Vi chất dinh dưỡng chống lại bệnh Alzheimer, Parkinson, Lou Gehrig
Khám phá các chất dinh dưỡng thiết yếu giúp bảo vệ trí óc.
Hay quên và run tay từng được xem là dấu hiệu điển hình của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, hiện nay các bệnh thoái hóa não như Alzheimer và Parkinson đang tăng vọt trên toàn cầu và ảnh hưởng đến những người trẻ như 40 tuổi. Các chuyên gia cảnh báo rằng thiếu hụt dinh dưỡng âm thầm có thể gây ra những triệu chứng này, đồng thời cướp đi trí nhớ và khả năng vận động của bạn.
Theo nghiên cứu gần đây, không nhận đủ một số vitamin và khoáng chất thiết yếu làm tăng đáng kể nguy cơ bị các bệnh thần kinh này.
Hiểu rõ những chất dinh dưỡng nào quan trọng nhất giúp bảo vệ bộ não là vô cùng cần thiết khi hơn 2 tỷ người trên toàn cầu bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Theo Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia, người Mỹ thường xuyên không hấp thụ không đủ chất dinh dưỡng. Người Mỹ thường nhận đủ các chất dinh dưỡng đa lượng (carbohydrates, protein và chất béo) nhưng nhận quá ít vi chất (vitamin và khoáng chất.)
Thiếu hụt vi chất và bệnh não
Các vi chất cung cấp các thành phần quan trọng cho các chất dẫn truyền thần kinh, cho phép bộ não sản xuất và truyền tín hiệu.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tập san Nutrients (Dinh dưỡng), tiêu thụ đủ vi chất giúp ngăn chặn và điều trị các bệnh thần kinh.
Các tác giả nghiên cứu đã viết, “Thiếu hụt vi chất góp phần gây ra những thay đổi bệnh lý trong quá trình phát triển của hệ thần kinh và dẫn đến sự phát triển của các bệnh lý thần kinh (tổn thương thần kinh) do dinh dưỡng.”
Tiêu thụ đầy đủ vi chất dinh dưỡng giúp phòng ngừa Alzheimer
Các nhà nghiên cứu đã xác định một số vi chất có thể giúp ngăn chặn bệnh Alzheimer:
- Khoáng manganese, cần thiết cho việc sử dụng chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine giúp truyền tín hiệu từ bộ não đến các tế bào khắp cơ thể.
- Các khoáng chất selenium, đồng và kẽm, giúp giảm nồng độ homocysteine tăng cao. Hômcystein một amino acid liên quan đến suy giảm nhận thức. Mức homocysteine cao có thể gây ra tổn thương mạch máu, giảm lưu lượng máu đến não và tăng khả năng bị các rối loạn thoái hóa thần kinh.
- Theo nghiên cứu, vitamin A, B, C, D và E, giúp ngăn chặn nồng độ homocysteine cao.
Vai trò của vi chất trong quản lý bệnh Parkinson
Theo nghiên cứu, thiếu hụt vi chất có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh Parkinson.
Ví dụ, mức vitamin B6 thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân Parkinson suy giảm khứu giác có lượng vitamin B1 và folate trong thực đơn ăn uống thấp khoảng hai năm trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Vitamin D và E đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa Parkinson. Vitamin D quan trọng bởi vì thiếu hụt vitamin D dẫn đến cái chết của các tế bào thần kinh sản xuất dopamine. Theo nghiên cứu của Tập san Nutrients (Dinh dưỡng), tiêu thụ nhiều vitamin E làm giảm xuất hiện của bệnh Parkinson.
Phòng ngừa bệnh ALS và MS nhờ dinh dưỡng hợp lý
Hội chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS), còn gọi là bệnh Lou Gehrig, ảnh hưởng đến cột sống và bộ não, gây mất dần khả năng kiểm soát cơ bắp. Hiện tại chưa có phương pháp chữa trị cho tình trạng gây tử vong này.
Theo kết quả nghiên cứu, vitamin D và E đem lại lợi ích cho bệnh nhân, thiếu hụt vitamin D là yếu tố dự báo sự phát triển của ALS.
Theo các nhà nghiên cứu, bệnh đa xơ cứng (MS), một bệnh khác của hệ thần kinh trung ương có khả năng gây tàn tật, cũng liên quan đến thiếu hụt vitamin D. Báo cáo cho thấy rằng MS xuất hiện hay không phụ thuộc vào lượng phơi nắng nhiều hay ít, và hấp thụ đủ vitamin D giúp giảm nguy cơ bị bệnh. Nguy cơ bị bệnh giảm có thể do ảnh hưởng của vitamin D đối với phản ứng miễn dịch, vì MS liên quan đến phản ứng tự miễn nhắm vào hệ thần kinh.
Làm cách nào bạn biết mình nhận đủ vi chất
Cô Alisa Trairatana, một chuyên gia dinh dưỡng đăng ký tại Bệnh viện Đại học Staten Island Northwell ở New York, chia sẻ với The Epoch Times rằng mặc dù chỉ tiêu thụ lượng nhỏ, những vi chất như vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sức khỏe tối ưu. Cô nói thêm, thiếu hụt những chất dinh dưỡng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe trầm trọng.
Cô nói “[Bạn hãy] cố gắng ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám, ngũ cốc và bổ sung thêm thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng [như] cá hồi, trái cây, rau củ, trứng, đậu, thịt, [và] ngũ cốc nguyên cám.”
Cô khuyên rằng nên bổ sung chất béo lành mạnh, protein và chất xơ vào bữa ăn. Cô nói thêm, “Tôi luôn thích thêm [các loại thực phẩm] nhiều màu sắc vào bữa ăn của mình, vì chúng ta cũng ăn bằng mắt. Hãy nghĩ: Màu sắc trên đĩa ăn càng nhiều, số lượng các chất dinh dưỡng càng phong phú.”
Dùng các chất bổ sung cũng là một cách khác để tăng mức độ vi chất, nhưng có thể không cần thiết nếu bạn ăn đúng loại thực phẩm. Hấp thụ chất dinh dưỡng vi lượng từ thực phẩm cũng giúp bảo đảm sự cân bằng; nếu bổ sung một số vitamin hoặc khoáng chất nhiều hơn so với các loại khác đôi khi có thể sản sinh hiệu ứng không mong muốn hoặc làm suy giảm một số chất dinh dưỡng khác.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times.