngôn phù hợp với các yêu cầu tuyên truyền của Trung Cộng, trong khi nội dung của “vùng đen” đụng chạm với các quy tắc này. Nội dung của “vùng xám” thì nằm ở giữa.
“Chúng ta phải củng cố và mở rộng vùng đỏ và mở rộng ảnh hưởng của nó trong xã hội,” ông Tập nói trong một bài diễn văn bị rò rỉ từ tháng 08/2013. “Chúng ta phải dũng cảm bước vào vùng đen [và chiến đấu hết mình] để dần dần thay đổi màu sắc của nó. Chúng ta phải khởi động các hành động quy mô lớn nhắm mục tiêu vào vùng xám để tăng tốc độ chuyển đổi nó sang vùng đỏ và ngăn nó chuyển thành vùng đen.”
Bên trong Trung Quốc, Trung Cộng duy trì việc kiểm soát nghiêm ngặt nội dung trực tuyến và thảo luận trực tuyến thông qua Great Firewall, hệ thống tường lửa này phong tỏa các trang web nước ngoài và kiểm duyệt nội dung mà Đảng cho là không thể chấp nhận được. Họ cũng thuê một đội quân dư luận viên trực tuyến khổng lồ, được gọi là “Đội quân 50 Xu,” để thao túng việc thảo luận trực tuyến. Một báo cáo gần đây cho thấy Trung Cộng thuê 2 triệu nhà bình luận internet được trả phí và dựa vào một mạng lưới 20 triệu tình nguyện viên bán thời gian để thực hiện hoạt động hướng dẫn dư luận trực tuyến.
Trong báo cáo thường niên về tự do internet năm 2020, Freedom House đã gọi Trung Quốc là nước lạm dụng tự do trực tuyến tồi tệ nhất thế giới trong năm thứ sáu liên tiếp. Các công dân Trung Quốc đã bị bắt vì sử dụng phần mềm để phá Great Firewall và bị trừng phạt vì đăng những bình luận trực tuyến bất lợi cho Trung Cộng. Trong một vụ việc tai tiếng đến hiện nay, ở những giai đoạn đầu của đại dịch, người ‘huýt còi’ bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị cảnh sát khiển trách vì “tạo tin đồn nhảm” sau khi bác sĩ này cảnh báo các đồng nghiệp trong một nhóm trò chuyện trên mạng xã hội về một loại virus giống SARS ở Vũ Hán.
Trong bài diễn văn năm 2017 của ông Tập, lãnh đạo này đã yêu cầu chế độ này phát triển một nhóm lớn hơn những người có ảnh hưởng trực tuyến “đỏ” để định hình nhận thức của người dùng về Trung Cộng. Ông cũng kêu gọi mở rộng Đội quân 50 Xu để hoạt động cả bên trong và bên ngoài mạng internet của Trung Quốc.
Kể từ sau đại dịch, Trung Cộng đã gia tăng mạnh mẽ các nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận trực tuyến ở nước ngoài. Sử dụng các mạng lưới tài khoản dư luận viên lớn trên Twitter và Facebook, chế độ này đã có thể tuyên truyền và khuếch đại các tuyên truyền và thông tin sai lệch về các chủ đề chẳng hạn như đại dịch, căng thẳng chủng tộc ở Hoa Kỳ, và việc chế độ này đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Do Nicole Hao và Cathy He thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: