Trẻ được sinh ra từ người mẹ bị bệnh COVID-19 trong thai kỳ có nguy cơ chậm phát triển gấp 10 lần

Một nghiên cứu gần đây cho thấy thai nhi tiếp xúc với COVID-19 khi vẫn còn trong bụng mẹ đạt điểm thấp hơn trong  giao tiếp, vận động thô, vận động tinh, giải quyết vấn đề và cá nhân-xã hội.

Theo một nghiên cứu mới, trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng hoặc nguy kịch khi mang thai có nguy cơ bị chậm phát triển thần kinh cao gấp 10 lần trong ba năm đầu đời.

Nghiên cứu được công bố gần đây trên tập san Nature cho thấy rằng thai nhi tiếp xúc với COVID-19 khi vẫn còn trong tử cung có kết quả kém hơn trong các lĩnh vực giao tiếp, vận động thô, vận động tinh, giải quyết vấn đề và cá nhân-xã hội, trong đó sự phát triển về ngôn ngữ là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu đã đánh giá các đứa trẻ được sinh ra từ mẹ bị nhiễm SARS-CoV-2 trong thời kỳ mang thai và so sánh kết quả phát triển thần kinh với những đứa trẻ không bị phơi nhiễm được sinh ra trước đại dịch; Mẫu nghiên cứu được thu thập ở hai thành phố là Los Angeles và Rio De Janeiro, Brazil.

Xét nghiệm phát triển thần kinh được thực hiện trên 300 trẻ em thuộc hai nhóm: 172 trẻ từ 5 đến 30 tháng tuổi tiếp xúc với COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 12 năm 2022 và 128 trẻ từ 6 đến 38 tháng tuổi trong nhóm đối chứng không tiếp xúc.

Trong số 172 trẻ bị phơi nhiễm với COVID-19 khi còn trong tử cung, 128 trẻ đã hoàn thành các bài đánh giá Thang đo phát triển trẻ sơ sinh và Trẻ nhỏ Bayley (Bayley-III), 44 trẻ đã hoàn thành “Bảng câu hỏi về độ tuổi và giai đoạn” (ASQ-3) và 36 trẻ đã hoàn thành cả hai bài đánh giá.

Đánh giá Bayley-III xem xét năm lĩnh vực phát triển chính như nhận thức, ngôn ngữ, cảm xúc xã hội, vận động và hành vi thích ứng. ASQ là một công cụ sàng lọc được các bác sĩ và nhà giáo dục sử dụng để giúp xác định tình trạng chậm phát triển (DD) và sự tiến bộ ở trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi dựa trên thông tin khảo sát do cha mẹ cung cấp. Trong số 172 trẻ em bị phơi nhiễm, 97 trẻ được sinh ra từ các bà mẹ ở Los Angeles và 75 trẻ đến từ Brazil.

Theo nghiên cứu, 12 trong số 128 trẻ em (9,4%) trong nhóm tiếp xúc với COVID-19 bị chậm phát triển so với chỉ 2 trong số 128 trẻ em (1,6%) trong nhóm được sinh ra trước đại dịch ở cùng một môi trường— “một phát hiện có ý nghĩa thống kê.” Trong số 44 trẻ tiếp xúc với COVID-19 đã hoàn thành cả hai bài đánh giá, 8 trẻ bị chậm phát triển.

Hơn nữa, trẻ em Brazil có nhiều khả năng bị chậm phát triển hơn trẻ em sinh ra từ các bà mẹ ở Mỹ. Theo nghiên cứu, 12% trẻ em từ 6 đến 8 tháng tuổi bị chậm phát triển so với 2,6% những trẻ trong nhóm đối chứng. Ở nhóm Hoa Kỳ, 5,7% trẻ em bị phơi nhiễm bị chậm phát triển so với không có trẻ nào trong nhóm đối chứng.

Các tác giả của bài báo viết: “Khi tính đến cả hai công cụ đánh giá (Bayley-III và ASQ-3), 12% trong số 172 trẻ em bị phơi nhiễm ở cả hai nhóm (LA và Rio) đều mắc DD.” Các tác giả nói thêm rằng ở những quần thể đối chứng khỏe mạnh, mức độ chậm phát triển này “khá hiếm gặp”.

Các yếu tố gây ra sự khác biệt

Theo nghiên cứu, có sự khác biệt đáng kể giữa những người tham gia ở Mỹ và Brazil. Các bà mẹ ở Hoa Kỳ thường lớn tuổi hơn và có nguồn gốc chủng tộc/sắc tộc đa dạng. Họ cũng có tần suất mắc các bệnh đi kèm cao hơn.

Các bà mẹ Brazil hầu hết là người da đen hoặc có nguồn gốc chủng tộc/dân tộc hỗn hợp và tất cả những người tham gia đều được chính phủ tài trợ chăm sóc sức khỏe.

Đáng chú ý, 30.4% bà mẹ ở Hoa Kỳ đã được chích ngừa COVID-19 trước khi nhiễm bệnh, trong khi các bà mẹ ở Brazil không được chích ngừa trước khi nhiễm bệnh. Hơn nữa, 8.8% bà mẹ ở Hoa Kỳ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng so với 34.6% bà mẹ ở Brazil.

Ngoài sự khác biệt về nhân khẩu học, các tác giả lưu ý rằng sinh non là một yếu tố có nguy cơ gây chậm phát triển. Tuy nhiên, sinh non và nhẹ cân phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ có triệu chứng của COVID-19.

Cuối cùng, kết quả nghiên cứu cho thấy sự phát triển ngôn ngữ là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất ở những trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm, nhưng vẫn còn sự tranh cãi đáng kể về việc liệu điều này là do phơi nhiễm COVID-19 trong tử cung hay do các biện pháp đại dịch như phong tỏa, thiếu tương tác giữa cha mẹ, sự trầm cảm của cha mẹ và khẩu trang.

Các tác giả cho biết bối cảnh đại dịch có thể giải thích cho kết quả đánh giá dưới mức trung bình, nhưng một số điểm tương quan với tình trạng chậm phát triển nghiêm trọng cần được điều tra thêm.

Các nghiên cứu đề xuất các yếu tố khác có thể có liên quan

Tác động lâu dài đến sự phát triển thần kinh đối với trẻ sinh ra từ những phụ nữ bị nhiễm SARS-CoV-2 khi mang thai vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng dữ liệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm bệnh ở mẹ và liệu việc bị phơi nhiễm xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất, thứ hai hay thứ ba có thể quyết định liệu trẻ sơ sinh có dễ bị chậm phát triển hay không.

Ví dụ, một nghiên cứu vào tháng 04/2023 trên JAMA Network Open trên 407 trẻ em không tìm thấy mối liên quan nào giữa việc người mẹ bị mắc SARS-CoV-2 trong giai đoạn mang thai với sự phát triển thần kinh của trẻ sơ sinh từ 5 đến 11 tháng tuổi. Các tác giả kết luận rằng việc nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ hoặc không có triệu chứng trong thai kỳ không ảnh hưởng đến nhận thức, ngôn ngữ hoặc sự phát triển vận động của trẻ sơ sinh.

Trong một nghiên cứu thuần tập tương lai vào tháng 5 năm 2022 được công bố trên BMC Pediatrics, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tình trạng phát triển thần kinh của 298 trẻ từ 10 đến 12 tháng được sinh ra từ những phụ nữ bị nhiễm SARS-CoV-2 trong thời kỳ mang thai bằng cách sử dụng ASQ-3.

Họ đã phát hiện ra rằng kết quả vấn đề về phát triển thần kinh phổ biến hơn ở những trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm trùng trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Hơn nữa, những trẻ sơ sinh có biểu hiện chậm phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong tam cá nguyệt mà người mẹ bị nhiễm SARS-CoV-2 và không bị ảnh hưởng bởi tuổi của mẹ, trình độ học vấn của cha mẹ hoặc mức độ nghiêm trọng của COVID-19.

Một nghiên cứu vào tháng 01/2022 được công bố trên JAMA Pediatrics cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về kết quả phát triển thần kinh lúc 6 tháng tuổi giữa những đứa trẻ tiếp xúc với COVID-19 khi vẫn còn trong tử cung và những trẻ không bị phơi nhiễm, bất kể thời gian hoặc mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.

Thay vào đó, họ phát hiện ra rằng tất cả trẻ sơ sinh được sinh ra từ tháng 03/2020 đến tháng 12/2020 đều có điểm vận động thô, vận động tinh cũng như điểm cá nhân và xã hội “thấp hơn đáng kể” so với những trẻ sinh ra trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Các tác giả của bài báo kết luận, “Những phát hiện này cho thấy rằng việc sinh con trong đại dịch COVID-19 có liên quan đến sự khác biệt trong sự phát triển thần kinh ở 6 tháng tuổi chứ không phải do việc người mẹ bị nhiễm SARS-CoV-2.”

Nam Khanh biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Megan Redshaw
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Megan Redshaw là một luật sư và nhà báo điều tra có nền tảng về khoa học chính trị. Cô cũng là người áp dụng liệu pháp tự nhiên truyền thống với các chứng chỉ bổ sung về khoa học dinh dưỡng và thể dục.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn