Thầy thuốc kể chuyện: Trong tim có ngàn nút thắt

Đối với người làm cha mẹ, chuyện đáng buồn nhất trên đời không gì bằng việc người đầu bạc tiễn người tóc xanh. Tình cảnh như vậy khiến người ta làm sao chịu nổi! Nhưng có một người cha tóc bạc chửi mắng con trai đang nằm trong quan tài. Ông không hề đau buồn cho con trai mình mà còn hối hận vì đã sinh ra người con này.

Một bà lão 65 tuổi tóc bạc trắng, buồn bực tiều tụy. Những vất vả của cuộc đời in rõ trên gương mặt bà. Bà bước vào phòng khám, vừa ngồi xuống liền bắt đầu kể hàng loạt căn bệnh từ đầu đến chân của mình.

Nghe xong, tôi hỏi bà, “Hiện tại bệnh nào khiến bà bận tâm nhất?”

Bà trả lời, “Ban đêm tôi không ngủ được, dạ dày thường khó chịu, cổ vừa căng vừa đau, mỏi eo đau lưng, lại rất dễ mệt mỏi.”

Nhưng sau khi khám xong, tôi nói với bà, “Bà ơi, vấn đề lớn nhất của bà có lẽ là cảm xúc. Trong lòng bà có hàng ngàn nút thắt. Có chuyện gì xảy ra đối với bà vậy?”

Cuộc đời bà đã sống được 65 năm, ít nhiều cũng có tâm tư. Tâm bệnh cần phải có thuốc tâm trị mới hy vọng có thể giúp bà ấy tháo gỡ nút thắt đã gây ra bệnh tật.

Tâm bệnh cần thuốc tâm trị

Khổng Tử nói ‘lục thập tuế nhi nhĩ thuận’ (60 tuổi nhìn thấy cái gì cũng không thấy chướng tai gai mắt). Phàm phu tục tử bước sang tuổi 60 thì ký ức của họ đại phản công, chuyện họ oán hận phần nhiều là chuyện cũ năm xưa.

Bà lão trả lời, “Tôi mới làm tang lễ cho con trai xong.”

Nhưng lạ thay, trên mặt bà không hề có biểu cảm buồn bã. Bà nói tiếp, “Trong một tháng vừa qua, chồng tôi ngày nào cũng nói với mọi người rằng: ‘Không cần sinh con trai’”.

Đây quả là một câu nói khá mới lạ, bởi vì không biết có bao nhiêu người vì để sinh con trai đã hao hết tâm lực.

Tôi hiếu kỳ hỏi, “Sao ông ấy lại nói thế?”

Bà tiếp tục kể, “Chồng tôi nói, để nuôi người con trai này vợ chồng tôi phải làm việc cực nhọc để lo cơm ăn, áo mặc cho nó từ khi còn nhỏ. Lo lắng bài vở, lo lắng sức khỏe, không dễ gì nuôi nó trưởng thành. Chúng tôi cũng bỏ ra rất nhiều tiền để nó hoàn thành việc học hệ y khoa 7 năm. Thế nhưng sau khi ra trường, nó không muốn làm bác sỹ mà lựa chọn con đường kinh doanh. Chồng tôi còn nói, con trai lớn lên không chịu nghe lời, tốn bao nhiêu tâm huyết, nuôi dưỡng con trai chỉ để chọc tức mình.”

Nghe xong, tôi hỏi lại, “Con trai bà theo nghiệp kinh doanh, sự nghiệp có tốt không? Có thường xuyên về thăm ông bà không?”

Nét mặt bà lộ rõ niềm vui, bà trả lời, “Việc kinh doanh của con trai tôi rất thành công. Nó kiếm được nhiều tiền hơn cả làm bác sỹ, nhưng một năm chỉ về nhà hai lần, một lần vào dịp Tết Thanh Minh và một lần vào dịp Tết Nguyên Đán. Hơn nữa nó ở nhà cách một ngày là đi, bình thường thì hai ngày nó gọi điện về nhà một lần.”

Tôi hỏi tiếp, “Như vậy chồng bà không hài lòng sao?”

Bà lắc đầu, trầm giọng xuống nói, “Chồng tôi nói, con trai phải về nhà ít nhất là một tháng một lần, cùng ông ấy ăn một bữa cơm.”

Tôi không biết tại sao người cha lại không vừa ý với một người con trai như vậy? Tôi nghĩ là chuyện gia đình, cho nên cũng không hỏi tiếp.

Châm cứu và chăm sóc tại nhà

Tôi tiến hành điều trị bằng châm cứu bắt đầu từ bệnh khiến bà lo lắng nhất. Để trị chứng mất ngủ, châm cứu các huyệt Thần đình, Bản thần, Thần môn. Về đường tiêu hóa, châm cứu tại các huyệt Trung quản, Túc tam lý. Để trị đau vai, gáy, cánh tay, châm cứu các huyệt Phong trì, Thiên trụ, Kiên ngoại du, Hợp cốc. Để trị đau lưng, châm cứu tại các huyệt Trung chử, Khúc trì, Dương lăng tuyền.

Người già khí huyết kém, châm cứu các huyệt Bách hội, Quan nguyên, Khí hải. Để trị khí ở gan ứ đọng, châm huyệt Thái xung. Tôi còn hướng dẫn bà khi thấy cảm xúc không ổn định thì trước tiên phải ấn vào huyệt Hợp cốc. Trong lòng cảm thấy không thể chịu đựng được nữa và sắp nổi giận thì hãy ấn vào huyệt Thần môn, nhắm mắt lại và đếm từ 1 đến 10. Tốt nhất lúc ấy bà nên rời khỏi hiện trường một khoảng thời gian.

Chỗ nào đau nhức bắp thịt gân cốt, thì bôi giấm trắng lên chỗ đau. Mặc quần áo vào, dùng máy sấy tóc thổi gió nóng lên chỗ đau trong 10 phút. Nếu ngủ không ngon giấc thì trước khi đi ngủ 20 phút, hãy cho 1 thìa giấm trắng vào nước nóng trong chậu rửa mặt, ngâm đến mắt cá chân, ngâm khoảng 10 đến 15 phút, đồng thời dùng tay ấn huyệt Thần môn.

Cay đắng chất chứa suốt 40 năm

Sau khi khám xong, bà liền bảo cô gái ở quầy tiếp tân đề nghị bác sỹ châm cứu cho bà trước, vì bà đang vội. Thông thường bệnh nhân chờ điều trị rất đông. Trừ phi là bệnh nặng, nếu không tình trạng thông thường phải đợi cho đến khi bác sỹ khám trong một khoảng thời gian ngắn, rồi mới tiến hành châm cứu điều trị cho bệnh nhân. Khi chuẩn bị châm cứu, tôi hỏi bà trước, “Bà phải lên kịp chuyến tàu à?” Bà trả lời, “Tôi không phải kịp lên tàu, nhưng tôi phải nhanh về nhà để nấu ăn.”

Bà nói tiếp với vẻ mặt hoảng sợ, “Chồng tôi nhất định phải ăn cơm lúc 6 giờ tối. Nếu đến 6 giờ mà tôi chưa chuẩn bị xong bữa ăn thì sẽ bị chồng mắng. Hồi trẻ ông ấy còn đánh tôi nữa.” Nhìn thời gian còn chưa tới 5 giờ, tôi vỗ vai bà, an ủi, “Đừng căng thẳng, bà nhất định sẽ kịp về nhà nấu ăn. Người chủ gia đình của nhà bà, thực ra là ‘chử’ (nấu) cả gia đình, ‘ninh nấu’ bà và con trai đến mức không thở được! Bà nhất định đã phải chịu khổ rất nhiều, thiệt thòi cho bà rồi!”

Nhất thời, nước mắt bà rơi trên khóe mắt. Thật khó tưởng tượng bà đã phải chịu đựng cay đắng như vậy suốt 40 năm!

Sau khi rút kim, thấy bà vội vã rời đi, chăm chăm chạy vội về nhà. Lúc này trong lòng tôi nghĩ, chả trách con trai bà không muốn về nhà, dù cho về nhà thì vẫn là khách. Suy nghĩ kỹ hơn, chỉ cần người chủ gia đình của bà tiếp tục “ninh nấu” người ta như thế, chứng mất ngủ của bà sẽ khó chữa, tiêu hóa của bà cũng sẽ khó lành. Và tôi thực sự không biết gân cốt của bà ấy có thể cầm cự được bao lâu.

Sương Sương biên dịch

​Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn