Tôn trọng lời hứa với chính bản thân

Một số lời hứa quan trọng nhất là những lời chúng ta tự hứa với chính mình.

Sức mạnh của lời nói thường bị đánh giá thấp – ngôn từ có một sức mạnh ma thuật và có thể tạo ra thế giới xung quanh chúng ta. Nhưng hầu hết chúng ta đều sử dụng ma thuật này một cách yếu ớt.

Biểu hiện đầu tiên chúng ta có thể nhận ra là thường không giữ lời hứa với chính mình.

Trong cuốn sách tuyệt vời “The Four Agreements” (Bốn Thỏa Ước), Don Miguel Ruiz viết “Hãy có trách nhiệm với lời nói của bạn” là điều đầu tiên và quan trọng nhất trong bốn thỏa thuận có thể thay đổi cuộc đời bạn. Thỏa ước “Hãy có trách nhiệm với lời nói của bạn” có nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn những gì bạn có thể nhận ra vào lúc mới đọc cuốn sách. Nhưng tôi sẽ chỉ đề cập đến một khía cạnh của vấn đề – tôn trọng lời hứa của bạn với chính mình.

Một số biểu hiện cho thấy chúng ta không tôn trọng ngôn từ của mình:

  • Chúng ta nói rằng hôm nay chúng ta sẽ tập thể dục nhưng sau đó lại trì hoãn vì bận.
  • Chúng ta thề sẽ không ăn quá nhiều đồ ngọt, chỉ để ngày hôm sau ăn một đống kem và bánh quy.
  • Chúng ta nói rằng sẽ thực hiện một dự án có ý nghĩa, nhưng dự án đó cứ bị trì hoãn ngày này sang ngày khác cho đến tận nhiều tháng sau vẫn chưa thể thực hiện.
  • Chúng ta nói rằng chúng ta sẽ thiền, nhưng thay vào đó, chúng ta lại xem điện thoại hoặc kiểm tra email.

Không có điều nào trong số này là “xấu,” và nếu bạn chỉ trích bản thân một cách gay gắt về bất kỳ điều nào trong số này sẽ giống như đang lạm dụng ngôn từ của chúng ta. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể bắt đầu giữ lời hứa với chính mình?

Điều gì sẽ xảy ra nếu khi chúng ta tự nhủ rằng mình sẽ làm điều gì đó, chúng ta thực sự làm theo và thực hiện nó?

Điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi nào cho bạn, cho cuộc sống của bạn?

Nếu bạn có thể tin tưởng 100% vào việc tự tôn trọng lời nói với chính mình, điều đó có thể thay đổi mọi thứ.

Chúng ta hãy xem cách phát triển sức mạnh của lời nói đối với chính bản thân.

Luyện tập việc tôn trọng ngôn từ của bản thân

Hãy bắt đầu bằng việc tự coi lời nói của mình là một điều thiêng liêng. Đó là một lời thề và khi bạn nói ra điều đó, bạn hoàn toàn cam kết sẽ thực hiện lời thề đó.

Hãy nhắc nhở bản thân về lời thề này mỗi khi bạn chuẩn bị bỏ cuộc.

Sau đó, hãy bắt đầu bằng cách tạo ra những lời hứa nhỏ với bản thân – những điều bạn biết mình chắc chắn có thể làm được. Thực hiện từng chút một, lặp đi lặp lại, với cam kết rằng bạn chắc chắn sẽ thực hiện những lời hứa đó.

Ví dụ, bạn tự hứa rằng bạn sẽ đi uống một ly nước — và sau đó bạn hãy thực hiện. Hãy hứa rằng mình sẽ trả lời một email này — rồi hãy thực hiện. Hãy hứa rằng bản thân sẽ đi dạo quanh khu nhà – rồi hãy thực hiện. Hãy đưa ra những lời hứa nhỏ và sau đó coi những lời hứa đó như những điều thiêng liêng.

Bạn hãy bỏ đi cái suy nghĩ rằng mình sẽ không thể làm được điều đó. Huấn luyện viên của tôi nói rằng nếu bạn là một bậc phụ huynh, bạn thậm chí còn không đặt câu hỏi liệu bạn có cho con mình ăn hay không – đó là một điều hiển nhiên. Hãy coi những cam kết của bạn với bản thân theo cách tương tự – một điều hiển nhiên.

Khi bạn làm điều đó, hãy thừa nhận bản thân đã tự tôn trọng lời nói ấy. Đây là một bước tiến đáng mừng. Ngay cả khi đó chỉ là một bước tiến nhỏ, nhưng vẫn quan trọng.

Nếu bạn làm sai, hãy tôn trọng lời nói của bạn bằng cách thừa nhận sai lầm và xin lỗi. Hãy tự chịu trách nhiệm, không đổ lỗi hay cảm thấy xấu hổ. Và sau đó tự cam kết bản thân sẽ trưởng thành từ sai lầm này.

Chỉ khi bạn đã thực hiện tốt những lời hứa dễ dàng thì bạn mới nên thực hiện những lời hứa khó hơn. Thay vì hứa sẽ viết bài trong vòng một tiếng, hãy viết bài trong 5 hoặc 10 phút. Thay vì cố gắng thiền trong một tiếng, hãy chỉ thiền trong năm phút. Tương tự với việc tập thể dục hoặc bất cứ điều gì đòi hỏi sự tập trung. Đưa ra những lời hứa nhỏ và thực hiện những điều này một cách hoàn hảo.

Đừng đưa ra những lời hứa vô thời hạn – chẳng hạn như bạn sẽ không bao giờ chạm vào một giọt rượu nào nữa. Đưa ra những lời hứa nhỏ, chẳng hạn như bạn sẽ không ăn bánh quy trong một tiếng nữa. Sau đó, hãy cố gắng để làm cho những lời hứa trở nên dễ thực hiện hơn – loại bỏ những chiếc bánh quy ra khỏi tầm mắt hoặc không lại gần những chiếc bánh quy.

Theo thời gian, nếu bạn nỗ lực phát triển sức mạnh ngôn từ của mình, điều này sẽ trở thành điều hiển nhiên. Và khi đó lời nói của bạn sẽ giống như một câu thần chú ma thuật mạnh mẽ mà bạn có thể sử dụng bất cứ khi nào cần để biến điều kỳ diệu thành hiện thực.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Leo Babauta
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Leo Babauta là tác giả của 6 cuốn sách; là tác giả của blog Zen Habits với hơn 2 triệu người đăng ký, và cũng là chuyên gia của một số chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ thói quen của mình. Truy cập ZenHabits.net.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn