Vi khuẩn đường ruột tạo ra 3 chất chuyển hóa nhỏ bé nhưng đảm nhận công việc khổng lồ
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột giúp ngừa bệnh tật (Phần 5)
Trong loạt bài “Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột giúp ngăn ngừa bệnh tật” này chúng tôi sẽ chia sẻ về cách mà những phát triển mới nhất trong lĩnh vực vi sinh y học đang thay đổi phương pháp chúng ta tiếp cận với bệnh tật và đưa ra các chiến lược mới trong điều trị và dự phòng như thế nào.
Bài trước: Chứng loạn khuẩn vốn là sự mất cân bằng vi khuẩn sống bên trong chúng ta có liên quan đến một số bệnh nhưng các nhà khoa học vẫn đang gặp khó khăn trong việc xác định, chẩn đoán và điều trị.
Khoa học hiện nay cho rằng, một trong những vai trò quan trọng nhất của hệ vi sinh đường ruột là thực hiện một phần hóa sinh thiết yếu cung cấp acid béo chuỗi ngắn, vốn rất cần thiết cho sức khỏe và đóng những vai trò quan trọng trong cơ thể.
Acid béo chuỗi ngắn có tác dụng chống viêm. Có nghĩa là làm nguội ngọn lửa viêm mà cơ thể sử dụng để đốt cháy những kẻ xâm lược gây bệnh. Thật không may, phần đông con người sống trong cuộc sống hiện đại, do liên tục bị kích thích bởi căng thẳng, độc tố môi trường và thực phẩm chế biến sẵn nên chức năng của ngọn lửa này đang bị rối loạn.
Thay vì đốt cháy nhiễm trùng thì ngọn lửa viêm lại đốt cháy tâm trí và cơ thể. Do đó thiệt hại mà viêm gây ra liên quan đến gần như mọi căn bệnh hiện đại— cả tinh thần lẫn thể chất.
Điều hòa phản ứng miễn dịch chỉ là một trong những công việc mà các acid béo chuỗi ngắn làm cho chúng ta. Ngoài ra, acid béo chuỗi ngắn còn ngăn ngừa và điều chỉnh một số bệnh, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, bệnh gan, béo phì, ung thư, rối loạn tâm thần, viêm khớp, bệnh thoái hóa thần kinh, rối loạn đường ruột, bệnh nha chu, v.v…
Để làm việc hiệu quả, các acid béo chuỗi ngắn cần được cho ăn một cách hợp lý.
Hãy ăn chất xơ thực vật và men vi sinh
Cơ thể cần chất xơ thực vật để duy trì và nuôi dưỡng hệ vi sinh vật khỏe mạnh, có thể sản xuất nhiều acid béo chuỗi ngắn và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
Sau một đợt điều trị bằng kháng sinh, chúng ta cần bổ sung hệ vi sinh vật mới vào đường ruột bằng cách uống men vi sinh, hoặc ăn thực phẩm lên men.
Nuôi dưỡng tốt lợi khuẩn đường ruột dẫn đến sự khác biệt về sức khỏe.
Nếu chúng ta ăn quá nhiều đường, quá nhiều muối, thực phẩm “siêu chế biến,” chất bảo quản tổng hợp hóa học, màu và hương vị nhân tạo, thì hệ vi sinh vật có thể bị đầu độc. Sau đó, chúng sẽ không hợp tác và hoạt động như bình thường nữa, vi khuẩn có hại có thể phát triển và toàn bộ hệ sinh thái bị phá vỡ. Chứng viêm sẽ tăng lên.
Vai trò của acid béo chuỗi ngắn
Vi khuẩn chuyển hóa chất xơ thực vật thông qua quá trình lên men và tạo ra các chất chuyển hóa. Ba chất chuyển hóa chính là các acid béo chuỗi ngắn là acetate, butyrate và propionate.
Bộ ba này gián tiếp làm giảm cảm giác thèm ăn, hạn chế lượng thực phẩm ăn vào, điều chỉnh lượng đường trong máu. Acetate là acid béo chuỗi ngắn phong phú nhất giúp nuôi dưỡng sự phát triển của các vi khuẩn có lợi khác và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa tế bào, độ nhạy insulin và kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Cảm giác đói và quá trình tiêu hóa trở nên xấu đi khi không có các vi khuẩn sản xuất đủ các acid béo chuỗi ngắn. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng bệnh béo phì có liên quan đến mức thấp acid béo chuỗi ngắn, được coi là dấu hiệu sinh học của một hệ vi sinh vật khỏe mạnh.
Acid béo chuỗi ngắn còn được phát hiện có tác dụng điều chỉnh khả năng miễn dịch, cũng như bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tiểu đường, ung thư, bệnh tim mạch, rối loạn thận và tình trạng thoái hóa thần kinh.
Acid béo chuỗi ngắn thậm chí có thể đóng vai trò trong sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh. Trong một nghiên cứu được công bố trên tập san Những giao tiếp Thiên Nhiên (Nature Communications) năm 2015, các acid béo chuỗi ngắn được đo ở phụ nữ mang thai và sau đó so sánh với số lần khám cho trẻ sơ sinh vì ho và thở khò khè trong năm đầu đời.
Theo nghiên cứu: “Nồng độ acetate trong huyết thanh cao hơn đáng kể, không phải propionate hoặc butyrate, có liên quan đáng kể đến việc ít gặp các vấn đề về hô hấp hơn ở trẻ sơ sinh.”
Nói chung, chỗ nào sản xuất acid béo chuỗi ngắn ít thì chỗ đó bệnh tật sẽ phát triển nhiều.
Hãy ăn nhiều chất xơ để có thêm nhiều acid béo chuỗi ngắn
Cách quan trọng nhất để tạo ra đủ acid béo chuỗi ngắn là ăn đủ chất xơ.
Bữa ăn Tây phương có vấn đề vì chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và ít chất xơ. Theo đánh giá năm 2019 trên Tập san The Lancet thì đa số mọi người trên thế giới tiêu thụ ít hơn 20g chất xơ mỗi ngày. Bài báo cho biết 25g đến 29g chất xơ mỗi ngày là đủ, trong khi hơn 30g mỗi ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nữa.
Chất xơ cũng làm tăng tốc độ vận chuyển thức ăn trong đại tràng và giảm độ pH, vốn là phép đo độ acid so với độ kiềm. Độ pH trong ruột thấp hơn là lý tưởng hơn vì sẽ ức chế sự phát triển của mầm bệnh và tăng sản xuất acid béo chuỗi ngắn.
Thêm chất xơ vào khẩu phần ăn có rất nhiều lợi ích, nhưng chúng ta cần lưu ý thay đổi dần dần khi chuyển sang bữa ăn có nhiều chất xơ.
Đặc điểm của loại lợi khuẩn hàng đầu
Vi khuẩn Faecalibacterium prausnitzii chiếm từ 5 đến 15% tổng số vi sinh vật của hầu hết mọi người. Vi khuẩn này là nhà sản xuất acid béo chuỗi ngắn butyrate, có vai trò vô cùng quan trọng giúp điều chỉnh hệ miễn dịch bằng các hợp chất chống viêm mạnh.
Butyrate cung cấp năng lượng cho tế bào ruột, làm giảm viêm đường tiêu hóa, ổn định tính thấm của ruột, trợ giúp sản xuất chất nhầy lành mạnh cho niêm mạc ruột và cải thiện nhu động ruột. Ngoài ra, butyrate cũng đóng một vai trò trong việc điều chỉnh tâm trạng và độ nhạy insulin, cũng như có tác dụng chống ung thư.
Sự suy giảm số lượng vi khuẩn F. prausnitzii có liên quan đến các bệnh tự miễn như bệnh celiac, bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng), viêm loét đại tràng, bệnh vẩy nến, cũng như các bệnh mạn tính như tiểu đường loại 2, ung thư đại tràng và hội chứng ruột kích thích.
Thật không may là hiện tại không có loại men vi sinh nào có chứa F. prausnitzii. Tuy nhiên, chúng ta có thể tăng lượng vi khuẩn này lên bằng cách ăn thực đơn gồm nhiều loại thực phẩm prebiotic như rau lá xanh, nấm, táo và những loại có chứa polyphenol, inulin, tinh bột kháng và arabinogalactan (có trong cà rốt, củ cải, lê, cà chua và dừa).
Acid béo chuỗi ngắn và bộ não
Mối liên hệ rõ ràng giữa sự thiếu hụt hệ vi sinh vật và bệnh thần kinh cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa ruột và não. Các acid béo chuỗi ngắn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu từ ruột đến não, liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh cũng như các bệnh thoái hóa thần kinh. Trong số các bằng chứng được chỉ ra trong nghiên cứu:
- Nồng độ acid béo chuỗi ngắn trong phân thấp hơn ở bệnh nhân trầm cảm. Đặc biệt butyrate được ghi nhận tác dụng giống như thuốc chống trầm cảm.
- Trẻ em chứng rối loạn phổ tự kỷ có mức acid béo chuỗi ngắn nhất định thấp hơn và cao hơn so với nhóm đối chứng.
- Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột đóng một vai trò trong sự phát triển của chứng lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tâm thần, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng.
Tiếp theo: Các nghiên cứu mới đang minh họa sức mạnh của hệ vi sinh vật đường ruột trong việc giúp cơ thể chữa khỏi bệnh ung thư, bệnh tim, v.v…
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times