Tác động của Chiến tranh tại Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu
Trong cuộc họp về vấn đề mất an ninh lương thực với các đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang tạo ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo một thông cáo báo chí, bà Yellen cho biết tại cuộc họp vào ngày 19/04, ngay cả trước cuộc chiến Nga-Ukraine, hơn 800 triệu người, chiếm 10% dân số toàn cầu, đã phải chịu cảnh mất an ninh lương thực triền miên.
Bà Yellen nói, “Chiến tranh đã làm cho tình hình vốn đã nghiêm trọng trở nên tồi tệ hơn. Các diễn biến đột ngột về giá và nguồn cung đang diễn ra, làm tăng thêm áp lực lạm phát toàn cầu, tạo ra rủi ro đối với các cân đối ở bên ngoài, và làm suy yếu sự phục hồi sau đại dịch.”
Bà nói, “Tôi muốn nói rõ: các hành động của Nga phải chịu trách nhiệm về vấn đề lương thực này. Nhưng Hoa Kỳ đang khẩn trương làm việc với các đối tác và đồng minh của chúng tôi để giúp giảm thiểu tác động của cuộc chiến liều lĩnh của Nga đối với những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.”
Bà cho biết, ngay cả khi Hoa Thịnh Đốn leo thang các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, họ cũng đang hành động để bảo đảm rằng thế giới có đủ hàng hóa nông nghiệp cùng với thực phẩm cơ bản.
Bà Yellen cho biết cuộc họp đã được lên kế hoạch với ba mục tiêu. Trước tiên, phải hiểu các yếu tố dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Việc Nga phá hủy nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Ukraine là một “nhân tố chính” ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trên toàn thế giới. Những hành động này có thể khiến 10 triệu người từ vùng Phi Châu cận Sahara bị đẩy vào cảnh đói nghèo do giá lương thực tăng cao.
Thứ hai liên quan đến việc áp dụng “những bài học quý giá” đã học được từ các cuộc khủng hoảng lương thực trước đây vào kịch bản hiện tại. Bà Yellen nêu bật cách các quốc gia công nghiệp hàng đầu của G-20 khởi động Chương trình Nông nghiệp và An ninh Lương thực Toàn cầu để ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008. Chương trình đó đã tìm cách thúc đẩy đầu tư vào các quốc gia nghèo nhất cũng như phát triển một hệ thống thông tin thị trường nông nghiệp.
Bước thứ ba là về cách các tổ chức tài chính quốc tế (IFIs) có thể thực hiện các hành động cụ thể để có “phản ứng hiệu quả”. IFIs có thể sử dụng các công cụ phân tích để đánh giá tác động kinh tế vĩ mô của cuộc chiến Nga-Ukraine cũng như đánh giá nhu cầu cụ thể của các quốc gia bị ảnh hưởng. Hơn nữa, bà Yellen nói, các tổ chức này có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, giảm thiểu tình trạng thiếu phân bón, thúc đẩy sản xuất lương thực trong nước, v.v..
Một thông cáo báo chí hôm 19/04 nêu rõ, giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva thông báo rằng tổ chức của bà sẽ đáp ứng các yêu cầu tài trợ từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng.
Bà Georgieva nói, “Chúng tôi sẽ phối hợp với IFIs và các nhà tài trợ, đồng thời tìm đến họ để tăng cường hỗ trợ nhân đạo và tài trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Và chúng tôi sẽ triển khai Quỹ tín thác về khả năng Chống chịu và Bền vững mới để giúp các quốc gia có được ngành nông nghiệp thích ứng với một thế giới có nhiều cú sốc khí hậu thường xuyên và nghiêm trọng hơn.”
Giá lương thực hiện đang ở mức cao, trong đó Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đã tăng mạnh nhất kể từ năm 1990. Theo tổ chức, giá các mặt hàng như ngũ cốc, thịt, và dầu thực vật đã đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Ông Naveen Athrappully là một ký giả tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: