Tận hưởng mùa lễ với các loại gia vị có nhiều lợi ích sức khỏe
Nhiều loại thảo mộc và gia vị được dùng trong mùa lễ là những món quà chứa đựng nhiều lợi ích sức khỏe, giúp tăng thêm sự hấp dẫn cho các bữa ăn và thức uống yêu thích của bạn.
Một trong những điều tuyệt vời nhất của mùa lễ hội là mùi hương thơm thoang thoảng hấp dẫn tỏa ra từ gian bếp. Quế, cam, nhục đậu khấu, và hạt tiêu tràn ngập không khí – là một trong những hương vị tinh túy của mùa lễ.
Hãy cùng xem một số loại gia vị phổ biến nhất trong ngày lễ và cách mà các các loại gia vị này giúp cải thiện sức khỏe như thế nào, bên cạnh việc tăng sự hấp dẫn cho các món ăn.
Quế
Trong những ngày nghỉ lễ, mùi quế tràn ngập các quán cà phê, tiệm bánh, và nhà hàng địa phương chuyên phục vụ các món ăn ngày lễ. Quế là sự kết hợp hoàn hảo giữa ngọt và cay, rất hợp với chocolate, cà phê và hầu hết các món tráng miệng. Giống như tất cả các loại gia vị khác, quế cũng có rất nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng và đã được dùng trong nấu ăn cũng như làm thuốc trong nhiều thế kỷ qua.
Theo các ghi chép lịch sử, quế từng quý hơn vàng, có thời quế là loại gia vị đem lại lợi nhuận cao nhất cho Công ty Đông Ấn Hà Lan – một công ty thương mại được thành lập vào năm 1602.
Quế có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, chống ký sinh trùng, chống tiểu đường, chống tăng mỡ máu, chống ung thư.
Các nghiên cứu cho thấy quế giúp giảm mức đường huyết và huyết áp. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy quế làm giảm cholesterol và có tác dụng tốt đối với tim.
Quế còn được biết đến như một loại thuốc chống nấm. Tinh dầu quế kết hợp với dầu ô liu có tác dụng kháng nấm, chống lại các bệnh nhiễm nấm khác nhau, bao gồm cả một số loại nấm candida thường lây nhiễm cho người.
Nghiên cứu cho thấy tinh dầu quế có tác dụng kháng nấm tốt hơn nystatin – một loại thuốc phổ biến dùng để điều trị nhiễm nấm hoặc nấm men trên da. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ của dầu quế càng cao thì tác dụng kháng nấm càng mạnh.
Trong y học Ayurvedic (y học cổ truyền của Ấn Độ), quế được dùng để điều trị nhiều loại rối loạn chức năng tình dục. Một nghiên cứu năm 2013 đã xác nhận công dụng này và phát hiện ra rằng quế cải thiện chứng rối loạn chức năng tình dục liên quan đến tuổi tác ở chuột Wistar.
Gừng
Là một loại thảo mộc có tính ấm, gừng là sự bổ sung hoàn hảo cho các công thức nấu ăn ngày lễ trong những tháng mùa thu và mùa đông lạnh giá. Gừng thường được pha thành trà, dùng làm kẹo, đồ nướng, thực phẩm, thuốc và rượu để tăng thêm hương vị thơm ngon, ấm áp và nhiều lợi ích sức khỏe.
Trong nhiều thiên niên kỷ, gừng đã được sử dụng trong nhiều nền văn hóa trên thế giới với mục đích chữa bệnh, bao gồm người Ai Cập, La Mã, Hy Lạp và Trung Hoa.
Trong y học Ayurvedic, gừng dùng để điều hòa hệ tiêu hóa, kích thích hệ thần kinh, và điều trị cơn đau.
Gừng là loại thảo dược cơ bản trong Trung y, giúp làm sạch cơ thể, loại bỏ độc tố, là loại thuốc bổ dương để làm ấm cơ thể và nâng cao tinh thần. Gừng có tác dụng làm dịu hệ tiêu hóa và thường được dùng để điều trị các chứng khó chịu ở dạ dày, bao gồm buồn nôn, nôn, táo bón, ốm nghén, ợ chua, đầy hơi và ngộ độc thực phẩm.
Được biết đến với đặc tính chống viêm và khả năng tăng sức đề kháng, gừng có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh mẽ, đã được chứng minh là có tác dụng chống ung thư.
Một nghiên cứu năm 2018 về tiềm năng bảo vệ và điều trị của chiết xuất gừng, bao gồm hợp chất sinh học mạnh nhất 6-gingerol, đã phát hiện ra rằng “các dẫn xuất của gừng, ở dạng chiết xuất hoặc các hợp chất biệt lập, có tác dụng chống tăng sinh, chống ung thư, xâm lấn, và chống viêm.”
Gừng cũng được dùng để điều chỉnh đường huyết, giúp giảm cân, chống loét dạ dày, giảm cholesterol, cải thiện hoạt động trí óc, chống nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm.
Gừng có nhiều dạng, bao gồm: tươi, khô, xay, kẹo và thậm chí ở dạng tinh dầu. Vì vậy, bạn có thể kết hợp loại thảo mộc thơm ngon này vào cuộc sống theo nhiều cách khác nhau để tận hưởng hương vị và lợi ích sức khỏe.
Đinh hương
Đinh hương là một loại gia vị khác mà chúng ta thấy rất nhiều trong các dịp lễ, có lịch sử sử dụng lâu dài trong nấu ăn và làm thuốc. Theo truyền thống, đinh hương được dùng để điều trị nhiễm trùng và đau.
Đinh hương có đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng virus, và chống viêm mạnh. Eugenol là hợp chất hoạt tính sinh học chính của đinh hương, nghiên cứu cho thấy đinh hương có thể có đặc tính chống ung thư.
Theo bằng chứng từ các nghiên cứu tiền lâm sàng, eugenol có hiệu quả chống lại các bệnh ung thư như vú, cổ tử cung, phổi, tuyến tiền liệt, khối u ác tính, bệnh bạch cầu, u xương ác tính, u thần kinh đệm, v.v… Điều này cho thấy eugenol có tiềm năng to lớn trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư.
Tinh dầu đinh hương, chứa khoảng 89% eugenol, cũng là một chất chống nấm mạnh, có khả năng chống lại nấm men Candida, nấm Aspergillus và dermatophyte gây bệnh trên da.
Đinh hương kết hợp tốt với các loại thịt và cà ri, rất hợp với táo và bí ngô, đồng thời là loại nguyên liệu bổ sung thơm ngon để làm ấm thức uống trong dịp lễ. Đinh hương là loại gia vị có tính ấm với hương vị đậm đà, cay nồng, vì vậy bạn chỉ cần một chút để có được cảm giác ngon miệng tối đa. Một số người cho rằng khi nếm mà thấy có vị đinh hương trong miệng thì có nghĩa là đã quá nhiều.
Hạt nhục đậu khấu
Với mùi thơm đậm đà, nhục đậu khấu là loại gia vị bổ sung hoàn hảo cho bất kỳ bàn ăn ngày lễ nào. Đóng vai trò như một thành phần thiết yếu trong món rượu trứng ngày lễ, nhục đậu khấu rất hợp với các món ngọt và mặn, đồng thời là món bổ sung thơm ngon cho hầu hết các loại rau củ – đặc biệt với bí ngô và khoai lang. Nhục đậu khấu kết hợp hoàn hảo với các sản phẩm từ sữa, làm tăng hương vị cho bánh ngọt, bánh quy, bánh mì và bánh nướng.
Hạt nhục đậu khấu có nhiều lợi ích về mặt y học, từ lâu đã được dùng trong các bài thuốc truyền thống. Trong y học Ayurvedic, hạt nhục đậu khấu tốt cho tiêu hóa, cầm tiêu chảy, làm dịu thần kinh, giảm căng thẳng, và cải thiện giấc ngủ. Trong Trung y, hạt nhục đậu khấu là một loại thảo mộc có tính ấm, được gọi là Rou Dou Kou được dùng để cải thiện tiêu hóa, điều trị tiêu chảy do đặc tính làm se. Loại gia vị này cũng giúp kích thích lưu thông khí (năng lượng sống của cơ thể), huyết và giảm đau.
Các nghiên cứu cho thấy hạt nhục đậu khấu có tác dụng làm giảm đau, giảm viêm, cải thiện giấc ngủ. Nếu thấy khó ngủ, bạn nên dùng một phương thuốc tự nhiên tuyệt vời là thêm một chút hạt nhục đậu khấu (một ít sẽ có tác dụng lâu dài) vào một ly sữa ấm và uống trước khi đi ngủ.
Hạt tiêu
Cho dù với tên gọi nào thì hạt tiêu cũng không phải là hỗn hợp của nhiều loại gia vị khác nhau mà là một loại gia vị được làm từ trái mọng của cây nhiệt đới Pimenta dioica có nguồn gốc từ Jamaica, Tây Ấn, Trung Mỹ. Loại gia vị ngọt và mặn này rất phù hợp trong các món ăn ngày lễ như bánh quy, bánh ngọt, bánh nướng, súp, rượu vang, rượu táo, và nhiều loại thịt.
Hạt tiêu là hương vị nổi bật trong gia vị khô của Jamaica, bất kỳ công thức nấu ăn nào cũng đều thêm một chút (hoặc rất nhiều) hạt tiêu.
Hạt tiêu có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và chứa eugenol – một hợp chất hữu ích cũng có trong đinh hương, quế, gừng, nghệ, tiêu, lá oregano và húng tây.
Các nghiên cứu cho biết rằng eugenol có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa, và chống ung thư.
Hoa hồi
Hoa hồi là trái khô của cây Illicium verum (cây hồi) – một thành viên của họ mộc lan, có nguồn gốc từ Trung Hoa và Việt Nam. Hoa hồi có thể được dùng trong các món ngọt hoặc mặn, là nguyên liệu bổ sung phổ biến cho các món ăn ngày lễ như súp, món hầm, nước dùng, thịt, rượu táo ngâm và các món tráng miệng khác nhau. Hoa hồi có vị ngọt-tiêu-cam thảo.
Hoa hồi là một trong năm loại gia vị, kết hợp cùng tiêu Tứ Xuyên, thì là, quế và đinh hương, tạo nên loại bột ngũ vị hương nổi tiếng của Trung Hoa.
Hoa hồi được dùng trong ngành dược phẩm nhờ nguồn dồi dào acid shikimic cần thiết để sản xuất thuốc chống cúm oseltamivir (Tamiflu).
Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy cây hồi đã được chứng minh là có tác dụng kháng khuẩn, giúp chống lại 67 chủng vi khuẩn kháng kháng sinh.
Cây hồi cũng có hoạt tính kháng nấm, một nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy, chiết xuất và tinh dầu của cây hồi có đặc tính kháng nấm Candida albicans, một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm nấm như bệnh tưa miệng và nhiễm nấm âm đạo.
Lời kết
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.