Tài liệu giải mật tiết lộ bằng chứng hời hợt của FBI đối với những tuyên bố của Steele
Theo một tài liệu được giải mật gần đây do các nhà phân tích của FBI lưu giữ, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) chủ yếu đã dựa vào các bài báo và nguồn mở để nỗ lực chứng thực các tuyên bố trong hồ sơ Steele khét tiếng. Hồ sơ này vốn được sử dụng để xin lệnh giám sát gián điệp đối với các thành viên thuộc chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump năm 2016.
Phóng viên của CBS News, bà Catherine Herridge, và người sáng lập Just the News, ông John Solomon, là những người đầu tiên công bố tài liệu này, một hình mờ (watermark) trên tài liệu cho thấy nó được chuẩn bị cho các Ủy ban Tư pháp và Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ.
Các ủy ban đã không phản hồi ngay về yêu cầu xác thực tài liệu của The Epoch Times.
Những thiếu sót và sai phạm
Tài liệu dài 72 trang đi kèm với 22 trang với gần 400 chú thích, phần lớn trong số đó trích dẫn các bài báo và trang web mở. Trong hầu hết các trường hợp, các bài báo được trích dẫn không có tác dụng trong việc xác thực tuyên bố của hồ sơ mà chỉ đưa ra những sự việc đã được công khai từ lâu.
Ví dụ, đối với cáo buộc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump câu kết với Nga để thay đổi chính sách đối với Ukraine, các nhà phân tích của FBI chỉ cung cấp bằng chứng cho việc chính sách đã được thay đổi, vốn đã từng được công khai, nhưng không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc câu kết với Nga. Thêm vào đó, nhiều tuyên bố không bao gồm bất kỳ sự chứng thực nào, kể cả cáo buộc rằng ông Trump “và những người thân cận thường xuyên nhận được tin tình báo từ Điện Kremlin”.
Ngay cả trước khi phát hiện ra tài liệu này, độ tin cậy của hồ sơ Steele đã không thể cứu vãn được. Việc giải mật có ý nghĩa hơn trong việc làm sáng tỏ những nỗ lực hời hợt của FBI trong việc chứng thực những tuyên bố của Steele. Theo đó, tài liệu mật chỉ ra các nhà phân tích thường trích dẫn các bài báo giống nhau nhưng thay đổi định dạng của các trích dẫn chú thích cuối trang để khiến cho các nguồn trích dẫn trông có vẻ khác biệt. Trong một trường hợp, các nhà phân tích đã trích dẫn cùng một bài báo trên tờ Washington Post 8 lần trong vài trang.
Hồ sơ Steele đóng vai trò then chốt trong quyết định của FBI về việc xin lệnh giám sát theo Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) để theo dõi cố vấn chính sách đối ngoại Carter Page trong chiến dịch của ông Trump. FBI đã không cho tòa án biết bên đối thủ tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton đã tài trợ cho hồ sơ này. Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp xác định rằng hồ sơ xin FISA được sử dụng để giám sát ông Page có 17 lỗi và thiếu sót lớn, làm dấy lên những chỉ trích gay gắt từ Tòa án mật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISC).
Các nhà phân tích lấy nguồn của nhiều tuyên bố từ nguồn tin tình báo chủ yếu của Steele, là ông Igor Danchenko, một công dân Nga ở Washington, người từng bị FBI điều tra vì nghi ngờ làm gián điệp cho Điện Kremlin. Đây là một sự việc khác mà FBI không tiết lộ cho FISC. Ông Danchenko lấy thông tin từ những người bạn thời thơ ấu và cộng sự ở Nga, và khi bị FBI thẩm vấn ông đã nói với các nhân viên FBI rằng Steele đã thổi phồng những tin đồn đó và đưa chúng ra như những tuyên bố đáng tin cậy.
Trong một trường hợp, các nhà phân tích đã chứng thực được một báo cáo có từ một nguồn khác chứ không phải là hồ sơ Steele, đơn giản vì cả hồ sơ và bản báo cáo đều có từ “băng ghi âm”. FBI đã sử dụng một tweet từ người chị của một thành viên Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) nổi tiếng để chứng thực cho tuyên bố tương tự.
Một số mục trong hồ sơ đã bị xóa một phần hoặc hoàn toàn, để ngỏ khả năng FBI xác nhận một hoặc nhiều tuyên bố trong hồ sơ bằng các nguồn và phương pháp không thể công khai. Các mục bị xóa được mô tả là “báo cáo của cơ quan khác”, “thông tin nhạy cảm của FBI”, hoặc “được phân loại theo lệnh tòa án”.
Đối với tuyên bố trọng tâm về việc Nga đã tấn công máy chủ của DNC, FBI đã trích dẫn đánh giá của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016. FBI đã tham gia vào việc chuẩn bị đánh giá và thúc đẩy NSA và CIA đưa báo cáo của Steele vào phần phụ lục. Bản đánh giá đặc biệt lưu ý rằng nội dung của nó không khẳng định sự việc.
Các nhà phân tích của FBI đã trích dẫn bài báo trên các phương tiện truyền thông về đánh giá này thay vì tham khảo tài liệu chính thức được đăng trên trang web của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Đáng chú ý là các nhà phân tích đã nhầm lẫn về thời điểm diễn ra sự kiện quan trọng liên quan đến cáo buộc DNC bị hack, khi viết rằng các báo cáo truyền thông về việc Nga có dính líu đến vụ hack bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 7/2016. DNC chính thức cáo buộc Nga về vụ hack vào ngày 14/6/2016, qua một bài báo trên tờ The Washington Post. Trong vòng vài ngày, hầu như mọi tờ báo lớn đều đưa tin.
Trong một số trường hợp, các nhà phân tích không thể xác minh các tuyên bố, bao gồm cả mối liên hệ với cáo buộc của Steele rằng luật sư Michael Cohen của Tổng thống Donald Trump đã đến Praha để gặp gỡ một số người Nga nhằm che đậy những tội ác bị cáo buộc.
“Nhóm CROSSFIRE HURRICANE đã không thể xác minh chuyến đi của ông Cohen đến Cộng hòa Séc vào tháng 8/2016,” tài liệu nêu rõ, đề cập đến mật danh cuộc điều tra của FBI về chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Một số chứng thực dường như hoàn toàn không liên quan đến tuyên bố. Ví dụ: chú thích 89 có một danh sách các bài báo ủng hộ cáo buộc đối với Steele rằng “Điện Kremlin lo ngại rằng hậu quả chính trị từ hoạt động hack email DNC đang vượt khỏi tầm kiểm soát”. 5 trong số các bài báo được trích dẫn đã được công bố trước vụ hack email và không liên quan gì đến khiếu nại cụ thể của hồ sơ.
Steele soạn bản ghi nhớ về vụ hack DNC vào cùng ngày mà bà Clinton cố ý thông qua một kế hoạch bôi nhọ ông Trump bằng cách liên kết nó với cáo buộc Nga đánh cắp thông tin của DNC. Tuyên bố về kế hoạch của bà Clinton xuất phát từ các tài liệu được giải mật gần đây mô tả việc Hoa Kỳ đánh chặn tình báo Nga.
Ngày càng có nhiều các bằng chứng rõ ràng, bao gồm cả việc giải mật gần đây của kế hoạch Clinton, cho thấy rằng hồ sơ của Steele đã đóng một vai trò trong việc mở ra cuộc điều tra Crossfire Hurricane. Cố vấn đặc biệt Robert Mueller đã tiếp nhận cuộc điều tra vào tháng 5/2017 và sau cuộc điều tra kéo dài 22 tháng, không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy bất kỳ ai trong chiến dịch của ông Trump đã cấu kết với Nga. Báo cáo của Mueller không xác nhận bất kỳ tuyên bố nào của Steele cáo buộc ông Trump hoặc chiến dịch tranh cử của ông có sai phạm.
Bất chấp nhiều năm điều tra có chủ đích, các cơ quan hành pháp và Quốc hội đã đưa ra những bằng chứng ít ỏi và mâu thuẫn để cho thấy cách thức các email của DNC bị đánh cắp như thế nào.