Thanh thiếu niên có thể bị liệt dây thanh âm do COVID
Một báo cáo trường hợp liên quan đến một cô gái 15 tuổi cho thấy COVID-19 có thể gây liệt dây thanh âm.
Mặc dù người ta biết rằng virus COVID-19 có thể gây tổn thương phổi nhưng cũng có thể gây hại cho nhiều cơ quan khác.
Vào ngày 19/12/2023, tập san Nhi khoa đã công bố báo cáo trường hợp kể chi tiết về một cô gái 15 tuổi phát triển các biến chứng sau nhiễm COVID-19 dẫn đến liệt dây thanh âm hai bên và phải mở khí quản để thở. Thiết bị mở khí quản vẫn được giữ nguyên trong 15 tháng trước khi tháo ra.
Bệnh nhân này có triệu chứng nghẹt mũi, sốt và mệt mỏi hai tuần trước khi bị liệt dây thanh âm. Sau đó, cô có kết quả dương tính với COVID-19 bằng xét nghiệm kháng nguyên tại nhà. Chín ngày sau, bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng khó thở cấp tính, trầm trọng hơn khi gắng sức, khiến cô phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.
Bệnh nhân có biểu hiện thở rít từng đợt nhưng độ bão hòa oxy trong máu vẫn bình thường. Hơn nữa, một loạt xét nghiệm, bao gồm cả xét nghiệm COVID-19, đều cho kết quả âm tính. Đáng chú ý là cô có tiền sử bệnh hen suyễn và lo âu. Do nghi ngờ lên cơn hen, bác sĩ đã kê đơn thuốc steroid và thuốc giãn phế quản nhưng không có cải thiện. Bệnh nhân cũng đã thực hiện trị liệu âm ngữ nhưng vẫn không mang lại kết quả.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân tiếp tục thở rít và khó nuốt, yếu nửa người trái, cảm giác châm chích và dáng đi loạng choạng. Cô đã trải qua các cuộc tư vấn về tai mũi họng, tâm lý học, thần kinh, bệnh lý ngôn ngữ và phẫu thuật thần kinh. Nội soi thanh quản cho thấy phạm vi chuyển động của dây thanh âm của bệnh nhân giảm trầm trọng ở cả hai bên. Triệu chứng yếu nửa người trái và cảm giác châm chích được xác định là có thể liên quan đến chức năng, nhưng không thể loại trừ khả năng nguyên nhân liên quan đến COVID-19.
Để giảm bớt các triệu chứng về hô hấp, bác sĩ đã chích chất độc botulinum (Botox) vào cơ họng của bệnh nhân – một phương pháp được chứng minh là có thể điều trị một số bệnh về họng ở trẻ em. Thật không may, các triệu chứng vẫn tiếp diễn. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật mở khí quản, giúp giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên, chức năng dây thanh âm của cô vẫn bị suy giảm và tính đến thời điểm viết báo cáo trường hợp, cô đã phải phẫu thuật mở khí quản trong 13 tháng.
COVID-19 ở trẻ em
Trẻ em chiếm 18% tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu trước đây cho thấy virus COVID-19 có thể dẫn đến các biến chứng về thần kinh, bao gồm đau đầu, co giật và bệnh lý thần kinh ngoại biên. Trường hợp này cho thấy tình trạng liệt dây thanh âm có thể là một di chứng thần kinh khác của virus.
Bác sĩ Danielle Reny Larrow, tác giả chính của báo cáo trường hợp này và là bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Tai và Mắt Massachusetts (bệnh viện giảng dạy của Trường Y Harvard) đã tuyên bố trong thông cáo báo chí rằng khi xem xét mức độ phổ biến của virus COVID-19 ở trẻ em, bất kỳ trẻ nhỏ nào xuất hiện các triệu chứng thở, nói hoặc nuốt sau khi nhiễm COVID-19 gần đây đều nên được đánh giá về biến chứng mới tiềm ẩn này. Cô nhấn mạnh rằng những triệu chứng như vậy có thể dễ bị quy cho các tình trạng phổ biến hơn như hen suyễn.
Tiến sĩ Christopher Hartnick, Giám đốc Khoa Tai mũi họng Nhi khoa và Trung tâm Đường thở, Giọng nói và Nuốt Nhi khoa tại Tai và Mắt Massachusetts, cho biết sau khi nộp báo cáo trường hợp, cuối cùng các bác sĩ có thể tháo thiết bị mở khí quản ra khỏi người bệnh nhân. Như vậy cô có thể tham dự lễ tốt nghiệp trung học và vũ hội của mình, sau 15 tháng kể từ khi thực hiện thủ thuật mở khí quản đầu tiên.
Liệt dây thanh âm do COVID ở người lớn
Theo báo cáo trường hợp do các nhà nghiên cứu từ Mount Sinai Health System (Hệ thống Y tế Mount Sinai) công bố vào năm 2021 ở Hoa Kỳ, từ tháng 05/2020 đến tháng 01/2021, có ít nhất 16 người lớn bị liệt dây thanh âm hoặc yếu cơ. Bệnh nhân liên tục báo cáo sự thay đổi trong giọng nói của họ khi lần đầu bị nhiễm trùng đường hô hấp trên và có các triệu chứng COVID-19. Thời gian từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi tìm kiếm sự chăm sóc y tế thay đổi từ một đến bảy tháng, trung bình là ba tháng. Bốn bệnh nhân đã được kiểm tra điện cơ thanh quản (LEMG), xác nhận chẩn đoán 100% bệnh lý thần kinh.
Báo cáo đã mô tả các cơ chế của bệnh lý thần kinh sau nhiễm virus, bao gồm nhiễm virus trực tiếp gây viêm dây thần kinh cấp tính, virus kết hợp với DNA trong hạch thần kinh, nơi virus không hoạt động đến khi được kích hoạt bởi các yếu tố bên ngoài và phản ứng qua trung gian miễn dịch dẫn đến sản xuất kháng thể. Sau đó những kháng thể này sẽ phá hủy các tế bào thần kinh có bao myelin, dẫn đến bệnh lý thần kinh. Bệnh thần kinh phế vị sau virus thường xảy ra sau nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính, dẫn đến suy giảm cả chức năng cảm giác và vận động của dây thần kinh phế vị.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times