Thuốc lá điện tử làm hại lớp phủ bên ngoài mắt, ảnh hưởng đến thị lực

Hút thuốc lá điện tử gây ra một số nguy hiểm cho sức khỏe đôi mắt, đặc biệt là với các lớp cấu trúc ở ngoài cùng, vốn đóng vai trò quan trọng giúp mắt luôn dễ chịu và nhìn tốt.

Theo một tài liệu tổng quan hệ thống gần đây do các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia đứng đầu, hút thuốc lá điện tử có tác động “không lành tính” lên bề mặt mắt.

Các tác giả của bài tổng quan đã viết trong Journal of Clinical Medicine (Tập san Y học Lâm sàng) vào cuối tháng Tư: “Hút thuốc lá điện tử có thể gây ra những nguy cơ đáng kể trên bề mặt mắt. Do đó, cần phát triển các công cụ truyền thông thích hợp về những rủi ro có thể xảy ra trong bối cảnh hút thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biến.”

Tiến sĩ Tanya Khan, một bác sĩ phẫu thuật mắt, người không tham gia vào nghiên cứu, chia sẻ với The Epoch Times rằng ngày càng nhiều báo cáo về tình trạng khô và đỏ mắt ở những người trẻ tuổi hút thuốc lá điện tử.

Tiến sĩ Khan chia sẻ, “Tôi nghĩ rằng chúng ta có lẽ chỉ mới thấy các tác động ngắn hạn, vì thuốc lá điện tử chỉ mới phổ biến chưa đến 10 năm. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng trong những năm tới, chúng ta sẽ bắt đầu thấy nhiều hơn nữa một số dữ liệu dài hạn.”

Các tác giả đã lưu ý trong bài tổng quan rằng các tiếp xúc vô ý hay cố ý từ các sản phẩm thuốc lá điện tử có thể gây hại tới mắt. Khi tiếp xúc ngoài ý muốn, một số tổn thương mắt có thể xảy ra do các vụ nổ của thuốc lá điện tử hoặc do chất lỏng thuốc lá điện tử hoặc các sản phẩm thuốc lá điện tử khác bị vỡ ra.

Các tác giả viết: “Những vụ nổ này khó dự đoán, do đó khó tránh khỏi,” đồng thời lưu ý rằng tổn thương giác mạc là dạng tổn thương trên bề mặt mắt phổ biến nhất do các vụ nổ.

Theo bài viết, các vụ nổ thuốc lá điện tử cũng gây tổn thương các phần khác của bề mặt mắt, bao gồm chảy máu dưới kết mạc và tích tụ các hạt màu đen ở bề mặt bên ngoài mắt.

Hút thuốc lá điện tử ảnh hướng đến lớp phim nước mắt và giác mạc

Trong quá trình hút thuốc lá điện tử, hơi thuốc tiếp xúc và ảnh hưởng đến bề mặt mắt – chủ yếu là lớp phim nước mắt và giác mạc, hai lớp nằm ngoài cùng của bề mặt mắt.

Các tiếp xúc cấp tính làm ảnh hưởng đến độ ổn định của bề mặt bên ngoài mắt. Tuy nhiên, mức độ không đáng kể.

Các tiếp xúc mạn tính khi hút thuốc lá điện tử liên quan đến nhiều nguy cơ sức khỏe khác nhau, bao gồm ung thư bề mặt mắt, thay đổi độ ổn định và chất lượng của lớp phim nước mắt, việc sản xuất nước mắt, độ dày của giác mạc, mất các tuyến dầu với mức độ vừa phải, khô mắt hoặc kích ứng mắt.

Một số thành phần trong chất lỏng thuốc lá điện tử có thể gây ung thư. Khi không được làm nóng đúng cách, chất lỏng này có thể phóng thích ra formaldehyde gây ung thư. Một số hương vị cũng chứa diacetyl, gây bệnh đường hô hấp trầm trọng.

Tầm quan trọng của lớp phim nước mắt đối với thị lực

Tiếp xúc mạn tính với thuốc lá điện tử làm mất ổn định lớp phim nước mắt và tăng sản xuất nước mắt.

Lớp phim nước mắt bao phủ bề mặt mắt, giúp bảo vệ, bảo tồn và bôi trơn mắt. Bề mặt nhẵn của lớp phim nước mắt cũng quan trọng cho sự khúc xạ ánh sáng và thị lực.

Tiến sĩ Majid Moshirfar, giáo sư về nhãn khoa tại Trung tâm Mắt John A. Moran thuộc University of Utah, người có bài tổng quan từ tháng 4/2021 đã được trích dẫn trong bài tổng quan gần đây, cho biết sức khỏe của lớp phim nước mắt rất quan trọng để duy trì thị lực.

Ông chia sẻ, “Khi chiếu vào bề mặt giác mạc, ánh sáng sẽ tiếp xúc với lớp phim nước mắt đầu tiên, và sau đó xuyên qua phần còn lại của giác mạc, và phần còn lại của hệ thống quang học.”

“Lớp phim nước mắt và tính toàn vẹn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt mắt. Lớp phim nước mắt không tốt hoặc ổn định không chỉ gây khô mắt mà còn dẫn đến thay đổi về độ nét khi nhìn. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy như mình không thấy rõ như mong muốn.”

Các tuyến sụn mi là các tuyến dầu nhỏ nằm dọc theo mí mắt.

Tiến sĩ Khan và Tiến sĩ Moshirfar chia sẻ với The Epoch Times rằng các triệu chứng phổ biến nhất ở các bệnh nhân là mắt khô, dẫn đến đỏ mắt.

Tiến sĩ Moshirfar đã có động lực nghiên cứu tác động của việc hút thuốc lá điện tử khi ông bắt đầu thấy những bệnh nhân trẻ tuổi bị khô mắt nghiêm trọng không thể giải thích được.

Một số bệnh nhân cũng đã có giác mạc mỏng, gây cản trở thị lực vì giác mạc giữ vai trò quan trọng đối với khúc xạ ánh sáng. Nếu lớp phim nước mắt mất ổn định, giác mạc sẽ bị phơi nhiễm và hư hại nặng hơn theo thời gian.

Thành phần của thuốc lá điện tử oxy hóa lớp phim nước mắt, hạn chế lưu thông máu

Các chất lỏng trong thuốc lá điện tử chứa aldehyde, glycerol, và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi khác có thể tương tác với lớp lipid, hoặc lớp phim nước mắt ngoài cùng.

Tiến sĩ Moshirfar gợi ý rằng các hương vị khác nhau tạo ra các thành phần khác nhau có thể ảnh hưởng đến lớp phim nước mắt theo những cách khác nhau.

Ông chia sẻ, “Tất cả các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và các phân tử vi mô sinh ra từ hạt sol khí do hút thuốc có thể ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của lớp phim nước mắt bằng cách tạo ra tổn thương oxy hóa và làm hỏng cấu trúc của lớp phim nước mắt, gây ra các triệu chứng bề mặt mắt.”

Nicotine trong thuốc lá điện tử cũng làm co thắt mạch máu trong mắt, ảnh hưởng đến sự sửa chữa mô và sức khỏe của mắt cũng như các khu vực xung quanh, Tiến sĩ Khan cho biết.

Bà luôn khuyên bệnh nhân ngừng hút thuốc và thuốc lá điện tử – đặc biệt là khi phẫu thuật – vì tác dụng co thắt mạch máu của nicotine ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.

Bài viết của Tiến sĩ Moshirfar cũng đề cập rằng nicotine ảnh hưởng xấu đến võng mạc của mắt. Vai trò của võng mạc rất quan trọng đối với tầm nhìn sắc nét, quá trình phát hiện màu sắc, và xử lý ánh sáng đến mắt thành một hình ảnh có thể nhận thức được trong bộ não.

Nicotine tương tác với các thụ thể trong võng mạc, và làm tăng phóng thích dopamine và glutamate trong các tế bào trong võng mạc.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Marina Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Marina Zhang là một cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, cư trú tại New York. Tốt nghiệp cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne, cô chuyên đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Quý vị có thể liên lạc với cô qua [email protected].
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn