Thảo dược trong điều trị viêm loét đại tràng
Một phân tích mới trên 1,227 nghiên cứu kết luận rằng, các phương pháp điều trị bằng thảo dược không xâm lấn có thể đem lại hiệu quả bất ngờ bệnh viêm loét đại tràng.
Không khí, nước, thức ăn, giấc ngủ và hơi ấm là những nhu cầu sinh lý cơ bản của con người. Khi thiếu một hoặc nhiều nhu cầu đó, cơ thể sẽ không thể phát triển khỏe mạnh.
Vì chúng ta ăn uống nhiều bữa trong một ngày nên cơ thể cần nghỉ ngơi và tiêu hóa. Tương tự như vậy, chúng ta sẽ phải chịu đựng đau đớn khi một trong các cơ quan trong cơ thể không thể xử lý hoặc đáp ứng được những nhu cầu cơ bản đó. Trong trường hợp bị viêm loét đại tràng, cơ quan gặp rắc rối là đường tiêu hóa. Đều này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời của con người.
Lời khuyên giúp giảm bớt các triệu chứng bao gồm thay đổi lối sống và dinh dưỡng, chẳng hạn như loại bỏ các sản phẩm từ sữa, ăn khẩu phần nhỏ hơn, và kiểm soát căng thẳng.
Tuy nhiên, phần lớn bệnh được điều trị bằng thuốc chống viêm và thuốc ức chế miễn dịch. Trong trường hợp xấu nhất, các bác sĩ có thể lựa chọn phẫu thuật cắt đại trực tràng, một phẫu thuật xâm lấn để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng và trực tràng.
Những phát triển mới trong y học có nguồn gốc từ thực vật
Ký giả sức khỏe của Epoch Times, bà Terri Ward, gần đây đã viết một hướng dẫn cơ bản về bệnh viêm loét đại tràng, giải thích về “các triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên.”
Bài viết này sẽ đi sâu vào phần nội dung cuối cùng của danh sách, một tổng quan hệ thống được công bố vào tháng Ba trên Nutrients (Tập san Dinh dưỡng), đưa ra chính xác quan điểm của tác giả về vấn đề này. Nghiên cứu này xem thuốc thảo dược (các hợp chất có nguồn gốc từ thực vật có đặc tính chữa bệnh) là liệu pháp điều trị viêm loét đại tràng.
18 bài thuốc thảo dược đã được nghiên cứu
Nghiên cứu đã kiểm tra 18 loại thảo dược và trong nhiều thế kỷ qua, một số loại thảo dược trong số 18 loại thảo dược này đã được dùng để điều trị ở các nước bên ngoài Hoa Kỳ. Bài viết này đề cập đến 4 loại thảo dược hàng đầu được nghiên cứu về cách sử dụng, lợi ích đối với bệnh viêm loét đại tràng, và hiệu quả so với các loại thuốc thông thường.
1. Nghệ
Một trong những hợp chất thảo dược được nghiên cứu nhiều nhất và sẵn có là Curcuma longa, còn được gọi là curcumin hoặc nghệ. Phân tích năm 2021 cho thấy, thành viên thuộc họ gừng này đã đưa ra một kết quả đầy hứa hẹn.
Một số hạn chế của phân tích là quy mô nghiên cứu thường nhỏ và liều lượng cũng khác nhau. Do đó, việc tìm ra một công thức chính xác trong các thử nghiệm lâm sàng là điều tương đối khó.
Tuy nhiên, đánh giá mới năm 2024 cho thấy “sự cải thiện về tỷ lệ thuyên giảm lâm sàng, đáp ứng [điều trị] và mức độ [thuyên giảm] được quan sát qua nội soi” khi sử dụng curcumin.
Công nghệ hiện đại đóng vai trò chính trong việc đưa nghệ đến những vị trí viêm ruột nặng. Các nhà khoa học sử dụng các hạt nano mới để đưa chất curcumin đến vị trí mục tiêu.
Theo kết quả của một nghiên cứu năm 2022, việc uống các viên hình cầu kích thước nano có nguồn gốc từ củ nghệ này “đã cho thấy tác dụng chống viêm vượt trội” trong cả thử nghiệm trong ống nghiệm và trong cơ thể sống.
Thậm chí, nghệ trong các món ăn cũng là một chất kích thích mạnh mẽ cơ chế chữa bệnh của cơ thể. Tuy nhiên, nghệ được hấp thụ theo đường ăn uống có sinh khả dụng tự nhiên thấp, có thể được cải thiện bằng cách thêm hạt tiêu đen – như đã nêu trong một bài báo gần đây của Epoch Times.
2. Thanh đại
Thanh đại được dùng nhiều trong Trung y. Mặc dù việc ăn Thanh đại có thể gây ra tác dụng phụ nhưng Trung y vẫn khuyến khích nên dùng Thanh đại như một liệu pháp điều trị tại chỗ, đặc biệt là trong bệnh viêm loét đại tràng bên trái mạn tính.
Hơn nữa, theo một đánh giá được công bố trên Immunological Medicine (Tập san Miễn dịch Y khoa), các thành phần hoạt chất trong cây Thanh đại “có thể kích thích quá trình làm lành vết thương ở niêm mạc” ruột.
Một “nghiên cứu nhãn mở không đối chứng tiến cứu” trên quy mô nhỏ đầy hứa hẹn đã điều tra về tác dụng chữa bệnh của Thanh đại ở 33 bệnh nhân viêm loét đại tràng. Những bệnh nhân có các triệu chứng từ trung bình đến nặng được dùng 2g Thanh đại tự nhiên mỗi ngày trong 1 năm. Trong quá trình thử nghiệm, các bác sĩ sẽ quan sát tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân ở tuần thứ 0, tuần thứ 4 và tuần thứ 52.
Mặc dù 17 bệnh nhân có phản ứng bất lợi nhưng chỉ có 3 bệnh nhân bị viêm đại tràng tiến triển. Có 48% bệnh nhân được chữa lành mô niêm mạc sau 4 tuần. Tỷ lệ này tăng lên 70% sau 52 tuần. Theo nghiên cứu, tỷ lệ thuyên giảm lâm sàng ở tuần thứ 4, 8 và 52 lần lượt là 67%, 76% và 73%.
3. Hoàng cầm
Hoàng cầm là chủ đề của một số nghiên cứu trong những năm gần đây. Hầu hết đều tập trung vào xem xét tác dụng của Hoàng cầm đối với hệ vi sinh vật đường ruột, hàng rào niêm mạc và chuyển hóa acid amin.
Ngay từ năm 220 sau Công nguyên, vị danh y người Trung Hoa Trương Trọng Cảnh đã ghi nhận tác dụng của Hoàng cầm trong cải thiện rối loạn tiêu hóa trong chuyên luận y học nổi tiếng “Thương Hàn Luận.”
Việc làm rõ cơ chế của loại thảo dược này là mục tiêu của một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Phytomedicine (Tập san Thuốc thực vật). Kết quả cho thấy thực vật có thể kích hoạt “đường dẫn tín hiệu mTOR” điều chỉnh “sự trao đổi chất, tăng trưởng, tăng sinh và sống sót của tế bào.”
Hoàng cầm cũng có thể giúp bình thường hóa hệ vi sinh vật đường ruột, hoạt động như một bộ điều biến mạnh mẽ các phản ứng tự miễn trong cơ thể, giúp kiểm soát sự hấp thu acid amin và bảo vệ hàng rào niêm mạc ruột.
Một nghiên cứu trên động vật năm 2021, được công bố trên International Journal of Biological Macromolecules (Tập san Quốc tế về Đại phân tử Sinh học), cho thấy Hoàng cầm có thể là một ứng cử viên cho loại thuốc thế hệ mới chống lại bệnh viêm loét đại tràng. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phân lập được các đơn vị glycosyl cùng loại có tên SP2-1 từ Hoàng cầm.
Điều trị bằng SP2-1 không chỉ làm tăng đáng kể các lợi khuẩn trong đường ruột như Bifidobacteria và Lactobacillus mà còn ức chế “vi khuẩn Bacteroides, Proteobacteria và Staphylococcus”.
SP2-1 cũng ức chế cytokine gây viêm, do đó có tác động tích cực đến hệ miễn dịch và sức khỏe của máu.
Vào năm 2022, một nghiên cứu khác tập trung vào việc sử dụng thuốc Hoàng cầm sắc (HQD) trong điều trị viêm loét đại tràng. Các nhà nghiên cứu “kết hợp phân tích tin sinh học, dược lý mạng và lắp ghép phân tử để khám phá các cơ chế.”
Kết quả rất hứa hẹn, “đã sàng lọc được 161 thành phần có hoạt tính với 486 mục tiêu hiệu quả của HQD. 1,542 trường hợp viêm loét đại tràng được điều trị hiệu quả.”
Các thành phần có hoạt tính của loại thảo mộc này tác động qua nhiều con đường để chữa lành nhiều mục tiêu khác nhau trong bệnh viêm loét đại tràng.
Trung y phân loại Hoàng cầm là một loại thuốc thảo dược có tác dụng toàn diện đối với các bệnh về tiêu hóa, bao gồm thanh nhiệt, trừ ẩm và thải độc.
4. Cam thảo
Một nghiên cứu được công bố trước đã đề cập đến một loại thảo dược Trung y khác, đôi khi được xem là loại thảo dược quan trọng nhất để điều trị viêm loét đại tràng. Đó là cam thảo.
Nghiên cứu xác nhận tác dụng chữa bệnh của cam thảo đối với viêm loét đại tràng. Cam thảo kích thích quá trình đổi mới tế bào (mitophagy), giúp loại bỏ các bào quan tổn thương để ngăn ngừa sự tích tụ, chết tế bào trong tương lai và quá tải chất độc.
Cam thảo cũng có tác dụng chống viêm và có đặc tính bảo vệ hệ tiêu hóa.
Chiết xuất cam thảo là trọng tâm của một tổng quan hệ thống năm 2022, chứng minh vai trò hiệu quả của Cam thảo trong các nghiên cứu tiền lâm sàng.
Giống như với Hoàng cầm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng mạng lưới dược lý, một hệ thống phương pháp mới để hiểu thêm về cơ chế của dược liệu.
Kỹ thuật này cho thấy “khả năng chống viêm, chống oxy hóa, tác dụng điều hòa miễn dịch và cân bằng nội môi của hệ vi sinh vật là cơ chế điều trị chủ yếu của chiết xuất cam thảo và các hợp chất hoạt động của cam thảo trong điều trị viêm loét đại tràng.”
Trong một nghiên cứu trên động vật năm 2023, những con chuột bị viêm loét đại tràng được điều trị bằng hợp chất cam thảo cho thấy có sự cải thiện nhờ giảm viêm, giảm căng thẳng oxy hóa và tăng khả năng tự thực của ty thể.
Số lượng nghiên cứu về hiệu quả của cam thảo trong trường hợp viêm loét đại tràng đã tăng lên trong những năm gần đây.
Quan điểm của nhà thảo dược học
Vì là một nhà thảo dược cộng đồng nên tôi nghĩ đến một số loại thảo mộc bổ sung giúp chữa lành bệnh viêm loét đại tràng. Những loại thuốc thảo dược này không được phân tích trong tổng quan hệ thống quy mô lớn ở trên. Tuy nhiên, tôi thấy những thảo dược này xứng đáng được đề cập đến vì tính ôn và khả năng điều trị bệnh hiệu quả chúng.
1. Du trơn
Đôi khi được gọi là “thuốc thảo dược đa năng,” có thể điều trị mọi loại kích ứng và viêm. Du trơn là một chất làm dịu, chống viêm và làm dịu vết thương.
Chất nhầy của du trơn giúp nuôi dưỡng và làm dịu toàn bộ đường tiêu hóa. Loại thảo mộc này chứa nhiều muối khoáng, có tác dụng trung hòa lượng acid dạ dày tiết ra quá mức, củng cố niêm mạc ruột bị teo và trợ giúp chức năng tiêu hóa bình thường.
2. Thục quỳ
Thục quỳ là một loại thảo dược tính nhớt khác có tác dụng kích thích miễn dịch chống viêm. Thục quỳ giúp làm ẩm, làm dịu các mô bị viêm, và là một phương thuốc bổ sung cho mọi loại “viêm loét,” bao gồm cả viêm loét đại tràng.
3. Tình thảo sao
Tình thảo sao là một loại thảo mộc dịu nhẹ, nhiều khoáng chất, có chất nhầy với đặc tính chống viêm và làm lành vết thương rất tốt. Tình thảo sao thường được dùng để điều trị cho nhiều loại loét và có thể được sử dụng như một chất gia tăng dinh dưỡng và chữa lành mô cho viêm loét đại tràng.
Khuyến nghị về trà thuốc và nước trái cây
Du trơn và thục quỳ có thể được dùng để làm trà chữa bệnh. Thêm 1 thìa cà phê thảo mộc vào 240ml nước lạnh, đun nhỏ lửa và ngâm trong 15 – 20 phút (các loại thảo mộc có tính nhớt không thích hợp với nhiệt độ cao). Uống 3 – 4 chén mỗi ngày.
Tuy nhiên, du trơn được hấp thụ tốt nhất dưới dạng dung dịch lạnh, có thể dùng cùng một tỷ lệ như trên và ngâm trong vài tiếng.
Tình thảo sao sẽ được hấp thụ tốt nhất ở dạng nước ép thay vì ngâm (tối đa 3 chén mỗi ngày). Mặc dù vậy, có thể pha thành trà bằng cách ngâm 2 thìa cà phê thảo dược trong 240ml nước nóng (không đun sôi) trong một tiếng (uống 3 chén mỗi ngày).
Phương pháp điều trị thông thường, thuốc và tác dụng phụ
Nghiên cứu về hiệu quả của các liệu pháp thảo dược không được thực hiện thường xuyên, và có vẻ như nghiên cứu về các phương pháp điều trị thông thường cũng vậy.
Một lược sử lý thuyết năm 2019 được công bố trên World Journal of Gastroenterology (Tập san Thế giới về Tiêu hóa) đã ghi nhận sự khan hiếm “bằng chứng chất lượng cao đánh giá về các liệu pháp thông thường trong điều trị MS-IBD [bệnh viêm ruột từ trung bình đến nặng].”
Theo nghiên cứu, các liệu pháp thông thường là corticosteroid (prednisone, hydrocortisone, budesonide, prednisolone, dexamethasone), dẫn xuất acid 5-aminosalicylic (mesalazine và sulfasalazine), và thuốc ức chế miễn dịch (azathioprine, methotrexate, mycophenolate, cyclosporine, tacrolimus, 6- mercaptopurin).
Thật không may, các liệu pháp này thường đi kèm với rất nhiều tác dụng phụ.
Thuốc chống viêm
1. 5-Aminosalicylat
5-aminosalicylat đường uống dường như gây ra các triệu chứng tương tự như những triệu chứng khó chịu của bệnh.
Một đánh giá bao gồm 44 nghiên cứu riêng biệt về việc sử dụng thông thường các loại thuốc này đã liệt kê các phản ứng bất lợi thường xảy ra như “đầy hơi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, khó tiêu và viêm mũi họng (viêm đường mũi).
2. Corticosteroid
Corticosteroid được kê toa, sử dụng trong các trường hợp bệnh từ trung bình đến nặng và rất nhiều tình trạng sức khỏe khác trong các chuyên khoa y tế nhờ tác dụng ức chế miễn dịch.
Corticosteroid bao gồm “các chất trung gian hormone được sản xuất bởi vỏ tuyến thượng thận, gồm glucocorticoids, mineralocorticoid và hormone giới tính androgen.”
Một bài viết được cập nhật vào năm 2023 đã đưa ra những cảnh báo đáng sợ về việc sử dụng corticosteroid lâu dài có thể dẫn đến một số phản ứng phụ nguy hiểm không thể khắc phục, bao gồm tăng cân, rối loạn giấc ngủ, phù chân, trầm cảm và tăng huyết áp.
Thuốc ức chế miễn dịch
Hầu hết các nghiên cứu chỉ ủng hộ việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong bệnh Crohn. Theo một công bố trên Gut (Tập san Đường ruột), mặc dù thiếu bằng chứng về hiệu quả thuốc ức chế miễn dịch nhưng vẫn là phương pháp điều trị chính trong bệnh viêm loét đại tràng.
1. Azathioprine và Mercaptopurine
Các tác dụng phụ nhỏ của azathioprine và mercaptopurin được biểu hiện dưới dạng các triệu chứng giống như cúm, buồn nôn hoặc nôn. Một tác dụng phụ tiềm ẩn và trầm trọng hơn là tăng nguy cơ mắc u lympho. Một phân tích gộp đã cho thấy việc điều trị viêm loét đại tràng bằng thuốc điều hòa miễn dịch azathioprine và 6-mercaptopurin có nguy cơ u lympho tăng gấp 4 lần. Các nhà nghiên cứu không biết liệu điều này là do mô hình bệnh tiềm ẩn, do thuốc hay do sự kết hợp.
Những loại thuốc này cũng gây nguy cơ cao cho gan và tuyến tụy, vì vậy cần phải theo dõi thường xuyên các chỉ số máu của bệnh nhân.
2. Cyclosporin
Cyclosporine đã được biết là làm tăng cholesterol toàn phần. Trong một nghiên cứu được công bố trên Scandinavian Journal of Gastroenterology (Tập san Tiêu hóa Scandinavia), 52 trong số 72 bệnh nhân đã có phản ứng bất lợi sau 9 tháng dùng thuốc.
3. Thuốc ‘phân tử nhỏ’
Các loại thuốc phân tử nhỏ sử dụng nhiều “mục tiêu thuốc mới,” bao gồm các chất điều chỉnh bệnh, chất điều biến và chất ức chế.
Vào năm 2021, sau một thử nghiệm lâm sàng về an toàn, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cảnh báo về các phản ứng có hại trầm trọng của thuốc, bao gồm “các vấn đề liên quan đến tim và ung thư.” Năm 2022, cơ quan này đặt Cảnh báo hộp đen đối với loại thuốc ‘phân tử nhỏ’. Các loại thuốc được thử nghiệm bao gồm Xeljanz và Xeljanz XR (hoạt chất tofacitinib).
Tuy nhiên, theo Bệnh viện Mayo Clinic, “Những loại thuốc này có thể có hiệu quả khi các liệu pháp khác không có tác dụng.”
Sinh học
Các nhà nghiên cứu không biết chính xác nhưng nghĩ rằng yếu tố kích hoạt của viêm loét đại tràng có thể là do các phản ứng miễn dịch bất thường. Liệu pháp sinh học nhắm mục tiêu và vô hiệu hóa chính xác các protein này trong hệ thống miễn dịch. Các loại thuốc như Infliximab, adalimumab hoặc golimumab được gọi là TNFs – chất ức chế yếu tố hoại tử khối u.
Một cuốn sách được lưu trong Thư viện Y khoa Quốc gia cho biết về việc các nhà nghiên cứu đã kiểm tra về sự phát triển của khối u ác tính ung thư, suy tim sung huyết, rối loạn mất myelin và bệnh lupus do thuốc. Bệnh nhân cũng báo cáo về các vấn đề liên quan đến thần kinh và tổn thương da.
Một nghiên cứu cho biết: “Có những bất thường trầm trọng về chức năng gan xuất hiện khi điều trị bằng infliximab.”
“Xét cho cùng, việc từ chối các liệu pháp điều trị hiệu quả này ở những bệnh nhân mắc bệnh ruột viêm ở dạng trung bình và nặng là không chính đáng.”
Các loại thuốc khác thường được sử dụng trong điều trị viêm loét đại tràng bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống co thắt, thuốc chống tiêu chảy và bổ sung sắt.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times