Tài liệu bị rò rỉ: Trung Quốc chế tạo các phương tiện bay hiệu ứng mặt đất để bảo vệ các yêu sách ở Biển Đông
Trung Cộng đang xây dựng một căn cứ để thiết kế, thử nghiệm, và sản xuất các phương tiện bay hiệu ứng mặt đất (GEV) nhằm mục đích bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình ở Biển Đông, theo các tài liệu nội bộ mà The Epoch Times nhận được từ một nguồn đáng tin cậy.
GEV là một loại thuỷ phi cơ có thể lướt trên mặt nước (biển hoặc hồ), băng, hoặc mặt đất phẳng.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, ngay cả sau khi một tòa án quốc tế ra phán quyết năm 2016 rằng những tuyên bố đó là trái pháp luật; Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan có các tuyên bố chủ quyền tranh chấp. Là nơi có ngư trường phong phú và các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị tiềm tàng, tuyến đường thủy này cũng là một trong những tuyến đường vận chuyển chính của thế giới.
Trong những năm gần đây, chế độ này đã tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình trên tuyến đường thủy chiến lược này bằng cách xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo và rạn nhân tạo.
Theo các báo cáo của Yingge, công ty tư nhân đã nhận thầu xây dựng nó, việc xây dựng trên căn cứ GEV, nằm ở đảo Hải Nam, một tỉnh đảo phía nam Trung Quốc, bắt đầu vào tháng 12/2017 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020.
“Cùng với những thay đổi của tình hình quốc tế, vấn đề Biển Đông ngày càng trở nên nổi cộm. Dự án [căn cứ GEV] có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn biên giới lãnh hải giữa Trung Quốc và các quốc gia khác,” công ty Yingge báo cáo với Cục Quản lý Nhà nước về Các vấn đề Chuyên gia Nước ngoài của Trung Quốc (SAFEA) hôm 27/10/2017.
Căn cứ GEV
Công ty Yingge, có trụ sở tại thành phố Hải Khẩu, Hải Nam, là công ty chuyên thiết kế và sản xuất các GEV. Họ sản xuất các sản phẩm GEV thương mại hóa, chẳng hạn như mẫu CYG-11–loại GEV đã được bán cho các sở cảnh sát ở các thành phố và các địa hạt của Trung Quốc để tuần tra các khu vực bến tàu.
Trong các tài liệu do công ty Yingge gửi tới SAFEA và chính quyền thành phố Hải Khẩu, công ty cho biết căn cứ này sẽ tổ chức nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các phương tiện, thiết kế và thử nghiệm các ứng dụng, cũng như đào tạo phi công và kỹ sư bảo trì.
Các tài liệu nội bộ trên không cung cấp những chi tiết về kế hoạch căn cứ GEV. Tuy nhiên, văn phòng thương mại thành phố Hải Khẩu đã thông báo trên trang web của họ vào tháng 05/2015 rằng công ty Yingge dự định sản xuất hàng loạt các GEV, với mục tiêu sản lượng là 50 chiếc một năm.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng các GEV không thể bị phát hiện bởi radar và hệ thống định vị dưới nước sonar, cho phép các phương tiện này có khả năng lén lút hạ gục các hàng không mẫu hạm và các chiến hạm mạnh mẽ khác.
Nhưng chuyên gia quân sự Rick Fisher nghi ngờ tuyên bố này.
“Một chiếc GEV nhỏ, phẳng mang vũ khí chống hạm có thể thoát khỏi sự phát hiện của radar tầm xa, nhưng Hệ thống Vũ khí Tầm gần (CIWS) được Hải quân Hoa Kỳ sử dụng–vốn được thiết kế để tìm và đánh bại các hỏa tiễn cơ động chống hạm nhanh hơn–cũng có khả năng phát hiện được GEV,” ông Fisher, thành viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế có trụ sở ở Virginia, cho biết.
Năm 2013, một bài báo trên tờ Global Times của nhà nước đã trích dẫn lời Phó Chủ tịch Yingge là ông Liu Guoguang cho biết công ty này có kế hoạch phát triển một loại GEV lớn hơn—mẫu CYG-40 (với sức chứa 40 hành khách)—và sẽ thiết kế các mẫu CYG-100 (dành cho 100 người), CYG-150 và CYG-200.
Ông Fisher nghi ngờ rằng các GEV lớn có thể vận chuyển quân đội ở tốc độ cao, cho phép Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc “gây bất ngờ hoặc áp đảo hệ thống phòng thủ trên bờ ở Đài Loan” trong trường hợp xảy ra xung đột với hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình này.
Nếu Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản tham gia bảo vệ Đài Loan, quân đội Trung Quốc cũng có thể được vận chuyển đến các đảo Sakashima hoặc Okinawa của Nhật Bản, hoặc Philippines, nơi có căn cứ hải quân của Hoa Kỳ, ông nói.
Ở Biển Đông, “một GEV chở quân lớn cũng sẽ là lý tưởng để trang bị cho các cuộc đột kích bất ngờ nhằm vào các đảo nhỏ hơn ở Biển Đông mà Việt Nam, Philippines, và Malaysia chiếm đóng,” ông Fisher nói thêm.
Phát triển GEV tại Trung Quốc
Trung Quốc đã chính thức phát triển chiếc GEV đầu tiên của mình, được đặt tên là DF-100, vào tháng 11/1998. Nó được thiết kế và phát triển bởi hai công ty nhà nước, Viện Khai phát Khoa kỹ Trung Quốc và Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc (China Aerospace), sau này là nhà thầu chính của Trung Quốc cho chương trình không gian.
Theo một báo cáo đã bị xoá trên trang web của lực lượng không quân Trung Quốc, mẫu DXF-100 đã được lên kế hoạch sử dụng cho mục đích quân sự.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển thêm nhiều GEV, bao gồm cả một phi cơ không người lái GEV do một bộ phận của China Aerospace phát triển, có thể bay trong một giờ rưỡi và mang theo một quả ngư lôi nặng một tấn.
Công ty Yingge được thành lập vào đầu năm 2013 tại Hải Khẩu. Vào năm đó, công ty này đã trình làng chiếc CYG-11 có thể chở hơn một tấn hàng hóa và bay cao hơn mặt nước từ 3 đến 13 feet (khoảng 0.91m đến 3.96m) với tốc độ tối đa 130 dặm/giờ (khoảng 209 km/h).
Mặc dù là một công ty tư nhân, nhưng Yingge đã nhận được những khoản hỗ trợ đáng kể về tài chính và hậu cần từ phía Trung Cộng.
Chi nhánh Hải Nam của Cục quản lý Các vấn đề Chuyên gia Nước ngoài đã viết trong một bài báo hồi tháng 01/2018 trên tạp chí của họ rằng chính quyền tỉnh đã cử một nhóm đến Yingge để hỗ trợ và hướng dẫn công ty này xin tài trợ từ chính quyền trung ương, và giúp thu xếp thị thực và các giấy phép cư trú cho các nhà nghiên cứu người Nga đến hỗ trợ phát triển GEV.
Chuyên gia Nga tham dự
Trong các tài liệu nội bộ, công ty Yingge đã báo cáo với chính quyền trung ương rằng nó đã thuê một nhóm các nhà nghiên cứu người Nga từng làm việc về các GEV của Nga để làm việc cho dự án này.
Trong báo cáo năm 2016 của mình, Yingge đã liệt kê 17 chuyên gia Nga, cùng với thông tin cá nhân của họ và các khoản trợ cấp cho họ. Chính phủ trung ương đã cấp cho họ 2.67 triệu nhân dân tệ (khoảng 400,000 USD) tiền trợ cấp và phụ cấp. Công ty này không nêu chi tiết họ được trả bao nhiêu tiền lương.
Năm 2017, 19 chuyên gia Nga đã được trợ cấp và phụ cấp 1.254 triệu nhân dân tệ (tương đương 190,000 USD).
Nicole Hao
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: