Ý nghĩa của các chỉ số huyết áp và cách dự phòng tăng huyết áp
Bạn đã thực sự hiểu ý nghĩa của các chỉ số huyết áp và tại sao các chỉ số này lại quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của chúng ta?
Mặc dù hầu hết chúng ta đã từng đến phòng khám hoặc tự đo huyết áp tại nhà nhưng nhiều người vẫn không hiểu rõ về kết quả hoặc lý do cần phải theo dõi chỉ số này. May mắn thay, việc hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của các chỉ số huyết áp không quá khó.
Huyết áp là lực do dòng máu tác động lên thành mạch khi chảy qua. Đó là chỉ số quan trọng về sức khỏe tim mạch.
Trong chỉ số huyết áp có hai số đo được ghi lại gồm:
- Huyết áp tâm thu: là lực do máu tác động lên thành động mạch khi tim đập
- Huyết áp tâm trương: là lực do máu tác dụng lên thành động mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập.
Trị số đầu tiên luôn lớn hơn và là huyết áp tâm thu, còn số thứ hai là huyết áp tâm trương. Huyết áp được đo bằng milimet thủy ngân (mmHg) – đơn vị đo áp suất.
Chỉ số huyết áp lý tưởng được coi là khoảng 120/80mmHg hoặc thấp hơn, nhưng con số này có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, hoạt động thể chất và các yếu tố khác. Vì vậy, việc theo dõi huyết áp thường xuyên là điều cần thiết để bảo đảm huyết áp luôn ở mức khỏe mạnh.
Huyết áp ở mức nào được gọi là cao?
Khi huyết áp quá cao, còn gọi là tăng huyết áp, nghĩa là áp lực lên thành mạch máu quá cao. Có hai giai đoạn tăng huyết áp:
- Tăng huyết áp giai đoạn 1: huyết áp tâm thu luôn ở mức 130–139mmHg hoặc huyết áp tâm trương đạt 80–89mmHg.
- Tăng huyết áp giai đoạn 2: huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên.
Khi chỉ số huyết áp tâm thu đột ngột vượt quá 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương đột ngột vượt quá 120mmHg thì được gọi là cơn tăng huyết áp, và cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Tuy nhiên, ngay cả khi không gây nên cơn tăng huyết áp thì huyết áp cao vẫn gây ra nhiều vấn đề. Tiến sĩ Niteesh Choudhry, giáo sư y khoa tại Trường Đại học Y khoa Harvard (Harvard Medical School), nói với Chương trình American Heart Association News (Bản tin của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ), rằng khi một trong hai chỉ số đó tăng quá cao trong thời gian dài, “sẽ gây ra đủ loại vấn đề xấu.”
Những vấn đề này bao gồm đột quỵ, đau tim, bệnh thận và các bệnh mạn tính khác.
Tiến sĩ Choudhry cho biết, “Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch, dẫn đến các kết cục xấu ở tim và não, và đó là lý do tại sao bệnh huyết áp cao lại nhận được nhiều sự chú ý như vậy trong một thời gian dài.”
Bệnh lý phổ biến
Huyết áp cao là bệnh lý phổ biến ở người trưởng thành, ảnh hưởng đến gần một nửa dân số ở Hoa Kỳ. Mặc dù huyết áp cao có thể gây các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nhiều người vẫn không biết bản thân đang bị bệnh vì không cảm thấy triệu chứng.
Kiểm tra thường xuyên và theo dõi chỉ số huyết áp là điều rất quan trọng để xác định và kiểm soát tăng huyết áp. Đồng thời qua việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như thay đổi cách ăn uống hoặc lối sống và phát hiện bệnh sớm, sẽ giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ của bệnh huyết áp cao.
Huyết áp cao sẽ tăng dần theo thời gian và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số yếu tố nguy cơ phổ biến nhất bao gồm thừa cân, không hoạt động thể chất đầy đủ, ăn uống kém hoặc ăn quá nhiều muối, hút thuốc và ngủ không ngon giấc. Tiền sử gia đình, tuổi tác, bệnh tiểu đường và giới tính cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị bệnh huyết áp cao.
Vì hầu hết các nguyên nhân gây huyết áp cao đều liên quan đến lối sống, nên tin tốt là tự bản thân chúng ta có thể thay đổi được chỉ số huyết áp. Thực hiện những thay đổi đơn giản trong lối sống như giảm ăn thực phẩm chế biến sẵn, tập thể dục theo khuyến nghị và ngủ đủ giấc có thể giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times