Trái lựu có thể giúp hạ đường huyết?

Chứa đầy những hạt màu đỏ như những viên ruby mọng nước, lựu là một loại trái cây theo mùa dễ ăn với nhiều lợi ích sức khỏe đã được chứng minh.

Bạn không phải là người duy nhất lo lắng về việc tăng đường huyết đột biến. Nhiều người tránh ăn trái cây vì sợ tăng đường huyết. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy rằng trái lựu có thể là ngoại lệ với khả năng làm giảm các chỉ số thể hiện nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu: Những cải thiện nhỏ về mức đường huyết

Trái lựu có thể không xuất hiện đầu tiên khi bạn nghĩ đến việc chống lại bệnh tiểu đường, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy trái lựu xứng đáng có một vị trí trong thực đơn của bạn. Theo một nghiên cứu và đánh giá lâm sàng được công bố trên Diabetes and Metabolic Syndrome (Tập san Bệnh tiểu đường và Hội chứng Chuyển hóa): Trái lựu có thể tạo ra sự khác biệt trong việc kiểm soát đường huyết.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện gần 2,000 nghiên cứu, tập trung vào 32 thử nghiệm chất lượng cao, để hiểu mức độ ảnh hưởng trái lựu đến việc kiểm soát đường huyết. Các kết quả chỉ ra rằng ăn trái lựu có thể đem lại những cải thiện nhỏ nhưng có ý nghĩa thống kê ở một vài phép đo quan trọng về đường huyết.

Kết quả tổng hợp cho thấy những người thêm trái lựu vào khẩu phần ăn uống đã giảm mức đường huyết lúc đói khoảng 2mg/dL. Điều này cho thấy trái lựu giúp kiểm soát đường huyết hàng ngày.

Lợi ích của trái lựu không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát đường huyết. Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận mức insulin, một chất giúp điều chỉnh đường huyết, đã giảm nhẹ. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy HbA1C – chỉ số về kiểm soát đường huyết lâu dài – giảm thêm 0.22%. Cuối cùng, đánh giá mô hình cân bằng nội môi về tình trạng kháng insulin, một đánh giá giúp đo lường tình trạng kháng insulin, đã giảm 0.3 điểm.

Nghiên cứu trước đây về trái lựu và bệnh tiểu đường

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy trái lựu ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường như thế nào. Một đánh giá trong năm 2013 tập trung vào tác động của các bộ phận của trái lựu – vỏ, hoa và hạt – đối với các chỉ số chính của bệnh tiểu đường. Kết quả cho thấy những hiểu biết sâu sắc từ cả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng.

Nghiên cứu cho thấy rằng: “Một cơ chế quan trọng để các thành phần của trái lựu tạo ra ảnh hưởng đến tình trạng bệnh tiểu đường loại 2 là giảm căng thẳng oxy hóa và peroxy hóa lipid.”

Các thành phần hoạt tính như acid punicic và chiết xuất từ ​​hạt và vỏ của trái lựu làm giảm đáng kể mức đường huyết lúc đói.

Tuy nhiên, không phải tất cả các kết quả đều mang hướng tích cực. Một nghiên cứu vào năm 2017 được đăng trên Nutrition Journal (Tập san Dinh dưỡng) đã báo cáo rằng việc thêm trái lựu vào khẩu phần ăn có ảnh hưởng rất ít đến mức đường huyết lúc đói, nồng độ insulin hoặc độ nhạy insulin.

Nghiên cứu đã thực hiện 16 thử nghiệm trên 538 người tham gia, kết luận rằng “việc ăn trái lựu không cho thấy tác dụng đáng kể trong việc cải thiện chuyển hóa glucose và insulin.” Nghiên cứu gợi ý rằng mặc dù trái lựu có tiềm năng nhờ đặc tính chống oxy hóa nhưng lợi ích trực tiếp của trái lựu trong việc kiểm soát đường huyết vẫn chưa được khẳng định.

Tại sao lại là trái lựu?

Trái lựu chứa nhiều dưỡng chất và các chất chống oxy hóa như polyphenol, một chất rất quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng các hợp chất này làm giảm tình trạng viêm và tăng hiệu quả của insulin, giảm tình trạng kháng insulin – tác nhân chính gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Ví dụ, nước ép trái lựu đã được chứng minh là có khả năng làm chậm quá trình hấp thụ đường trong máu và giảm lượng đường tăng đột biến sau bữa ăn.

Hơn nữa, trái lựu có chứa nitrate và punicalagin, giúp cải thiện lưu lượng máu và làm mềm thành động mạch. Những thành phần này rất quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường hiệu quả.

Ngoài bệnh tiểu đường, lợi ích của trái lựu còn rất nhiều. Việc ăn trái lựu thường xuyên có liên quan đến cải thiện huyết áp, sức khỏe đường ruột, và béo phì. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy sự cải thiện về sức khỏe ở những người mắc hội chứng ruột kích thích, viêm khớp dạng thấp và các bệnh viêm nhiễm khác.

So sánh trái lựu với các loại trái cây khác

Trái lựu rất có ích, nhưng sẽ rất hữu ích nếu so sánh trái lựu với các loại trái cây khác thường được khuyên dùng để kiểm soát bệnh tiểu đường, chẳng hạn như việt quất và táo. Cả ba loại trái cây đều dồi dào chất xơ và chất chống oxy hóa, đều có tác dụng làm tăng độ nhạy insulin và giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Ưu điểm độc đáo của trái lựu nằm ở nồng độ của một số chất chống oxy hóa cao hơn táo và việt quất, chẳng hạn như punicalagin, có tác dụng chống viêm và hạ đường huyết mạnh mẽ. Ưu điểm này có thể làm cho trái lựu trở nên đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại stress oxy hóa và chứng viêm liên quan đến bệnh tiểu đường.

Trái lựu cũng là một loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp, nghĩa là trái lựu tạo ra ảnh hưởng tối thiểu đến mức đường huyết so với các loại carbohydrate có chỉ số đường huyết cao khác.

Những cách đơn giản để thêm trái lựu vào khẩu phần ăn uống

Việc kết hợp trái lựu vào khẩu phần ăn uống không hề phức tạp. Dưới đây là một số lợi ích và ý tưởng đơn giản để dùng các phần khác nhau của trái lựu:

  • Hạt lựu: Chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Bạn có thể rắc hạt lựu lên món salad, trộn vào sữa chua, bột yến mạch, hoặc ăn từng nắm như một món ăn nhẹ lành mạnh.
  • Nước ép lựu: Với hàm lượng cao chất chống oxy hóa, trái lựu có thể giúp giảm căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm trong cơ thể. Nước ép trái lựu cũng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm huyết áp. Bạn có thể thưởng thức nước ép trái lựu để lạnh tươi mát hoặc dùng như dầu giấm và nước xốt.
  • Vỏ trái lựu: Mặc dù thường không ai ăn vỏ lựu trực tiếp vì có vị đắng, nhưng lớp vỏ này lại chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn hạt và nước ép. Vỏ lựu có thể được sấy khô và nghiền thành bột làm sinh tố hoặc làm gia vị cho món ăn để tăng hàm lượng dinh dưỡng.
  • Nấu ăn và nướng bánh: Hương vị thơm ngon khiến hạt lựu trở thành một sự bổ sung tuyệt vời cho các món mặn, chẳng hạn như couscous và rau nướng, cũng như các món ngọt, chẳng hạn như bánh tart trái cây và món tráng miệng.
  • Chiết xuất trái lựu: Thực phẩm bổ sung từ chiết xuất trái lựu giúp người dùng nhận được các lợi ích sức khỏe một cách cô đọng, đặc biệt vào thời điểm trái mùa. Ngoài ra, bạn có thể thêm chiết xuất trái lựu vào thức uống để tăng giá trị dinh dưỡng.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Sheramy Tsai
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Sheramy Tsai, Cử nhân Điều dưỡng, điều dưỡng viên có đăng ký hành nghề, là một y tá dày dạn kinh nghiệm với sự nghiệp viết lách kéo dài hàng thập niên. Là cựu sinh viên của Đại học Middlebury và Johns Hopkins, cô Sheramy kết hợp chuyên môn viết và điều dưỡng của mình để mang đến nội dung có sức ảnh hưởng. Sống ở Vermont, cô cân bằng giữa nghề nghiệp với cuộc sống và đang nuôi dạy ba đứa con nhỏ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn