Thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý có liên quan đến chứng tăng nhãn áp
Nhiều loại thuốc ADHD phổ biến kích hoạt hệ thần kinh giao cảm. Tuy nhiên, tác dụng phụ của chúng có thể vô tình góp phần làm tăng nhãn áp.
Một nghiên cứu gần đây của Canada cho thấy các loại thuốc thông thường được kê đơn để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có liên quan đến tăng nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp.
Bệnh tăng nhãn áp là một bệnh về mắt tiến triển gây mất thị lực. Bệnh tăng nhãn áp góc đóng là một thể tăng nhãn áp, đồng thời có chống chỉ định dùng các loại thuốc ADHD phổ biến.
Tiến sĩ Rami Darwich, một bác sĩ nội trú nhãn khoa và là tác giả chính của nghiên cứu, nói với The Epoch Times rằng nghiên cứu này “không xác định được nguyên nhân mà chỉ nêu bật nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp cao.”
Các thuốc trị ADHD phổ biến
Nhiều loại thuốc trị ADHD phổ biến là thuốc kích thích giao cảm, nghĩa là chúng kích hoạt hệ thần kinh giao cảm để giúp mọi người tập trung. Tuy nhiên, tác dụng phụ của chúng có thể vô tình góp phần làm tăng nhãn áp.
Áp lực mắt cao là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tăng nhãn áp, mặc dù Tiến sĩ Darwich nói thêm rằng một số bệnh tăng nhãn áp đã phát triển ngay cả khi không có sự thay đổi đáng kể về áp lực mắt trong những năm gần đây.
Các loại thuốc trị ADHD phổ biến bao gồm các thuốc kích thích giao cảm như methylphenidate và amphetamine. Đây thường là phương pháp điều trị đầu tay cho những người bị ADHD do có hiệu quả cao hơn. Các thuốc kích thích tâm thần này có hiệu quả đối với khoảng 70% bệnh nhân ADHD.
Các loại thuốc không có tác dụng giao cảm, chẳng hạn như Atomoxetine, làm tăng các chất hóa học trong não để giúp não hoạt động và tập trung. Atomoxetine thường được kê đơn khi bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc đầu tay.
Các tác giả nghiên cứu đã theo dõi 240.257 đối tượng mới được kê đơn sử dụng methylphenidate, amphetamine, atomoxetine hoặc kết hợp các loại thuốc này trong một năm hoặc hơn.
Những người tham gia nghiên cứu sau đó được theo dõi và so sánh với những người chưa dùng thuốc ADHD để xác định nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp.
Những người dùng amphetamine và Atomoxetine có nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp góc đóng (ACG) cao hơn, trong khi những người dùng methylphenidate có nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp góc mở (OAG) cao hơn.
Mắt của chúng ta được cấu thành từ chất lỏng. So sánh mắt của một người với bồn rửa, Tiến sĩ Darwich giải thích rằng tăng nhãn áp góc đóng xảy ra khi “ống thoát nước của bồn rửa bị tắc, khiến nước (chất lỏng bên trong mắt bạn) tích tụ đột ngột.”
Với tăng nhãn áp góc mở, “ống thoát nước mở nhưng giống như bị tắc hoặc hẹp nên nước (chất lỏng bên trong mắt bạn) chảy ra quá chậm,” ông nói.
Người ta có thể bị “đau mắt dữ dội, nhức đầu và mờ mắt” khi dùng tăng nhãn áp góc đóng. “Bạn có thể cảm thấy như có áp lực đang tích tụ trong mắt.”
Tăng nhãn áp góc mở tiến triển mãn tính hơn và ban đầu không có triệu chứng đáng chú ý. Theo thời gian, các điểm mù có thể xuất hiện ở vùng ngoại vi, sau đó có thể tiến dần đến trung tâm tầm nhìn của một người. Tuy nhiên, phần lớn tổn thương mắt đã xảy ra ở giai đoạn đó.
Các tác giả cũng lưu ý rằng atomoxetine và amphetamine có mối liên hệ yếu với sự phát triển của tăng nhãn áp góc mở, mặc dù họ cho biết mối tương quan này không có ý nghĩa thống kê.
Thuốc trị ADHD góp phần gây bệnh tăng nhãn áp như thế nào?
Các tác giả rất ngạc nhiên khi thấy methylphenidate không có mối liên hệ chặt chẽ với tăng nhãn áp góc đóng, vì các các thuốc kích thích tâm thần này là chống chỉ định khi người bệnh bị tăng nhãn áp góc đóng.
Nói chung, các thuốc kích thích giao cảm như methylphenidate và amphetamine không được khuyến cáo cho những người đã biết hoặc nghi ngờ bị tăng nhãn áp góc đóng.
Vì những loại thuốc này kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm — hệ thống chuẩn bị cho cơ thể chiến đấu hoặc bỏ chạy — nên đồng tử giãn ra, điều này có thể cản trở đường thoát nước tự nhiên của mắt một cách cơ học. Sự tích tụ chất lỏng này có thể làm tăng áp lực mắt và làm tổn thương dây thần kinh thị giác, gây ra bệnh tăng nhãn áp và mất thị lực tiến triển.
Tăng nhãn áp góc mở phổ biến hơn góc đóng, mặc dù có nguy cơ mất thị lực thấp hơn và mối liên hệ với thuốc trị ADHD chưa được xác định rõ ràng.
Methylphenidate, loại thuốc được cho là làm tăng nguy cơ bị tăng nhãn áp góc mở, cũng được phát hiện là gây độc cho tế bào mắt. Ba loại thuốc được nghiên cứu cũng gây ra phản ứng oxy hóa khử, có thể dẫn đến tổn thương oxy hóa, có khả năng làm suy yếu dây thần kinh thị giác và ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt.
Những người mà cơ thể không chuyển hóa thuốc ADHD đúng cách cũng có nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp liên quan đến thuốc cao hơn.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times