Vì sao âm nhạc có thể chữa lành?
Sức mạnh chữa lành của âm nhạc đã được công nhận từ thời Hy Lạp và Trung Hoa cổ xưa. Thời nay, chúng ta có những nghiên cứu lâm sàng và tổng quan hệ thống để khẳng định những hiểu biết này.
Khoa học cho thấy âm nhạc tác động lên cơ thể theo ít nhất hai con đường. Một là kết nối tâm trí và cơ thể và hai là thông qua tác dụng vật lý của sóng âm. Nếu bạn thức dậy và vận động cơ thể theo gia điệu của âm nhạc, bạn sẽ thụ ích từ một trong những bài tập thể dục được chứng minh là tốt nhất cho cả tinh thần lẫn thể chất.
Âm nhạc dành cho bệnh sa sút trí tuệ, Parkinson, và ung thư
Tâm trí và cơ thể có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đó là lý do vì sao tập thể dục là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho chứng trầm cảm và căng thẳng kinh niên, vốn góp phần gây ra rất nhiều bệnh tật.
Sa sút trí tuệ là trọng tâm phổ biến của các nghiên cứu về liệu pháp âm nhạc, với hàng trăm nghiên cứu đã được thực hiện trong thập niên qua. Sau này nhiều nghiên cứu đã được tập hợp và phân tích trên các bài tổng quan để xác định các quy luật hoặc mâu thuẫn trong khoa học.
Một số bài tổng quan đã đặc biệt chú trọng vào công dụng của liệu pháp âm nhạc đối với bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Một tổng quan cho thấy liệu pháp âm nhạc liên quan đến sự cải thiện khả năng nói trôi chảy, giảm trầm cảm và lo lắng. Âm nhạc cũng có thể cải thiện hành vi và khả năng nhận thức của bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Trong cuốn sách có nhan đề “Musicophilia,” tác giả Oliver Sacks cho biết âm nhạc thậm chí còn có thể phục hồi khả năng biểu đạt ngôn ngữ ở những bệnh nhân mắc aphasia (chứng mất ngôn ngữ) sau chấn thương não do đột quỵ.
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, âm nhạc có thể làm giảm nhịp tim và mức độ căng thẳng ở trẻ sinh non. Âm nhạc còn làm giảm căng thẳng và giảm đau, có thể hữu ích cho những người mắc các bệnh mạn tính như ung thư.
Một số nghiên cứu phát hiện liệu pháp âm thanh có thể giúp xoa dịu bệnh nhân ung thư, giảm viêm, và giảm các tác dụng phụ của việc điều trị ung thư.
Đôi khi các nhà nghiên cứu cũng thử nghiệm với các tần số âm thanh cụ thể.
Một nghiên cứu cho thấy việc kích thích thanh âm ở tần số thấp đã giúp 26% bệnh nhân đau cơ xơ hóa ngừng dùng thuốc sau điều trị.
Một nghiên cứu khác cho thấy các giải pháp can thiệp dựa trên âm thanh có thể giúp bệnh nhân Parkinson chống lại tình trạng mất chức năng vận động và cải thiện khả năng đi lại.
Liệu pháp Vibroacoustic (âm thanh rung động) đã trở thành phương pháp trị liệu riêng về loại này, trong đó hàng trăm nghiên cứu xem xét tác động của liệu pháp này đối với mọi vấn đề, từ COVID-19 đến bệnh bại não.
Khi âm nhạc kết hợp với chuyển động và kết nối xã hội, thì sẽ trở thành một liều thuốc đặc biệt mạnh mẽ.
Một tổng quan hệ thống trên BMJ, cho thấy vũ đạo là phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả hơn các loại thuốc chống trầm cảm thông thường, liệu pháp hành vi nhận thức, và các hình thức tập thể dục khác.
Tôi tìm đến âm nhạc để tập trung hơn trong lúc làm việc. Tất nhiên, không phải tất cả các loại âm nhạc đều hữu ích. Âm nhạc nhẹ nhàng và nhạc cổ điển không quá sôi động là thích hợp nhất với tôi. Âm nhạc cổ điển có tác dụng nuôi dưỡng bộ não đến mức chúng ta còn đặt tên là “Hiệu ứng Mozart.”
Mặc dù vậy, tôi có cảm giác nhiều người đang dùng âm nhạc cho mục đích tiêu cực hơn là tích cực. Tôi cũng vậy khi còn là thiếu niên. Nếu tâm trạng không tốt, tôi sẽ bật nhạc ‘giận dữ’ và để bản thân nổi cơn thịnh nộ. Đặc biệt là thời nay, nhạc buồn và giận dữ, nhạc khơi dậy cảm giác tự cao hoặc ham muốn khá là thịnh hành.
Điều đó có thể gây ra vấn đề.
Các nhà nghiên cứu phát hiện các loại nhạc khác nhau có thể có tác dụng khác nhau. Một nghiên cứu nhỏ năm 2007 cho thấy âm nhạc cổ điển có thể làm dịu sự lo lắng, tức giận và căng thẳng, trong khi thể loại nhạc rock như heavy metal thì không thể. Tôi nhận thấy âm nhạc cũng giống như thực phẩm, một số bản nhạc có tác dụng nuôi dưỡng, nhưng những bản nhạc khác có thể để lại những rắc rối cho chúng ta.
Tâm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times