Thói quen ăn muối và nguy cơ ung thư dạ dày

Có cần ăn ít muối để ngừa ung thư? Theo một nghiên cứu mới, câu trả lời là có thể.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn 41% ở những người thường xuyên nêm thức ăn bằng muối so với những người không dùng muối.

Lần đầu tiên muối có liên quan đến ung thư dạ dày ở châu Âu

Việc bổ sung muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày không phải là thông tin mới. Các nghiên cứu về dân số Á Châu trước đây đã tìm thấy mối liên quan này với thịt muối và rau muối.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới này là nghiên cứu đầu tiên xác định mối liên quan này ở người Âu Châu. Tác giả chính Selma Kronsteiner-Gicevic, người có bằng tiến sĩ khoa học về dinh dưỡng và là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ cấp cao tại Đại học Y khoa Vienna, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mối liên quan giữa số lần ăn thêm muối và ung thư dạ dày ở các nước Tây phương.”

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Gastric Cancer (Tập san Ung thư Dạ dày), trong hơn 11 năm, những người luôn ăn thêm muối có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 41% so với những người không bao giờ hoặc hiếm khi bổ sung muối.

Nghiên cứu này đã tiến hành phân tích tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, chứng minh nguy cơ ung thư dạ dày tăng lên liên quan đến việc tiêu thụ muối nhiều hơn. Tuy nhiên, khó có thể xác định một cách thuyết phục về mức độ nguy cơ chỉ dựa trên dữ liệu quan sát, Tiến sĩ David Purow tại Bệnh viện Huntington ở New York kiêm giám đốc khu vực phía đông của Northwell Health về nội soi đường tiêu hóa, nói với The Epoch Times.

Ung thư dạ dày xuất hiện ở độ tuổi sớm hơn

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày khởi phát sớm ở những người trẻ tuổi đang gia tăng đều đặn. Năm 2019, thể bệnh này chiếm hơn 30% tổng số ca ung thư dạ dày ở Hoa Kỳ. Mặc dù độ tuổi trung bình được chẩn đoán ung thư dạ dày là 68, nhưng một số bác sĩ hiện đang khám cho bệnh nhân ở độ tuổi 40 và 50.

Bệnh có thể điều trị được khi phát hiện sớm, với tiên lượng khá tốt. Theo Viện Ung thư Quốc gia, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh ung thư dạ dày khu trú sớm là 75%. Tuy nhiên, con số đó giảm xuống còn 35% đối với các bệnh ung thư đã lan ra ngoài dạ dày.

Tiến sĩ Purow cho biết, vấn đề là việc chẩn đoán thường được thực hiện “muộn hơn một chút” vì vị trí của dạ dày khiến khối u có thể xuất hiện mà không gây ra các triệu chứng đáng kể. Ông nói thêm, “Khi phát hiện bệnh muộn hơn, vẫn có thể điều trị kết hợp giữa hóa trị và phẫu thuật.”

Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm đau bụng trên nhiều hơn, cảm thấy no nhanh hơn bình thường, buồn nôn, nôn mửa và phân đen như hắc ín. Phân đen có thể là dấu hiệu của chảy máu do khối u dạ dày. Giảm cân không giải thích được kết hợp với sự thay đổi khẩu vị là một dấu hiệu quan trọng khác.

Nhiều loại thực phẩm có chứa thêm muối

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), mọi người nên tiêu thụ không quá 2,300 miligam sodium, tương đương với 5.75g hoặc khoảng 1 thìa cà phê muối mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ trung bình của người Mỹ là khoảng 3,400mg mỗi ngày. Con số này thường không tính đến phần muối dùng để nêm nếm trong bữa ăn.

Sodium thường được thêm vào thực phẩm chế biến sẵn vì nhiều lý do, chẳng hạn như dùng làm chất bảo quản, chất tăng hương vị và chất tạo men trong làm bánh.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, hơn 70% lượng natri chúng ta tiêu thụ đến từ thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm nhà hàng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, khoảng 65% đến từ thực phẩm mua tại các tiệm bán lẻ và khoảng 25% đến từ các nhà hàng, nơi khó có thể biết lượng sodium đã được thêm vào.

CDC khuyến nghị nên chọn thực phẩm có hàm lượng sodium thấp hơn khi có thể và nấu ăn nhiều hơn ở nhà để kiểm soát lượng sodium tốt hơn.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn