Ung thư là án tử hay là thử thách? Thay đổi tư duy giúp chống ung thư hiệu quả
Suy nghĩ của bạn có thể có tác động đáng kể đến việc phòng ngừa và phục hồi ung thư
Câu chuyện về bệnh nhân Saranne Rothberg
Năm 1993, người mẹ Rothberg mới sinh con phải đối mặt với cuộc hôn nhân căng thẳng và phải đối phó với bệnh tật của một số thành viên thân thiết trong gia đình trong khi vẫn duy trì lịch trình làm việc bận rộn với tư cách là nhà tư vấn truyền hình. Cô cũng bị nhiễm trùng vú, mà sau này cô mới biết đó là một khối u vú ác tính. Cuối cùng khi được chẩn đoán vào năm 1999, căn bệnh ung thư của cô đã chuyển sang giai đoạn 4.
Vào thời điểm được chẩn đoán, Rothberg đã ly hôn, cô sống độc thân và nuôi con gái 5 tuổi, trong tình cảnh dẫn đến niềm tin sâu sắc là cô phải tiếp tục sống. Được truyền cảm hứng từ Norman Cousins, người đã sử dụng tiếng cười như một liệu pháp trị liệu, cô quyết định xem các video của danh hài Mỹ Eddie Murphy. Cô nhận thấy rằng tiếng cười có thể xua tan nỗi đau và nỗi sợ hãi trong tâm, vì vậy cô và con gái đã cam kết làm những điều vui vẻ và cười to mỗi ngày.
Giữa các cuộc phẫu thuật, xạ trị và các đợt hóa trị, Rothberg đã tìm thấy sứ mệnh của mình trong cuộc sống, đồng thời dự tính và thành lập Tổ chức Comedy Cures (Tạm dịch: Hài hước Chữa bệnh) nhằm mang lại “niềm vui, sự hài hước, góc nhìn hài hước và hy vọng” cho những bệnh nhân khác để giúp họ hồi phục. Cô cũng nhận ra rằng căn bệnh ung thư chính là hồi chuông cảnh tỉnh và quyết định làm lại cuộc đời chỉ với những giá trị tích cực như hạnh phúc và công bằng. Cô cũng trở nên tâm linh hơn.
Sau đó, cô bắt đầu trị liệu bằng thảo dược với thầy thuốc Tây Tạng nổi tiếng Yeshi Dhonden. Vị thầy này đã nói là cô “rất khỏe” trong một cuộc gặp mặt trực tiếp. Rothberg cho rằng điều này là do cô có sự lạc quan và tiếng cười. Thật may, cô cảm thấy rằng các loại thảo mộc Tây Tạng đã “đánh thức” hệ thống miễn dịch trong cơ thể, các khối u bắt đầu co lại. Năm 2001, sau khi uống thảo dược trong 18 tháng, bệnh ung thư của cô đã biến mất.
Một số người có thể nghĩ rằng chính các loại thảo mộc Tây Tạng đã giúp cô thuyên giảm ung thư, nhưng Rothberg thì không. Cô tin rằng sự hài hước đã chữa khỏi bệnh và cho cô sức mạnh để trải qua các đợt điều trị ung thư. Sau đó, cô tái hôn, có thêm hai đứa con và sống không bị ung thư cho đến nay.
Trầm cảm ảnh hưởng tiêu cực đến sự sống của bệnh nhân ung thư
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 trên Tập san Thuốc Ung Thư đã phân tích 2,263 bệnh nhân ung thư và phát hiện ra mức độ căng thẳng cũng như các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm—nói cách khác là trạng thái tinh thần—có ảnh hưởng đến sự phát triển, điều trị và khả năng sống sót qua ung thư nhiều hơn so với các yếu tố xã hội như thu nhập hộ gia đình, số con, việc làm, trình độ học vấn và môi trường sống.
Nghiên cứu này cho thấy các chỉ số chẩn đoán và điều trị hiện tại dường như tập trung nhiều vào các chỉ số sinh học như nồng độ huyết sắc tố nhưng không giải quyết được các yếu tố tâm lý hoặc kinh tế xã hội, vốn là những biến số quan trọng không thể bỏ qua khi thiết kế các kế hoạch chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Theo nghiên cứu trên, trung bình những người bị trầm cảm có khả năng sống sót ngắn hơn 42% so với những người không bị trầm cảm.
Thực tế đó cho các bác sĩ nhiều lựa chọn điều trị hơn vì bệnh nhân có thể thay đổi trạng thái tinh thần, môi trường và các yếu tố xã hội dễ dàng hơn nhiều so với các yếu tố sinh học của họ.
Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng mức độ trầm cảm mà một người bị có ảnh hưởng đến sự phát triển ung thư nhiều hơn so với tuổi của bệnh nhân. Hơn nữa, mức độ lo lắng của người ta chỉ đứng sau vị trí của ung thư trong cơ thể, xét về mức độ nghiêm trọng của ung thư.
Lối sống và tư duy: Các yếu tố nền tảng
Một báo cáo được công bố trên Tập san Ung thư Lâm Sàng đã tóm tắt các lựa chọn lối sống và tỷ lệ sống sót của 2,230 người sống sót sau ung thư vú.
Nghiên cứu này đã tìm thấy bốn lĩnh vực chính ảnh hưởng đến sức khỏe của một người, từ đó ảnh hưởng đến khả năng chống ung thư và kết quả điều trị ung thư của họ.
- Lĩnh vực đầu tiên là khỏe mạnh về thể chất
Sức khỏe thể chất bao gồm tập thể dục, giấc ngủ, mức năng lượng, mức độ khó chịu, thói quen ăn uống và hoạt động tình dục.
- Lĩnh vực thứ hai là tâm lý thoải mái
Nghĩa là bệnh nhân ung thư nên tránh cảm xúc tiêu cực, căng thẳng tâm lý hoặc hình ảnh tiêu cực về bản thân và thay vào đó tạo thói quen cải thiện chức năng nhận thức của họ.
Sức khỏe tâm lý gia tăng sẽ làm giảm nguy cơ tái phát ung thư. Cụ thể, sáu tháng sau khi chẩn đoán, người có tổng điểm chất lượng cuộc sống ở nhóm ba phân vị cao nhất có liên quan đến việc giảm 27% nguy cơ tái phát, so với người có điểm chất lượng cuộc sống ở nhóm ba phân vị thấp nhất.
- Lĩnh vực thứ ba là phúc lợi xã hội
Sự trợ giúp xã hội từ gia đình và bạn bè có thể thay đổi trạng thái tinh thần của một người, và một trong những yếu tố xã hội quan trọng nhất là các mối quan hệ cá nhân. Điều này bao gồm việc có thời gian giải trí và nghỉ ngơi với gia đình, bạn bè.
- Lĩnh vực thứ tư là sự sung túc về vật chất
Bao gồm nhà ở và tình hình tài chính, cả hai đều có thể ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng của một người.
Trong một nghiên cứu khác được công bố trên Tập san Ung thư Lâm sàng, dữ liệu được thu thập trong khoảng thời gian 7 năm từ 660 phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú từ 65 tuổi trở lên. Theo những phát hiện này, khi điểm kiểm kê sức khỏe tâm thần MHI-5 (mental health inventory-5) của bệnh nhân thấp hơn 80 thì nguy cơ chịu đựng điều trị kém tăng 136% và tỷ lệ tử vong của họ tăng 34%.
Điểm số MHI-5 là một công cụ quốc tế đáng tin cậy để đánh giá sức khỏe tâm thần ở người trưởng thành và có thể được sử dụng để phát hiện các triệu chứng trầm cảm. Điểm từ 80 trở lên được coi là có sức khỏe tinh thần tốt.
Một phân tích gộp 198 nghiên cứu, với tổng số hơn 22,000 bệnh nhân phát hiện ra rằng các can thiệp tâm lý – ung thư có thể có tác động đáng kể đến nỗi đau tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Ngược lại, nỗi đau tinh thần như trầm cảm, lo lắng và thậm chí cả các triệu chứng thể chất, cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2012, việc chăm sóc tâm lý xã hội có thể giúp ích nhiều hơn cho những người sống sót sau ung thư khi quá trình điều trị thông thường kết thúc.
Các thử nghiệm đã phát hiện ra việc quản lý căng thẳng, chẳng hạn như các bài tập thả lỏng, thiền định, giáo dục bệnh nhân về các nguyên tắc tâm lý và chia sẻ cảm xúc, cho thấy kết quả tích cực trong việc giảm trầm cảm, mệt mỏi và nỗi sợ tái phát.
‘Tư duy mục tiêu, không chỉ khối u’
Ngoài việc nhắm vào khối u, các chương trình điều trị mới đã bắt đầu nhắm vào tư duy của bệnh nhân. Đáng ngạc nhiên là việc không căng thẳng không phải là câu trả lời.
Căng thẳng là không thể tránh khỏi khi đối phó với ung thư. Có thể sử dụng căng thẳng để mang lại lợi ích cho quá trình phục hồi ung thư nếu bệnh nhân quản lý tốt, nhưng vẫn hữu ích khi giảm căng thẳng nhằm cải thiện cơ hội phục hồi của bệnh nhân ung thư.
Có nhiều cách khác nhau để giảm căng thẳng, bao gồm loại bỏ các tác nhân gây căng thẳng, tập thiền hoặc yoga, ngủ đủ giấc và tập thể dục. Về việc ngủ đủ giấc, theo Lorenzo Cohen là giáo sư ung thư tổng quát và khoa học hành vi, đồng thời là giám đốc Chương trình Y học Tích hợp tại Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas thì ngủ đủ 8 tiếng là “biện pháp tuyệt vời để chống lại căng thẳng.”
Việc xem những video thú vị và hài hước để vực dậy tâm trạng, xua tan trầm cảm và lo lắng như cô Rothenberg đã làm có thể là điểm khởi đầu tốt để giảm căng thẳng. Với cô Rothberg, hài kịch giúp cô xoa dịu nỗi lo lắng và sợ hãi, điều này giúp cô giảm căng thẳng đáng kể. Kết quả là tinh thần của cô phấn chấn hơn, cô có nhiều sức mạnh hơn để tập trung vào quá trình hồi phục và có nhiều năng lượng hơn cho những người khác với nền tảng hài hước của mình—điều này đã mang lại cho cô một sứ mệnh trong đời—và chất lượng cuộc sống nói chung của cô được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh hài kịch và tiếng cười, bạn cũng có thể thử thiền định để giảm bớt căng thẳng và phát triển một tâm trí yên bình.
Áp dụng tư duy “căng thẳng là động lực”
Còn có một cách khác để đối mặt với căng thẳng tinh thần.
Vào năm 2019, Tập san Xu Hướng Ung Thư đã xuất bản bài nghiên cứu có tiêu đề “Nhắm Vào Tư Duy, Không Chỉ Khối U.” Nghiên cứu đã chứng minh rằng mức độ căng thẳng có thể hữu ích (không phải là bất lợi) đối với những người có cách suy nghĩ “căng thẳng là động lực.”
Tư duy như vậy có thể đưa đến những thay đổi tích cực về động lực, tâm trạng và sinh lý.
Tư duy bắt đầu với những mối liên hệ cốt lõi với thế giới bên ngoài. Tư duy về cơ bản là niềm tin về thế giới, có thể đúng hoặc sai. Mỗi ngày, mọi người nhận được một lượng lớn thông tin và kích thích từ bên ngoài, và tư duy của họ giúp hiểu được thông tin, bao gồm những sự kiện và những tình huống không chắc chắn.
Ví dụ, tư duy “ung thư là thảm họa” rất có thể khiến bệnh nhân rơi vào sợ hãi, lo lắng và trầm cảm. Kết quả là, họ có thể mất hy vọng vào việc điều trị, trở nên ẩn dật và rút lui khỏi đời sống xã hội.
Do đó, tư duy ảnh hưởng đến sự chú ý, ghi nhớ, động lực và cảm xúc trong các quá trình này.
Thay đổi quan điểm của một người từ coi ung thư là thảm họa sang coi ung thư như một cơ hội có thể ảnh hưởng sâu sắc đến việc điều trị và thuyên giảm ung thư.
Bạn có thể trang bị tốt hơn cho cơ thể để chống lại ung thư và cho phép một người tự tin hơn khi làm điều đó bằng cách áp dụng cách suy nghĩ “căng thẳng là động lực.”
Tư duy “ung thư là cơ hội” có thể giúp bạn tập trung vào việc cơ thể bạn chống lại ung thư tốt hơn là vào các triệu chứng, vào tác dụng phụ của điều trị hoặc vào các khía cạnh tiêu cực khác của ung thư. Điều đó cũng có khả năng thúc đẩy bạn tham gia vào các hoạt động nâng cao sức khỏe thể chất và điều trị hiệu quả một cách tiềm năng.
Các phương pháp can thiệp tâm lý xã hội hiện có để điều trị ung thư bao gồm giảm căng thẳng dựa trên tĩnh lặng, liệu pháp hành vi nhận thức và giáo dục tâm lý. Tuy nhiên, những can thiệp này có thể tốn kém và mất thời gian.
Các tác giả của nghiên cứu đã đề xuất các phương pháp can thiệp tư duy đúng lúc và tương đối ngắn, sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian hơn. Các cách để giúp bệnh nhân phát triển cách suy nghĩ “căng thẳng là động lực” bao gồm việc sử dụng các bộ công cụ kỹ thuật số và mô-đun trực tuyến có chứa các phương pháp can thiệp như vậy, đồng thời tham gia các buổi trò chuyện với những hình mẫu đã sống sót sau ung thư để giúp thay đổi tư duy bằng cách chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu ung thư của chính họ.
Hơn nữa, các tác giả cũng đề xuất các nhóm chăm sóc bệnh nhân nên được đào tạo để xác định những suy nghĩ tiêu cực hoặc không phù hợp với điều trị ung thư.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times