Thời điểm tập luyện tối ưu cho bệnh nhân tiểu đường loại 2

Một phân tích về tác động tích cực của việc tập luyện lên lượng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường loại 2 cho thấy rằng mặc dù tất cả bài tập đều có ích, nhưng một số hoạt động và thời điểm nhất định thì hiệu quả hơn.

Nghiên cứu được công bố trên Tập san Y học Hoa Kỳ, cung cấp một bản tóm tắt toàn diện nhưng đơn giản về lợi ích của tập thể dục trong việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường loại 2.

Giáo sư Steven Malin làm việc tại khoa Cơ thể động học và sức khỏe thuộc Đại học Rutgers và là tác giả của nghiên cứu cho biết, “Thách thức ở đây là, hầu hết mọi người đều biết tập thể dục là tốt, nhưng họ không biết cách tiếp cận tối ưu.”

“Chúng tôi nhắm mục tiêu đến vấn đề này bằng cách tập trung vào một số thông số chính: lợi ích của thể dục nhịp điệu so với cử tạ, thời gian tập luyện tối ưu trong ngày, tập thể dục trước hay sau bữa ăn và liệu có cần giảm cân để đạt được lợi ích hay không.”

Họ đã sàng lọc hàng chục nghiên cứu và rút ra những kết luận chủ yếu về cách tập luyện tối ưu như sau:

  • Tập thể dục nhịp điệu thường xuyên: Hoạt động thể chất, chẳng hạn như đạp xe, bơi lội và đi bộ, làm tăng nhịp tim và sự tiêu thụ oxy của cơ thể, từ đó giúp kiểm soát đường huyết.
  • Bài tập sức bền: Việc tập luyện cơ bắp bằng cách dùng một lực đối kháng như quả tạ, dây kháng lực hoặc trọng lượng cơ thể của bản thân rất có lợi trong việc cải thiện độ nhạy insulin ở bệnh nhân tiểu đường loại 2.
  • Di chuyển cả ngày bằng cách chia nhỏ thời gian ngồi là cách hiệu quả để kiểm soát đường huyết và nồng độ insulin.
  • Tập thể dục muộn hơn trong ngày giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn cũng như cải thiện độ nhạy insulin.

Giáo sư Malin cho biết, “Tóm lại, bất kỳ chuyển động nào cũng tốt và càng nhiều thì càng hiệu quả. Sự kết hợp giữa thể dục nhịp điệu và cử tạ có thể tốt hơn là chỉ tập một loại. Tập thể dục vào buổi chiều thay vì buổi sáng có thể hiệu quả hơn trong việc kiểm soát đường huyết và tập thể dục sau bữa ăn giúp ích nhiều hơn một chút so với trước bữa ăn. Và, quý vị không cần giảm cân để đạt được lợi ích. Đó là vì tập thể dục có thể làm giảm lượng mỡ trong cơ thể và tăng khối lượng cơ bắp.”

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, hơn 37 triệu người Mỹ bị bệnh tiểu đườngvà 90-95% là tiểu đường loại 2. Bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường có tình trạng kháng insulin, nghĩa là tế bào không đáp ứng bình thường với insulin, một loại hormone kiểm soát đường huyết. Đường huyết cao gây hại cho cơ thể và có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Trong khi kháng insulin là tình trạng có hại cho cơ thể, các nhà khoa học tin rằng tăng độ nhạy insulin là một điều có lợi. Độ nhạy insulin cao cho phép tế bào tiêu thụ đường huyết hiệu quả hơn, từ đó làm giảm đường huyết.

Giáo sư Malin nghiên cứu về độ nhạy insulin và giảng dạy về Cơ thể động học, một ngành chuyên về chuyển động của con người. Ông và một số giảng viên tại Đại học Rutgers ủng hộ khái niệm “thể dục là thuốc.” Ý tưởng này cũng được ủng hộ bởi Đại học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ và ngày càng được nhiều nghiên cứu chứng minh. Tập thể dục có thể được coi là liệu pháp điều trị hàng đầu.

Giáo sư Malin nói, “Tôi là một trong những người tán thành quan điểm đó, và theo cách này, tôi coi việc tập luyện như một phương pháp chữa bệnh.”

Ông và các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu trên để cung cấp cho cộng đồng y tế những lời khuyên thiết thực và cập nhật cho bệnh nhân.

Kết hợp thời gian tập luyện và loại bài tập cùng nhau là một ý tưởng rất quan trọng nhằm giúp các chuyên gia y tế đưa ra khuyến nghị chính xác hơn về các phương pháp tập luyện để điều trị đường huyết cao.

Bài viết này ban đầu được đăng tải bởi Rutgers. Tái bản qua Futurity.org

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn