Tác phẩm Nỗi oan Apelles – Niềm tín Thần trong thời đại tin giả
Những bình chú sâu sắc của nghệ thuật gia Botticelli về tác phẩm Nỗi oan Apelles sẽ mang đến cho công chúng những nhận định thú vị về đức tin của người xưa, và cách mà họ phản kháng sự báng bổ chư thần đến từ những tin đồn thất thiệt.
Thời đại thông tin, dù mang đến rất nhiều tiện nghi, cũng kéo theo một vấn đề nhức nhối: tin giả tràn lan. Thật vậy, nhiều thông rất khó để xác minh thực hư. Bởi vì điều này, nhiều người đã trở thành nạn nhân của tin giả – “fake news.”
Không chỉ được phát tán bởi các phương tiện truyền thông đại chúng, tin giả còn được đồng nghiệp, bạn bè, hoặc thậm chí những thành viên trong gia đình bạn lan truyền. Và chắc chắn mỗi người trong chúng ta ít nhiều cũng từng là nạn nhân của những lời đồn đoán vô căn cứ. Vậy làm sao ta đương đầu với tin giả. Bức họa Nỗi oan Apelles – Calumny of Apelles, được vẽ bởi danh họa thời thời Phục Hưng, họa sĩ Sandro Botticelli, sẽ cho ta một góc nhìn thú vị về vấn đề này.
Bình chú của Lucian về tác phẩm Nỗi oan Apelles
Trước khi xem xét những chú giải về tuyệt tác của họa sĩ Botticelli, ta cần biết được niềm cảm hứng sáng tác đằng sau bức vẽ này.
Botticelli lấy cảm hứng từ câu chuyện về Apelles, một danh họa thời Hy Lạp cổ đại. Apelles được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất trong thời đại của mình. Tuy nhiên, sự tài hoa của ông đã nhiều người đương thời ghen tức. Một trong những người mang lòng đố kị chính là Antiphilos. Thế là, Antiphilos đã hãm hại Apelles bằng cách tâu với Vua Ptolemy I rằng Apelles đã tham gia vào một âm mưu tạo phản.
Và kết cái là Apelles đã bị tống giam vào ngục thất. Tương truyền, khi gần đến ngày hành hình, ông được khuyên hãy vẽ một tác phẩm – Nỗi oan Apelles, để minh oan cho chính mình. Nhưng không rõ làm thế nào mà Apelles có thể thực hiện một tác phẩm này trong ngục. Mặt khác, nhiều người lại cho rằng ông được phóng thích sau âm mưu của kẻ thủ ác đã bị phanh phui. Dù gì đi nữa thì bức vẽ Nỗi oan Apelles cũng được ra đời vì để đối phó với tin đồn thất thiệt.
Một trong số những bình chú về tác phẩm Nỗi oan Apelles được viết bởi tác giả Lucian. 1500 năm sau, Botticelli đã đọc qua bình chú này để có cho bản thân một lý giải riêng biệt.
Lý giải của Botticelli về Nỗi oan Apelles
Chú giải về tác phẩm Nỗi oan Apelles của Botticelli một lần nữa diễn giải bình chú của Lucian về bức tranh của Apelles. Một nhóm gồm mười người được vẽ trong một khung cảnh có những cột trụ lộng lẫy được trang hoàng theo phong cách cổ điển, khắc họa những điển tích phát xuất từ Cơ đốc giáo và Thần thoại Hy Lạp. Những cột trụ này mở ra cho người xem tranh một không gian tĩnh lặng.
Thay vì để vua Ptolemy là người phán xử cho số phận của Apelles, Botticelli lại khắc họa hình ảnh của vua Midas. Trong Thần thoại Hy Lạp, thần Apollo đã “ban” cho vua Midas cặp tai lừa vì nhà vua cho rằng Pan (một nhạc công) chơi nhạc còn hay hơn cả thần Apollo. Phía bên phải bố cục, Botticelli vẽ vua Midas với đôi tai lừa.
Hai người phụ nữ đang nắm lấy đôi tai của vua Midas và thì thầm những lời dối trá về Apelles.
Vua Midas vươn tay về phía Rancor, một nhân vật nam trong trang phục đen. Với một chiếc trán nhàu nhĩ, Rancor đưa những ngón tay của y đến mắt của vua Midas hòng khiến nhà vua mù quáng.
Rancor dắt tay Calumny (Sự vu oan), một người phụ nữ trong trang phục trắng xanh. Cô cầm ngọn đuốc bằng một tay, tay kia túm tóc Apelles, Và Apelles thì trong trạng thái gần như lõa lồ. Phía sau có hai người phụ nữ là Fraud và Perfidy đang điểm tô cho những bím tóc của Calumny bằng những bông hoa.
Đằng sau những nhân vật này là một người phụ nữ mang tên Remorse trong trang phục đen. Remorse ngoái nhìn Truth (Sự thật) khi cô hướng mắt lên thiên đàng trong thân hình trần trụi.
Những giai đoạn của quá trình phao tin giả
Để hiểu rõ hơn về bức tranh này và cách đối phó với những tin đồn thất thiệt, trước tiên chúng ta phải am tường về những giá trị mà những nhân vật này đại diện.
Sự thay thế vua Ptolemy bằng vua Midas đã khiến câu chuyện trở nên đặc sắc hơn nhiều phần, điều ngụ ý rằng tội ác này không chỉ chống lại họa sĩ Apelles, mà còn là tội ác chống lại thần linh. Việc vua Midas thiếu khả năng phân định tài năng âm nhạc giữa nghệ sĩ Pan và thần Apollo cho thấy vị vua này không thể (hoặc không muốn) nhìn nhận sự thánh minh và toàn năng của thần. Sự hiện diện của Midas, rõ ràng, là tượng trưng cho sự báng bổ thần linh.
Hai người phụ nữ, Ignorance (Si ngốc) và Suspicion (Ngờ vực), đang thì thầm vào đôi tai lừa của Midas, ám chỉ việc nhà vua đang bị “nguyền” bởi tính si ngốc và sự ngờ vực, vì thế, ngài không thể phân định được thực hư. Chi tiết này, một lần nữa, nhắc về sự dốt nát và ngờ vực của chính Midas khi ngài nhìn nhận về thần. Chính sự dốt nát và ngờ vực này khiến nhà vua đưa ra những phát xét sai lầm ở cuộc thi âm nhạc có liên quan đến thần Apollo và đồng thời cũng đẩy Apelles vào bước đường cùng, đến nỗi suýt bị hành quyết.
Sự si ngốc và ngờ vực về thần khiến vua Midas chấp nhận những thông tin sai lệch. Hơn nữa “chúng” khiến ông hướng mắt về Rancor. Theo từ điển Oxford, Rancor nghĩa là cảm giác cừu hận.
Việc Rancor đại diện cho cảm giác cừu hận, thay vì một sai lầm nhất thời cũng mang đến nhiều ẩn ý. Thứ nhất, điều này ngụ ý rằng sức mạnh của sự si ngốc và ngờ vực sẽ là mồi lửa làm bùng cháy và đồng thời là năng lượng để duy trì sự cừu hận.
Thứ hai, chi tiết này nói lên rằng thái độ của vua Midas đã có từ lâu trước khi ngài quyết định đưa nghệ sĩ Apelles vào ngục, và bức vẽ này nói về sự cừu hận của người thế gian đối với thần sau khi thụ nhận những thông tin sai lệch từ truyền thông.
Cuối cùng, điều đáng để phân tích chính là ngôn ngữ cơ thể của Rancor. Bàn tay của ông hướng về gương mặt Midas với những ngón tay như thể muốn chọc mù mắt nhà vua, hoặc ít nhất cũng che lấp tầm nhìn của ngài. Điều này nói lên sự cừu hận sẽ khiến một người mù quáng mà phỉ báng chư thần.
Rancor nắm lấy tay Calumny, ngụ ý rằng sự cừu hận chính là “tiền thân” của Calumny (Sư vu oan). Calumny, rõ ràng, là sự triển hiện sai lệch, mang tính phá hoại. Chi tiết rằng Perfidy và Fraud đang tô điểm cho Calumny ngụ ý rằng sự hư ngụy cần phải được điểm tô để có thể lừa mị người đời.
Calumny tay cũng đang cầm một ngọn đuốc đại diện cho sự soi chiếu và tri thức; đấy chính là một giá trị phản đảo của sự dốt nát. Tuy nhiên, sự soi chiếu, trong trường hợp của Calumny lại không phải là giá trị phản đảo của sự si ngốc, mà chính là điểm to thêm cho sự si ngốc.
Nếu để ý một chút, ta có thể nhận ra nghệ sĩ Botticelli đã hữu ý thể hiện những giai đoạn mà tin giả được lan truyền. Đầu tiên, chúng ta thiếu đi sự hiểu biết, vì thế, ta tỏ ra ngờ vực với sự thật, ngờ vực với thần linh. Thứ hai, sự dốt nát và lòng nghi hoặc khiến ta phát triển tâm lý cừu hận với thần linh, vì thế, ta mê mờ không thể nhìn ra được chân tướng. Cuối cùng, khi sự thật, và chân tướng về thần bị che đậy, ta dễ dàng ngộ nhận những thông tin thất thiệt là điều chân chính.
Hướng về tình yêu với sự thật
Vậy theo góc nhìn của họa sĩ Botticelli trong bức vẽ Calumny of Apelles, sự thật là gì? Botticelli đã lột tả hai góc nhìn về sự thật: thứ nhất là thông qua nhân vật Apelles, thứ hai chính là bằng việc lột tả hình ảnh cô gái mang tên Truth (Sự thật). Apelles và Truth đều (gần như) trần trụi. Trong khi tất cả những nhân vật khác trong tác phẩm lại khoác lên mình những phục trang sang trọng, thứ dễ khiến công chúng nhìn nhận rằng họ đại diện cho sự ngay thẳng và liêm chính.
Hơn thế nữa, Apelles đang trong tư thế nguyện cầu bất chấp ông bị công kích bởi những điều dối trá. Tuy nhiên, ông không mảy may van nài sự tha thứ từ bất kỳ một nhân vật nào trong tranh. Ông cũng chẳng màn nhìn đến ngọn đuốc trên tay Calumny và dĩ nhiên cũng không có ý định sẽ dập tắt nó, ông cũng không quỳ mọp trước nhà vua Midas để cầu xin sự khoan hồng. Điều duy nhất mà Apelles làm là cầu nguyện, điều này chỉ ra rằng ông có thể nhìn thấy quyền năng của thần, và tâm trí ông không bị chuyển bởi cảnh thế gian. Thêm vào đó, chi tiết này còn ngụ ý rằng sự thật, chắc chắn, sẽ không thể được tìm thấy trong cảnh huyên náo – vì huyên náo biểu hiện của sự không thuần khiết, sự thật cần được tìm ở nơi tĩnh lặng, chỉ khi tâm ta hướng về thần.
Calumny một tay nắm lấy tóc Apelles. Cô kéo Apelles đằng sau Rancor để vua Midas phán xét. Dĩ nhiên, những phán xét của đức vua về Apelles đều không đúng, bởi lẽ, ngài đang bị vây quanh, bị chi phối bởi rất nhiều điều hư ngụy. Hình ảnh Midas đại diện cho những cá nhân bị thao túng.
Phía bên trái của bố cục bức vẽ, Truth (Sự thật) liếc nhìn và chỉ tay về phía trời – thiên đàng. Chắc chắn rằng, nàng là hiện thân của sự thật. Botticelli có chủ đích muốn nàng chỉ tay về nơi sự thật đang thực sự hiện hữu, đó là Thượng đế trên thiên đàng. Bất chấp những điều trái ngang đang diễn ra với Apelles nơi hạ giới, sự xuất hiện của Truth nhắc nhở Apelles rằng sự phán xét chân chính nhất luôn thuộc về thần – điều vượt xa những sự công kích do tin giả gây ra.
Remorse ngoái nhìn Truth, bà chậm rãi tiến về nhà vua Midas. Bức tranh cho ta cảm giác rằng khi đám đông bớt huyên náo, bà sẽ tiếp cận nhà vua. Với sự chú tâm đối với Truth, Remorse sẽ đưa những lời dối trá ra ánh sáng. Bà sẽ khiến nhà vua ăn năn vì nhận ra rằng ông cũng là một nạn nhân của những điều đơm đặt. Và cuối cùng, người xem tranh sẽ mong chờ một kết cuộc tốt đẹp, khi sự thật cuối cùng cũng được minh xác.
Trong thời đại của tin giả, làm thế nào mà ta có thể nhìn về phía Thần để tìm kiếm những chỉ dấu hòng phân định giữa đúng và sai? Làm sao chúng ta nhìn về sự thật, và làm sao chúng ta phân định đâu là điều dối trá? Làm cách nào mà sống với niềm tín thần?
Bạn đã bao giờ bắt gặp một tác phẩm nghệ thuật mà bạn cho rằng tác phẩm đó rất có giá trị nhưng bạn lại không biết ý nghĩa thực sự đằng sau? Trong loạt bài Chạm đến nội tâm: những gì Nghệ thuật truyền thống mang đến cho tâm hồn, chúng tôi xin phép được diễn giải nghệ thuật cổ điển chiểu theo quan niệm đạo đức của xã hội ngày nay. Chúng tôi tiếp cận từng tác phẩm để xem cách mà những sản phẩm lịch sử đó đề cao tố chất đạo đức sẵn có trong mỗi chúng ta như thế nào.
Eric Bess là một nghệ sĩ thuộc trường phái Nghệ Thuật Đại Diện và là ứng viên tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: