WHO cho biết chất làm ngọt nhân tạo Aspartame có thể gây ung thư, nhưng vẫn giữ nguyên hướng dẫn về lượng tiêu thụ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ năm (13/07) đã nhận định aspartame là chất “có thể gây ung thư cho con người” trong khi tái khẳng định rằng lượng tiêu thụ được khuyến nghị [trước đó] của loại chất làm ngọt nhân tạo phổ biến này là an toàn.
Trong một phân tích được công bố trên tập san The Lancet Oncology, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của tổ chức này, bao gồm 25 nhà khoa học từ 12 quốc gia, cho biết “chỉ có số ít bằng chứng” cho thấy aspartame có thể có liên quan đến ung thư gan.
IARC đã dựa vào dữ liệu khoa học từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các bài báo trên tập san đã bình duyệt, báo cáo của chính phủ, và nghiên cứu liên quan để đưa ra kết luận kể trên, nhưng không thể loại trừ các biến số gây nhiễu khác có thể góp phần làm tăng nguy cơ bị ung thư, chẳng hạn như thói quen sinh hoạt hoặc tiếp xúc với các chất gây ung thư khác.
Một cơ quan khác, Ủy ban Chuyên gia chung của FAO/WHO về Phụ gia Thực phẩm (JECFA), [tiến hành] xác định mức tiêu thụ nào có thể gây bệnh cho người tiêu dùng. Khi xem xét bằng chứng, JECFA phát hiện rằng mối liên quan giữa việc tiêu thụ aspartame và ung thư ở người là không đủ thuyết phục. [Vì vậy], không nhất thiết phải thay đổi khuyến nghị về lượng tiêu dùng hàng ngày là 40mg/kg trọng lượng cơ thể. Điều này cho thấy hầu hết những người trưởng thành có thể tiếp tục tiêu thụ 9 đến 14 lon soda ăn kiêng mỗi ngày theo các hướng dẫn hiện hành.
Ông Francesco Branca, giám đốc dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo, “Chúng tôi không khuyên các công ty phải thu hồi sản phẩm, cũng như không khuyên người tiêu dùng nên ngừng tiêu thụ hoàn toàn. Chúng tôi chỉ khuyên mọi người nên tiêu thụ vừa phải một chút.”
Để người tiêu dùng không nhầm lẫn trước những thông tin có vẻ mâu thuẫn này, ông Branca, cũng là một thành viên của ủy ban JECFA, đã thực hiện đánh giá rủi ro đối với aspartame, cho biết người tiêu dùng phải đối mặt với quyết định có nên uống soda chứa chất làm ngọt hay lựa chọn soda có đường.
Ông Branca cho biết, “Nên cân nhắc lựa chọn thứ ba, là uống nước lọc thay thế – và hạn chế tiêu thụ các sản phẩm có chứa chất làm ngọt. Có những sản phẩm không chứa cả đường tự do hoặc chất tạo ngọt – và người tiêu dùng nên ưu tiên những sản phẩm này.”
Aspartame là chất làm ngọt gây tranh cãi và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, hiện có trong hơn 6,000 sản phẩm, bao gồm soda ăn kiêng, ngũ cốc, kem, đồ uống hỗn hợp, kẹo cao su và thực phẩm không đường.
Đánh giá nguy cơ của IARC xem xét tất cả các loại tiếp xúc [với aspartame], bao gồm việc ăn uống hay tiếp xúc nghề nghiệp, và aspartame được xếp vào “Nhóm 2B” – mức cao thứ 3 trong 4 mức. Theo WHO, phân loại này được dùng trong bối cảnh “bằng chứng hạn chế nhưng không thuyết phục về ung thư ở người hoặc bằng chứng thuyết phục về ung thư ở động vật thí nghiệm, nhưng không phải cả hai.”
Không phải tất cả mọi người đều đồng ý với phân loại mới này. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cho biết trong một tuyên bố với The Washington Post, họ không đồng ý với kết luận của IARC rằng aspartame là chất có thể gây ung thư ở người, với lý do có những thiếu sót trong dữ liệu cơ sở của IARC. FDA cho biết họ thừa nhận những thách thức trong việc điều hướng các thông tin khác nhau từ các tổ chức y tế, nhưng họ cho rằng aspartame đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Hiệp hội Đồ uống Hoa Kỳ, một nhóm vận động hành lang gồm Hãng Coca Cola, PepsiCo, và Keurig Dr Pepper, đã thực hiện một thông cáo báo chí thay mặt cho ông Kevin Keane, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tạm thời, sau những phát hiện của WHO về tính an toàn của aspartame.
“Aspartame an toàn. Sau khi xem xét nghiêm ngặt, Tổ chức Y tế Thế giới nhận thấy aspartame là an toàn và ‘không có đủ lý do để thay đổi khuyến nghị về lượng tiêu thụ hàng ngày đã được thiết lập trước đó.’ Kết luận mạnh mẽ này củng cố vị thế của FDA và các cơ quan an toàn thực phẩm từ hơn 90 quốc gia.”
Ông Keane cho biết 40 năm nghiên cứu khoa học và “kết luận chắc chắn này từ WHO” sẽ giúp người dùng có cơ sở hơn để tin tưởng rằng việc tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống chứa aspartame là an toàn.”
Trong khi một số nhà khoa học và ngành công nghiệp chất làm ngọt nhân tạo trị giá hàng tỷ đô lo lắng về thông báo mới của WHO có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, bà Mary Schubauer-Berigan của IARC cho biết bà hy vọng nhận định này [của WHO] sẽ thúc đẩy nhiều nghiên cứu hơn về việc liệu tiêu thụ aspartame có gây nguy cơ ung thư hay không.
IARC và WHO cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi bằng chứng mới về mối liên quan giữa aspartame và những ảnh hưởng đối với sức khỏe, đồng thời thực hiện các bước để bảo đảm các đánh giá của họ là độc lập và đáng tin cậy.
The Epoch Time đã liên lạc với WHO, IARC, và FDA để tìm hiểu ý kiến.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times