Vượt qua cơn nghiện đường nhờ thực phẩm toàn phần

Phương pháp ăn thực phẩm toàn phần, dồi dào chất béo lành mạnh, có thể là cách đơn giản, tự nhiên để từ bỏ thói quen ăn đường.

Vài năm trước, tôi đã nhận được một bức thư điện tử thú vị từ một người đồng nghiệp đang bắt đầu quen với cách ăn truyền thống. Cách ăn này bao gồm thực phẩm toàn phần hoàn toàn tự nhiên, với nhiều bơ và các chất béo lành mạnh từ động vật, các thực phẩm toàn phần chưa qua chế biến từ sữa, thịt xông khói, trứng, thịt, cá, nước dùng xương, và thực phẩm toàn phần lên men lacto.

[Trong thư,] cô đã kể về những cách [mà phương pháp ăn truyền thống] giúp sức khỏe của cô cải thiện như tâm trạng ổn định hơn, hết đau nhức, nhiều năng lượng hơn, ít cảm lạnh hơn. Tuy nhiên, cô vẫn có một thói quen xấu. Sau khi mua sắm các món hàng trong siêu thị như thịt, trứng, thịt xông khói, phô mai, bơ và rau, cô luôn thấy mình ở dãy hàng bánh quy. Ở đó, cô đã nghĩ về tất cả món quà bánh quy trước khi chọn hai gói chứa lượng đường cố định cho cả tuần.

Rồi một ngày, điều đáng chú ý đã xảy ra, cô ấy đã đi đến chỗ bánh quy như thói quen và đứng đó quan sát các gói hàng. Liệu cô sẽ chọn gói nào? Sau đó, cô nhận ra rằng mình không muốn lấy bánh quy! Đó không phải là do ý chí, mà chỉ đơn giản là cô không muốn nữa và có thể bỏ qua. Cô đã chế ngự được thói quen [xấu].

Bản chất của chứng nghiện đường

Chúng ta chỉ mới đang bắt đầu hiểu bản chất của chứng nghiện đường, nhưng hiện chúng ta đã biết rằng đường làm tăng mức dopamine. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng “ăn nhiều đường hàng ngày liên tục phóng thích dopamine trong nhân accumbens [phần não bị ảnh hưởng bởi dopamine].” Tiêu thụ không liên tục lượng lớn sucrose gây tăng dopamine liên tục trong não, tương tự như “lạm dụng ma tuý.”

Vậy, làm thế nào mà cơn nghiện [đường] lại biến mất đột ngột như vậy?

Một nghiên cứu năm 2020 đã tiết lộ câu trả lời. Nghiên cứu cho thấy cách ăn nhiều chất béo lành mạnh (chủ yếu là mỡ heo) lâu dài làm suy giảm đáng kể cảm giác thèm thức ăn ngọt, ngon miệng. Những thay đổi này có thể liên quan đến việc giảm dẫn truyền thần kinh do dopamine and cannabinoid trong nhân accumbens.

Bên cạnh đó, người đồng nghiệp của tôi cũng ăn những thực phẩm toàn phần khác có thể giúp điều chỉnh mức độ dopamine. Các amino acid tyrosine trong thịt bò, thịt gà, và phô mai là tiền thân của dopamine. Cách ăn uống truyền thống đã cung cấp nhiều vitamin D, magnesium, các vitamin B, và acid béo omega-3, tất cả đều góp phần làm tăng nồng độ dopamine cho cơ thể. Glycine trong nước dùng xương cũng là tiền chất của dopamine. Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta nghĩ về nước dùng gà là món súp tốt cho tâm hồn!

Các khía cạnh khác trong cách ăn uống của cô ấy có thể đã làm giảm nhu cầu đường là thực phẩm lên men lacto như dưa cải bắp. Những thực phẩm này cung cấp hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, tạo ra các hóa chất tạo cảm giác dễ chịu, và chất béo lành mạnh arachidonic acid (AA) chỉ có ở mỡ động vật. AA là nguyên liệu thô để tạo ra endocannabinoids giúp đem lại cảm giác dễ chịu.

Chuyên gia làm đồ lên men thường sử dụng bình/lọ lên men bằng sành, có nắp đậy kín khí để sản phẩm lên men được hoàn hảo theo nhu cầu. (Ảnh: Karl Allgaeuer/Shutterstock)
Chuyên gia làm đồ lên men thường sử dụng bình/lọ lên men bằng sành, có nắp đậy kín khí để sản phẩm lên men được hoàn hảo theo nhu cầu. (Ảnh: Karl Allgaeuer/Shutterstock)

[Như vậy,] mục tiêu là cần ổn định mức dopamine suốt cả ngày: không quá thấp để tránh thiếu sức sống và chán nản, nhưng cũng không quá cao để tránh kích động và lo lắng. Thật không may, đường gây ra hiệu ứng răng cưa (whipsaw) – làm tăng và giảm dopamine đột ngột – một loại tàu lượn siêu tốc, trong đó mức dopamine cao chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và mức thấp đòi hỏi cần [nạp vào] loại đường khác.

“Sự sai lầm của ý chí”

Ông Charles Eisenstein, tác giả cuốn The Yoga of Eating (Tạm dịch: Yoga về ăn uống), đã dành chương đầu tiên trong cuốn sách để nói về “Sự sai lầm của ý chí.”

Ông viết: “Nhiều người tuyệt vọng trước viễn cảnh [cần] cải thiện thói quen ăn uống vì họ nghĩ rằng mình không đủ ý chí.” Quả thực, mặc dù sức mạnh ý chí đã giúp người đồng nghiệp của tôi theo đuổi cách ăn uống lành mạnh và đem lại kết quả tốt hơn nhưng điều đó vẫn chưa đủ để phá bỏ thói quen ăn bánh quy của cô ấy.

“Chúng ta thường cố gắng dùng sức mạnh ý chí để cải thiện bản thân: cách ăn uống, những thói quen xấu, sự ích kỷ, tính nóng nảy. Thực tế là mọi cố gắng dùng ý chí đều sẽ thất bại. Nếu bạn quyết tâm, ‘Tôi sẽ bắt mình làm điều đó’ thì bạn đang tự đấu tranh với chính mình. Điều đó có nghĩa là bạn không có sự nhất quán, ở một mức độ nào đó bạn không muốn làm điều này. Sớm hay muộn, có lẽ trong một khoảnh khắc yếu đuối, hay quên mất bản thân, những mong muốn thực sự của bạn sẽ thể hiện thành hành động.”

Ông Eisenstein nói, tốt hơn biết bao nếu rèn luyện ý chí trong việc điều chỉnh “việc ăn uống vui vẻ, bổ dưỡng với nhu cầu đích thực của cơ thể và tâm hồn.”

Đó là những gì đã xảy ra với đồng nghiệp của tôi. Sau một năm hoặc lâu hơn trong việc ăn uống bổ dưỡng – cho phép bản thân thưởng thức bơ, thịt xông khói, thịt và phô mai – cơ thể và bộ não của cô đã được nuôi dưỡng đầy đủ đến mức cô không còn cần đường nữa. Thay vì chống lại cơ thể – như tuân theo các hướng dẫn ăn ít chất béo, vô hồn – hãy dùng tâm trí để hướng bản thân đến các phương pháp ăn uống giúp nuôi dưỡng cơ thể. Theo thời gian, cơn nghiện đường, chocolate, cà phê, rượu sẽ tiêu tan vì cơ thể được nuôi dưỡng đầy đủ không còn cần đến những loại thực phẩm ấy nữa.

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Sally Fallon Morell
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Sally Fallon Morell là chủ tịch sáng lập của Weston A. Price Foundation và là người sáng lập A Campaign for Real Milk (Chiến dịch sử dụng sữa thật). Bà là tác giả của sách dạy nấu ăn bán chạy nhất có tên là “Nourishing Traditions” (Tạm dịch: Nuôi Dưỡng theo Phương Thức Truyền Thống - đồng tác giả với Tiến sĩ Mary G. Enig) và nhiều cuốn sách khác về cách ăn uống và sức khỏe.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn