Tài liệu rò rỉ: ĐCSTQ theo dõi chặt chẽ các học giả Trung Quốc ở nước ngoài
Khi Hoa Kỳ gia tăng nỗ lực hạn chế sự xâm nhập của Trung Quốc vào các trường học của Hoa Kỳ, một tài liệu rò rỉ đã phơi bày mức độ kiểm soát mà ĐCSTQ thực hiện đối với các học giả [Trung Quốc] đang học tập ở nước ngoài.
Tài liệu do Epoch Times có được từ một nguồn đáng tin cậy, liên quan đến một giáo sư đến từ tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Quốc, người đã yêu cầu nhà chức trách cho phép cô gia hạn thời gian ở lại Hoa Kỳ cho hai chương trình nghiên cứu sinh học thực vật tại Đại học Cornell của New York — với kỳ vọng rằng cô sẽ báo cáo thường xuyên cho lãnh sự quán Trung Quốc tại địa phương.
Tên của người cung cấp đã được giấu kín để bảo vệ quyền riêng tư của cô.
Theo dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ, khoảng 370,000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ tính đến tháng Giêng, chiếm một phần ba trong tổng số khoảng 1.1 triệu sinh viên nước ngoài. Khoảng 130,000 sinh viên trong số này đang theo học các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) ở cấp độ cao học hoặc sau tiến sĩ.
Giáo sư này giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nông học và Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Nông nghiệp Vân Nam, đã nhận được tài trợ vào tháng 8/2018 từ Hội đồng Học bổng Trung Quốc (China Scholarship Council-CSC) thông qua “chương trình phát triển tài năng đặc biệt ở khu vực phía Tây” tài trợ cho hàng trăm nghiên cứu sinh và học giả Trung Quốc đi du học nước ngoài.
CSC là cơ quan do chính phủ kiểm soát trực thuộc Bộ Giáo dục. Một trong những điều kiện cho người nhận học bổng CSC là “ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ”.
Theo hợp đồng của giáo sư với CSC, nguồn tài trợ này sẽ kéo dài đến tháng 1/2021. Nhưng cô ấy muốn ở lại Hoa Kỳ thêm một năm nữa, với lý do tiến độ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm bị đình trệ do đại dịch đang diễn ra.
Cô ấy hứa sẽ “tuân thủ nghiêm ngặt các quy định có liên quan và thường xuyên gửi báo cáo quý về tiến độ nghiên cứu cho lãnh sự quán”, trong một bức thư ngày 29/9 gửi từ trường đại học của cô cho cơ quan giáo dục tỉnh Vân Nam. Những thỏa thuận như vậy, trường đại học tuyên bố, sẽ cho phép cô gắn bó học tập lâu dài tại Cornell và “tạo nền tảng tốt” cho sự hợp tác nghiên cứu giữa hai bên.
Không rõ chính quyền Vân Nam có chấp thuận yêu cầu hay không. Đại học Cornell không trả lời yêu cầu bình luận.
Bình luận về bức thư, ông Chen Yonglin, một nhà ngoại giao từng làm việc tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney và đã đào thoát khỏi đây, nói rằng các nghiên cứu sinh do Trung Quốc tài trợ chịu sự kiểm soát của lãnh sự quán Trung Quốc và “đến nước ngoài với các nhiệm vụ trong tầm tay”. Kể từ khi đào tẩu vào năm 2005, ông Chen đã vạch trần các thủ đoạn thâm nhập của ĐCSTQ ở phương Tây.
“Sau khi đến nơi, họ cần đăng ký với lãnh sự quán tại địa phương và định kỳ tham gia nghiên cứu chính trị tại lãnh sự quán về các bài phát biểu của [lãnh đạo Đảng] Tập Cận Bình và các chính sách của Đảng”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Họ là những người đáng tin cậy nhất đối với chính phủ Trung Quốc – thậm chí còn hơn cả những sinh viên quốc tế bình thường.”
Thông qua các chương trình học ngắn hạn, các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng tiếp cận các công nghệ tiên tiến, và chức năng của họ là “ăn cắp khi có cơ hội”, ông Chen nói.
Ông nói thêm: “Về cơ bản, họ là những người cung cấp thông tin, là đặc vụ của ĐCSTQ”.
Trợ cấp CSC bao gồm hầu hết các chi phí trong suốt chương trình, từ vé máy bay, chỗ ở, đi lại, hóa đơn điện thoại, đến các hoạt động xã hội. Những người đi nước ngoài bằng tiền của chính phủ bắt buộc phải ký hợp đồng với CSC. Họ sẽ phải trả lại toàn bộ số tiền trợ cấp cộng với tiền phạt bổ sung nếu vi phạm các điều khoản, chẳng hạn như có những hành vi “gây tổn hại đến lợi ích và hình ảnh quốc gia”, hoặc tham gia vào các hoạt động không liên quan đến nghiên cứu học thuật tạo ra “tác động tiêu cực”, sổ tay CSC 2018 nêu rõ. Là một phần của thỏa thuận, các học giả phải trở về Trung Quốc sau khi hoàn thành chương trình để “phục vụ” bắt buộc trong hai năm.
“Những học giả được chính phủ tài trợ được yêu cầu phải chuyển giao những nghiên cứu của họ.” ông Chen nói. “Họ báo cáo về những gì đã học, những thành tích nghiên cứu, những thứ họ đã đánh cắp được, và sau khi quay trở lại, họ có thể được thăng chức hoặc nhận được tài trợ nghiên cứu mới.”
Một số trường hợp gián điệp gần đây bị chính phủ Hoa Kỳ truy tố liên quan đến các nghiên cứu sinh do CSC tài trợ.
Ông Wang Xin, một sĩ quan quân đội Trung Quốc che giấu mối quan hệ của mình với quân đội Trung Quốc, được giao nhiệm vụ “quan sát cách bố trí phòng thí nghiệm của UCSF [Đại học California, San Francisco] nơi ông này đang theo học, và tái tạo nó ở Trung Quốc, theo cáo buộc của công tố viên. Ông Hu Haizhou, một nghiên cứu sinh được CSC tài trợ của Đại học Virginia, bị cáo buộc vì tội đánh cắp mã nguồn phần mềm nghiên cứu được “lấy cảm hứng từ sinh học”. Bà Tang Juan được cho là một sĩ quan quân đội Trung Quốc đã che giấu danh tính của mình khi nghiên cứu tại Đại học California, Davis. Bà đã trốn đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco sau khi bị các đặc vụ FBI thẩm vấn và bị bắt vào tháng 7 với cáo buộc gian lận thị thực.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang trở nên căng thẳng, Đại học Bắc Texas gần đây đã chấm dứt một chương trình do CSC tài trợ và yêu cầu 15 học giả Trung Quốc đang có mặt tại trường trở về nước.
Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 5 đã đưa ra tuyên bố hạn chế việc hợp tác của chính quyền Bắc Kinh với các sinh viên đã tốt nghiệp và các học giả Trung Quốc đang giao lưu bằng cách ngừng cấp thị thực cho các nghiên cứu sinh có mối liên hệ với quân đội, vì quan ngại về các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Để thực hiện tuyên bố, Bộ Ngoại giao đã thu hồi hơn 1,000 thị thực của công dân Trung Quốc tính đến tháng 9.