Sức mạnh kinh tế của ĐCSTQ khiến các tập đoàn Mỹ phải phụ thuộc vào Bắc Kinh
Theo ông Anders Corr, một nhà phân tích Trung Quốc, quyền lực kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến các tập đoàn và chính phủ phải “hạ mình”, hỗ trợ cho kế hoạch vươn ra toàn cầu của Bắc Kinh nhằm đạt được bá quyền.
“Các tập đoàn [và]… các chính phủ đang bắt đầu làm theo những gì Đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn họ làm… theo cách mà chúng ta thực sự nên lo lắng,” ông Corr, người đứng đầu công ty cố vấn Corr Analytics và là tác giả của cuốn “Tập Trung Quyền Lực”, nói với chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ” (“American Thoughts Leaders”) của EpochTV.
Ông Corr, người cũng là một tác giả chuyên mục cho The Epoch Times, nói rằng ĐCSTQ buộc các tập đoàn thực hiện yêu cầu của họ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, vốn chiếm 20% nền kinh tế thế giới.
Theo ông Corr, các công ty có xu hướng tuân theo ĐCSTQ vì họ muốn bán sản phẩm của mình cho 1.4 tỷ dân Trung Quốc và nhận được lao động giá rẻ từ họ.
Apple cũng vấp phải trường hợp như thế, ông Corr nói. Công ty này được cho là đã thực hiện một thỏa thuận bí mật với ĐCSTQ hồi năm 2016 để chi 275 tỷ USD vào Trung Quốc trong vòng 5 năm, bao gồm cả việc bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ. Ông Corr cho biết thỏa thuận này rõ ràng là đã có sự thỏa hiệp vì ĐCSTQ đã khiến một số ứng dụng nhất định không có trên App Store của Apple.
“Nếu quý vị chứng minh được với Trung Quốc, rằng quý vị đứng về phía Đảng Cộng Sản Trung Quốc… [bằng cách] tài trợ 275 tỷ USD trong một thỏa thuận bí mật để chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, nếu quý vị chứng minh được điều đó… có thể họ sẽ cung cấp cho quý vị một thỏa thuận tốt hơn… điều đó tối đa hóa doanh thu ngắn hạn của quý vị, tăng tiền thưởng của quý vị với tư cách là một giám đốc điều hành, nhưng khiến các cổ đông gặp bất trắc trong tương lai,” ông nói.
Ông Corr lập luận thêm rằng những hành động như vậy có thể xảy ra do sự tập trung quyền lực của ĐCSTQ, cho phép ĐCSTQ “đóng vai trò như một người gác cổng” đối với thị trường Trung Quốc. Ông nói thêm: Tổng thống Hoa Kỳ không có loại quyền lực này, vì sự tự do kinh tế ở Hoa Kỳ.
Theo ông Corr, nhiều trong số các công ty thực hiện các giao dịch với ĐCSTQ này sẵn sàng bỏ qua các vụ vi phạm nhân quyền mà nhà cầm quyền này đang thực hiện vì lòng tham.
Ông Corr đề cập rằng một số doanh nhân, chẳng hạn như tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ Ray Dalio, biện minh cho các thỏa thuận của họ với ĐCSTQ rằng họ không thể can dự vào các vấn đề về nhân quyền và quản trị, và rằng Hoa Kỳ cũng có những vấn đề riêng của mình. Nhưng ông Corr cho rằng đây là một tuyên bố không thể chấp nhận được.
“Quý vị không thể so sánh ba cuộc diệt chủng ở Trung Quốc, của người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và Pháp Luân Công với những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ,” ông Corr nói. “So sánh hai việc này là hoàn toàn bao che cho Trung Quốc và vu khống Hoa Kỳ.”
Nhà phân tích này nói rằng ĐCSTQ có mục tiêu đạt được “quyền bá chủ toàn cầu”, đây là một sự thật được công nhận trong giới học thuật. Ông giải thích rằng ĐCSTQ sử dụng sức mạnh kinh tế này để mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình tại Hoa Kỳ.
Ông nói: “Ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với nền chính trị Mỹ thông qua các công ty của chúng ta thực sự khá giống với ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các nước khác.”
“Cho dù đó là Uganda hay Philippines, họ nắm giữ khá nhiều quyền lực thông qua việc có thể cho phép và cấm xuất nhập cảng giữa Trung Quốc và tất cả các quốc gia khác trên thế giới.”
Ông Corr cho biết thêm rằng các nền dân chủ phương Tây chưa làm hết sức mình để chống lại sự bành trướng của ĐCSTQ, và nên phối hợp một cách tiếp cận chiến lược với Trung Quốc, cùng với các nước phương Tây khác “để họ bảo đảm rằng các tập đoàn của chúng ta không bán rẻ nền dân chủ khi họ kinh doanh ở Trung Quốc.”
“Chúng ta nên chống lại nhiều hơn, chúng ta nên thấy nhiều bằng chứng hơn về sự phản kháng lại ĐCSTQ, mà chúng ta không thấy. G7… họ không thể đồng ý ngay cả về một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Olympic khi có ba cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Trung Quốc,” ông nói.
Cô Danella Pérez Schmieloz là một phóng viên chuyên đưa tin về Trung Quốc.
Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: