Trung tiện bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh đường tiêu hóa
Trung tiện lớn tiếng và có mùi khó chịu có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý liên quan đến đường tiêu hoá. Bấm huyệt và uống trà thảo mộc có thể giải quyết vấn đề này.
Khí trong ruột và đầy hơi là hiện tượng bình thường trong cơ thể con người, vì đây là một phần của quá trình thải độc. Mỗi ngày trung tiện trung bình từ 10 đến 20 lần được xem là bình thường.
Tuy nhiên, tại sao một số người thường trung tiện to hoặc đặc biệt nặng mùi? Khí có mùi hôi có phải là dấu hiệu cảnh báo cho những vấn đề tiềm ẩn về đường ruột?
Bác sĩ Ngô Hoành Càn từ Bệnh viện Trung Y Nghi Thăng tại Đài Loan đã đưa ra các công thức trà thảo dược và kỹ thuật bấm huyệt để loại bỏ chứng trung tiện lớn hoặc mùi hôi gây xấu hổ.
Tại sao mọi người trung tiện? Khi chúng ta ăn thực phẩm có carbohydrate và protein, hệ vi sinh vật đường ruột sẽ tương tác với hai chất này để tạo ra nhiều loại khí như nitrogen, hydrogen, carbon dioxide, methane, và oxygen. Khi ruột co bóp và nhẹ nhàng chuyển động, những khí này sẽ được đẩy về phía trực tràng và cuối cùng bị thải ra ngoài qua hậu môn, hiện tượng này được gọi là đánh hơi (trung tiện).
Điều gì gây ra chứng trung tiện quá mức?
Mặc dù trung tiện hàng chục lần mỗi ngày là bình thường, nhưng một số người trung tiện nhiều hơn. Dưới đây là sáu nguyên nhân:
- Nói trong khi ăn.
- Thở bằng miệng. Mục 1 và 2 đều do miệng đóng mở khiến cơ thể tiếp nhận quá nhiều khí.
- Uống quá nhiều đồ uống có gas.
- Ăn thực phẩm tạo nhiều khí. Ví dụ, nếu ăn quá nhiều khoai lang, bạn sẽ bị đầy hơi. Ăn quá nhiều carbohydrate như ngũ cốc, rau, hành, và tỏi, sẽ khiến ruột tạo ra nhiều khí hơn khi phân hủy đường.
- Không dung nạp lactose (đường sữa). Đối với những người này, ruột non không thể hoàn toàn tiêu hóa lactose. Lactose chưa phân giải đi vào đại tràng, tương tác với vi khuẩn trong đại tràng để tạo ra chất khí. Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 68% dân số thế giới bị kém hấp thu lactose. Người càng lớn tuổi càng có nhiều khả năng phát triển chứng không dung nạp đường lactose. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người già dễ bị ợ hơi, chướng bụng và đầy hơi.
- Thiếu acid dạ dày có thể dẫn đến tiêu hóa kém. Thức ăn không được tiêu hóa đầy đủ trong dạ dày sẽ di chuyển đến ruột non, ruột già và tương tác với vi khuẩn đường ruột, dẫn đến tạo ra quá nhiều khí.
Trung y giải quyết chứng đầy hơi khó chịu như thế nào?
Quan điểm của Trung y về chứng đầy hơi là gì?
Bác sĩ Ngô nói rằng đầy hơi có liên quan đến sự lưu thông khí huyết của cơ thể. Không thải được khí dẫn đến ngưng trệ, tắc nghẽn khí trong cơ thể. Mặt khác, khí dư thừa quá nhiều, bất kể có mùi hôi hay không, là dấu hiệu cho thấy có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Trung y phân loại những trạng thái như vậy thành hai loại.
Tỳ vị hư hàn
Trung y phân loại tình trạng đầy hơi liên tục không có mùi nặng là triệu chứng của khí trong dạ dày yếu và lạnh. Thể chất hàn có thể gây ra tình trạng đầy hơi này. Cũng có thể do ăn quá nhiều đồ lạnh, như đồ uống có đá, rau và trái cây có tính hàn.
Thể chất táo nhiệt
Loại đầy hơi còn lại có đặc trưng là mùi hôi và kèm theo tình trạng cơ thể khô và nóng. Điều này có thể là do thể chất khô nhiệt di truyền hoặc ăn quá nhiều đồ chiên, nướng, cay, trong Trung y gọi là “cao lương đậm vị”. Theo Trung y, “cao lương” biểu thị tinh bột tinh chế, còn “đậm vị” dùng để chỉ thực phẩm dồi dào chất béo hoặc protein.
Chứng trung tiện to và có mùi có thể là do protein chưa tiêu hóa được lên men trong ruột, tạo ra các chất khí như hydrogen sulfide và ammonia. Đặc biệt là khi chức năng tiêu hóa của dạ dày kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn tác động lên protein. Ngoài ra, đường ruột không khỏe mạnh cũng có thể góp phần gây ra vấn đề này. Do đó, để ngăn ngừa chứng đầy hơi khó chịu, cần ưu tiên sức khỏe đường tiêu hóa. Bằng cách cải thiện chức năng tiêu hóa và kích hoạt đường ruột khỏe mạnh, bạn có thể tránh được vấn đề đầy hơi khó chịu.
Cẩn trọng với khối u trong ruột
Bác sĩ Ngô nói rằng đầy hơi có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn. Ví dụ, nếu đường tiêu hóa bị nhiễm trùng, loét, viêm hoặc chứa khối u, khi trung tiện có thể phóng thích mùi khó chịu, đặc biệt là khí thải có mùi hăng, gây ngột ngạt. Do đó, nếu trung tiện có mùi khó chịu kéo dài, đừng bỏ qua mà hãy đi khám ngay.
Một số người có thể thắc mắc tại sao những người bị viêm, loét hoặc khối u trong ruột lại không cảm thấy đau. Bác sĩ Ngô cho biết một số vùng của các cơ quan nội tạng thiếu các thụ thể cảm giác đau và một vài người có khả năng chịu đựng tốt, có thể khiến họ bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo của bệnh tật.
Cải thiện cuộc sống hàng ngày của bạn
Bạn có thể cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa theo nhiều cách. Thảo dược Trung y thường được dùng để làm ấm dạ dày và ruột cho những người có thể chất hàn và thường trung tiện to. An Trung Tán (chứa Hồi hương và củ riềng) là phương thuốc thảo dược thường được sử dụng. Ngoài ra, người ta có thể kết hợp những lát gừng hoặc gừng thái nhỏ vào món ăn hàng ngày để tạo tác dụng làm ấm dạ dày, giải quyết vấn đề đầy hơi.
Những người có thể trạng táo nhiệt có thể sử dụng các thảo mộc Trung Hoa như Thanh Vị Tán (chứa Địa hoàng và Hoàng liên) để giảm nhiệt. Ngoài ra, kết hợp các loại trái cây và rau củ có màu sắc rực rỡ vào bữa ăn hàng ngày có thể bổ sung dinh dưỡng. Những thực phẩm này chứa rất nhiều chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do có hại và các chất gây viêm ra khỏi ruột.
Bác sĩ Ngô đã đề cập rằng thuyết ngũ hành của Trung y có câu, “Can mộc khắc tỳ thổ.” Điều này ngụ ý rằng chức năng của đường tiêu hóa chịu ảnh hưởng bởi chức năng gan, trong khi cảm xúc lại ảnh hưởng đến gan. Nói cách khác, cảm xúc ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ruột và dạ dày. Người ta thường bị đau dạ dày khi thi cử, đây là ví dụ điển hình của “Can mộc khắc tỳ thổ.”
Bác sĩ Ngô cho biết ấn vào huyệt vùng tai là phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giảm bớt căng thẳng. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng hoặc choáng ngợp, có thể hít thở sâu đồng thời chạm nhẹ vào tai để giảm căng thẳng. Kỹ thuật này có hiệu quả vì tai tập trung dày đặc các dây thần kinh tương tác với dây thần kinh phế vị, khi được kích thích có thể chữa lành dạ dày và ruột, giảm co thắt ruột.
Trà giúp giảm đầy hơi
Đối với người có thể trạng hư hàn và trung tiện không ngừng, bác sĩ Ngô khuyến nghị nên uống trà:
Thảo dược: 15g (0.53 ounce) vỏ quýt, 3g (0.10 ounce) lá Trắc bách diệp, 3g (0.10 ounce) thân rễ Thương truật, 3g (0.10 ounce) gừng tươi, 3g (0.10 ounce) rễ Mộc hương.
Tác dụng: vỏ quýt và lá Trắc bách diệp có tác dụng điều khí, còn thân rễ Thương truật, gừng tươi, và rễ Mộc hương có tác dụng làm ấm dạ dày. Những thảo mộc này đều chứa các loại dầu dễ bay hơi trợ giúp nhu động ruột.
Đối với những người có thể trạng táo nhiệt, bác sĩ Ngô khuyên dùng loại trà sau:
Thảo dược: 6g (0.21 ounces) bồ công anh, 15g (0.53 ounces) vỏ quýt, 3g (0.10 ounces) lá Trắc bách diệp, 3g (0.10 ounces) rễ Mộc hương, 3g (0.10 ounces) thân rễ Thương truật.
Tác dụng: Bồ công anh có thể thanh nhiệt ruột và dạ dày, điều trị chứng viêm và chất nhầy nhiều. Vỏ quýt và lá Trắc bách diệp có tác dụng điều khí, còn thân rễ Thương truật và rễ Mộc hương có tác dụng làm ấm dạ dày và thanh nhiệt cơ thể.
2 kỹ thuật kích thích nhu động ruột
Bác sĩ Ngô khuyến nghị 2 kỹ thuật xoa bóp để kích thích nhu động ruột và cải thiện tiêu hóa.
Phương pháp xoa bóp theo chiều kim đồng hồ
Phía bên phải, trên, trái của rốn lần lượt là đại tràng lên, đại tràng ngang, và đại tràng xuống. Từ giữa rốn xoa bóp dần theo chiều kim đồng hồ từ vòng tròn nhỏ đến vòng tròn lớn. Có thể thêm một ít dầu massage để dễ xoa bóp hơn. Tiếp tục xoa bóp cho đến khi cảm thấy bụng ấm lên.
Xoa bóp các huyệt trên đường kinh vị
Đường Kinh Vị (dạ dày) đi qua bờ trước cơ bắp chân. Vùng này chứa một số huyệt đạo quan trọng, bao gồm Túc tam lý (ST 36), Thượng cự hư (ST 37), Điều khẩu (ST 38), Hạ cự hư (ST 39), Phong long (ST 40).
Xoa bóp vùng này bằng tinh dầu từ trên xuống dưới có tác dụng kích thích nhu động ruột, trợ giúp tiêu hóa, tống khí ra ngoài. Một phương pháp hiệu quả khác là vỗ hoặc xoa bóp bắp chân.
Để tăng khả năng tiêu hóa, bạn có thể ngâm chân và bắp chân trong nước ấm. Ngâm chân và bắp chân hoàn toàn trong nước ở nhiệt độ khoảng 104 đến 107.6 độ F (40 đến 42 độ C) trong 15 phút mỗi ngày có thể giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
*Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc nhưng thường được bán ở các siêu thị Á Châu.
Lưu ý: Vì thể trạng của mỗi người khác nhau, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia Trung y.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times