Tài liệu rò rỉ: Dự án Công viên của Trung Quốc ở Samoa gặp nhiều vấn đề chất lượng
Sáng kiến chính sách đối ngoại hàng đầu của Bắc Kinh, Vành đai và Con đường (BRI), đã vấp phải tranh cãi kể từ khi ra đời. Các nhà phê bình cảnh báo rằng những dự án cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh đang đặt các nước đang phát triển vào một cái “bẫy nợ” bằng cách cung cấp các khoản vay không bền vững, đồng thời khai thác tài nguyên thiên nhiên của họ để thúc đẩy kinh tế Trung Quốc.
Hiện nay có hai bức thư từ quốc gia Samoa ở Nam Thái Bình Dương đã tiết lộ: một dự án xây dựng của Trung Quốc do chính quyền thành phố Huệ Châu ở miền nam Trung Quốc giám sát đã bị vướng vào các vấn đề chất lượng, và công việc của họ có thể gây hại cho môi trường.
Hai bức thư này và một bộ tài liệu nội bộ của chính phủ Huệ Châu được một nguồn đáng tin cậy tiết lộ cho The Epoch Times. Tài liệu cho thấy chính quyền tỉnh Quảng Đông đã ra lệnh cho thành phố xây dựng các dự án ở Samoa phù hợp với chương trình nghị sự chính trị của Bắc Kinh. Huệ Châu là một thành phố trực thuộc trung ương ở tỉnh Quảng Đông.
Dự án được đề cập là một công viên hữu nghị ở thủ đô Apia của Samoa. Nó được công bố lần đầu tiên vào tháng 11/2015, là một phần của thỏa thuận thành phố hữu nghị giữa Apia và Huệ Châu, trong đó cũng bao gồm việc xây dựng một trung tâm văn hóa và nghệ thuật ở Apia. Tuy nhiên, các tài liệu mà The Epoch Times nhận được đã không đề cập đến các vấn đề về dự án sau. Cả hai dự án đều được khởi công xây dựng vào tháng 5/2018.
Tháng 8/2018, Samoa thông báo rằng họ sẽ tham gia BRI. Kể từ đó, hai dự án đã trở thành một phần của BRI.
Một tài liệu nội bộ mà Cục xây dựng và nhà ở Huệ Châu gửi cho Cục đối ngoại Huệ Châu vào ngày 4/12/2019 ghi nhận rằng tổng vốn đầu tư cho công viên hữu nghị lên tới 62 triệu nhân dân tệ (9.06 triệu USD). Không rõ các điều khoản cấp vốn của dự án là gì. Chính phủ Huệ Châu và Samoa đã không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Các khiếu nại
Hai bức thư được gửi bởi Bộ Công trình, Giao thông và Cơ sở hạ tầng của Samoa. Bức thứ nhất đề ngày 20/12/2019 đã được gửi đến Cục đối ngoại của chính quyền thành phố Huệ Châu. Bức thư thứ hai, đề ngày 9/1, được gửi tới Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải cùng với bản sao của bức thư cho thành phố Huệ Châu.
Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải là công ty mà chính phủ Huệ Châu đã ký hợp đồng để xây dựng công viên hữu nghị đó.
Bức thư đầu tiên liệt kê 11 vấn đề liên quan đến công viên, vị trí nằm ở khu phố Eleele Fou bên bờ biển và đối diện với Cảng Apia. Theo như bức thư này nói, thì một số vấn đề trong đó là những vấn đề trước đây mà phía Trung Quốc đã đồng ý giải quyết nhưng không giải quyết, trong khi những vấn đề khác mới được phát hiện.
Các vấn đề bao gồm tình trạng đọng nước mưa tại bãi đậu xe; một ngọn hải đăng ngoài bến cảng cần sửa chữa; thiếu hàng rào xung quanh ngọn hải đăng để ngăn không cho du khách vào; tiếp tục đào xới xung quanh nhà máy bơm nước mà có thể gây sập nhà máy; và việc sử dụng một mái nhà bằng nhôm thay vì các vật liệu truyền thống của địa phương để xây dựng nhà fale – một túp lều tranh Samoa truyền thống.
Bộ này của Samoa đã đề xuất các cách để khắc phục những vấn đề đó. “Chúng tôi hy vọng sự cân nhắc có thiện chí của Huệ Châu để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào nữa đối với dự án này”, họ nói.
Bức thư thứ hai gửi cho Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải chỉ trích công ty này đã không tuân theo các điều kiện trong thỏa thuận, chẳng hạn như các vật liệu phế thải được “rải khắp xung quanh công trường”. Đây là một “sự vi phạm rõ ràng” đối với cam kết xử lý các vật liệu phế thải tại một bãi rác địa phương, bức thư nêu rõ.
Việc “xả cặn từ các hoạt động công trình” không đúng cách cũng khiến đất bị rửa trôi vào hồ. Sự xói mòn gần bờ kè khiến “đá và bùn vỡ trôi vào hồ”, điều này đã vi phạm điều kiện thỏa thuận là “hoạt động được đề xuất sẽ không hủy hoại môi trường trái phép”, bức thư viết.
Bộ đã yêu cầu công ty này sửa chữa các vấn đề “ngay lập tức.”
Theo hai tài liệu nội bộ từ Cục đối ngoại thành phố Huệ Châu, giám đốc ban xây dựng của cục xây dựng và nhà ở, Li Jianjun, đã dẫn hai quan chức và ba nhà thiết kế đến Apia để giải quyết các vấn đề ở công viên từ ngày 23/11 đến ngày 2/12/2019.
Theo nguồn tin tiết lộ tài liệu cho The Epoch Times, Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải không thể gửi công nhân của họ đến Samoa đúng hạn do đại dịch virus Vũ Hán.
Công ty Trung Quốc này đã không hồi đáp yêu cầu bình luận.
BRI ở Samoa
Sau khi Samoa gia nhập BRI, đại sứ Trung Quốc tại Samoa, Chao Xiaoliang, đã đăng một bài báo vào tháng 4/2019 trên một tờ báo Samoa, để ca ngợi mối quan hệ đối tác đó, nói rằng nó “truyền sức sống mới cho sự hợp tác Trung Quốc – Samoa.”
Chính quyền Bắc Kinh đã chú ý đến việc thúc đẩy quan hệ chặt chẽ với Samoa – một quốc gia có quyền biểu quyết tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc và quốc gia này nằm gần những vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên.
Tháng 5/2014, trang web chính thức của BRI công bố một nghiên cứu về tầm quan trọng của vị trí của Samoa, với hai hòn đảo lớn nằm giữa Hawaii và New Zealand, và khoảng 100 dặm về phía tây của American Samoa (Samoa thuộc Mỹ/ Đông Samoa).
Sau khi Samoa ký kết, Bắc Kinh đã lên kế hoạch xây dựng ít nhất hai cảng ở nước này. Một là bến tàu Asau trên bờ biển phía tây bắc của đảo Savai’i, còn lại là cảng Vaiusu trên bờ biển trung – bắc của đảo Upolu.
Các chuyên gia lo ngại rằng chế độ Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương thông qua các khoản đầu tư ở Samoa. Viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Washington đã công bố một phân tích vào ngày 20/7 về những rủi ro trong các hoạt động của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.
“Rủi ro đầu tiên, có khả năng xảy ra thấp nhưng sẽ có tác động sâu sắc, là Trung Quốc đang cố gắng sử dụng đòn bẩy của mình thông qua ngoại giao, nợ, thương mại hoặc giới tinh hoa để thiết lập một căn cứ quân sự ở đâu đó ở Nam Thái Bình Dương”, bài báo đã phân tích.
Nó cũng cảnh báo rằng các quốc gia Nam Thái Bình Dương “có thể sẵn sàng tự mình đứng cùng bên với Trung Quốc trong một số cuộc bỏ phiếu nhất định của Liên Hợp Quốc.”
Tháng 6/2019, tờ báo địa phương Iniini Samoa của Samoa dẫn lời Thủ tướng thân Bắc Kinh, Tuilaepa Sailele Malielegaoi, rằng ông cho biết các khoản đầu tư của Trung Quốc đơn thuần là sự hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, các dự án BRI đã chất gánh nặng nợ nần lên Samoa.
Hãng truyền thông địa phương Loop Samoa đã trích dẫn các số liệu từ Đại sứ Trung Quốc Chao và đưa tin vào tháng 8/2019 rằng “38% trong số 1.1 tỷ USD nợ quốc gia của Samoa là nợ Trung Quốc”.
1.1 tỷ USD bằng một nửa Tổng sản phẩm quốc nội hàng năm (GDP) của đất nước này. Theo Cục Thống kê Samoa, vào năm 2020 quốc gia này có dân số là 202,506 người, với GDP vào năm 2019 là 2.24 tỷ USD.
Nhiều nước gia nhập BRI đã tích lũy nợ lớn với Trung Quốc, sau khi họ không thể trả các khoản vay Trung Quốc đúng hạn. Trong một số trường hợp, các nước này đã phải nhượng lại quyền sở hữu các dự án cơ sở hạ tầng do không trả được nợ.
Trung tâm nghiên cứu Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo năm 2018, tiết lộ rằng 23 trong số 68 quốc gia là chủ nhà của các dự án do BRI tài trợ vào thời điểm đó có nguy cơ mắc nợ do các khoản vay liên quan đến dự án. Trong số đó, Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, quần đảo Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan phải đối mặt với tỷ lệ nợ trên GDP là hơn 50%, và ít nhất 40% nợ nước ngoài của họ là nợ Trung Quốc, theo báo cáo cho biết.