Sự thật ngọt ngào: Mật ong có phải là giải pháp thay thế đường lành mạnh?
Việc tích tụ quá nhiều đường lâu ngày có thể gây ra chứng gan nhiễm mỡ, viêm và rối loạn trao đổi chất, tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường, bệnh tim và béo phì. Mật ong là một chất làm ngọt tự nhiên mà con người đã sử dụng trong hàng ngàn năm và nhiều người tin rằng mật ong có những đặc tính độc đáo tốt sức khỏe. Vậy mật ong có tốt cho sức khỏe hơn đường không?
Thành phần của mật ong
Tên khoa học của đường tinh chế mà chúng ta ăn hàng ngày là sucrose. Sucrose bao gồm một phân tử glucose và một phân tử fructose, chứa 50% glucose và 50% fructose.
Mật ong là chất lỏng dạng siro do con ong tạo ra sau lấy phấn và mật hoa. Mật ong có vị ngọt, ngon, nhiều hương vị, được mọi người trên toàn thế giới yêu thích và được sử dụng trong nhiều thực phẩm và công thức nấu ăn.
Mật ong có 80% là đường tự nhiên, chủ yếu là đường fructose và glucose. Nhờ có hàm lượng fructose cao nên mật ong ngọt hơn đường ăn. Mật ong cũng chứa 18% nước, 2% còn lại bao gồm các khoáng chất, vitamin, phấn hoa và protein.
Các vitamin trong mật ong gồm có B6, riboflavin (B2), thiamin (B1), niacin (B3) và pantothenic acid (B5). Các khoáng chất tìm thấy trong mật ong bao gồm canxi, đồng, sắt, magnesium, manganese, phosphorus, potassium, sodium và kẽm.
Tác dụng của mật ong đối với sức khỏe
Mật ong chất lượng tốt được chế biến tối thiểu, không đun nấu, chứa nhiều hợp chất thực vật có hoạt tính sinh học giàu dinh dưỡng và các chất chống oxy hoá như flavonoid và acid phenolic. Mật ong có nhiều lợi ích sức khỏe nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa và các thành phần vi lượng khác.
Mật ong đậm màu thường có nhiều chất chống oxy hóa hơn mật ong sáng màu. Chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc oxy hóa và các gốc tự do trong cơ thể vốn là các chất có thể tích tụ trong tế bào và gây tổn thương, gây ra các bệnh như lão hóa sớm, tiểu đường loại 2, và bệnh tim.
Nghiên cứu về mật ong
Một số nghiên cứu cho thấy mật ong có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa bệnh tim.
Một tổng quan y văn năm 2020 trên 25 bài nghiên cứu cho thấy mật ong có thể giúp hạ huyết áp, cải thiện nồng độ mỡ trong máu, điều chỉnh nhịp tim, giảm kích thước vùng nhồi máu cơ tim và ngăn ngừa việc suy giảm chết tế bào theo chương trình (cell apoptosis). Tất cả những yếu tố này có thể cải thiện chức năng và sức khỏe của tim.
Một nghiên cứu quan sát hơn 4,500 người tham gia trên 40 tuổi cho thấy việc dùng một lượng mật ong từ ít đến vừa phải có liên quan đến tỷ lệ mắc chứng tiền cao huyết áp thấp hơn ở phụ nữ. Ngoài ra một nghiên cứu thử nghiệm trên chuột cũng cho thấy mật ong giúp bảo vệ tim mạch khỏi tổn thương do stress oxy hóa gây ra.
Ngoài ra, mật ong thô thường chứa keo ong vốn là một chất sền sệt được hình thành khi ong thu thập nhựa cây, phấn hoa hoặc mật hoa rồi trộn với nước bọt và sáp ong của chúng. Keo ong có thể cải thiện mức cholesterol và chất béo trung tính.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tiến hành các nghiên cứu dài hạn đối với mật ong và sức khỏe tim mạch trên người. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu hơn về tác dụng của mật ong đối với sức khỏe tim mạch.
Mật ong còn có một số lợi ích sức khỏe khác, chẳng hạn như làm dịu cơn ho. Ban Nhi khoa Hoa Kỳ công nhận mật ong là thuốc giảm ho tự nhiên. Băng mật ong manuka cấp dược phẩm được sử dụng lâm sàng để điều trị bỏng và loét do tỳ đè.
Vì mật ong vẫn là đường nên việc tiêu thụ quá nhiều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe giống như đường. Tuy nhiên, các thành phần vi lượng của mật ong như các chất chống oxi hóa, vitamin, khoáng chất, và enzyme hoạt động có thể giúp hạ huyết áp và cải thiện mỡ máu. Cần có thêm nhiều nghiên cứu dài hạn để xác nhận điều này, nhưng có thể yên tâm khi cho rằng mật ong có thể được sử dụng như một chất làm ngọt lành mạnh ở mức độ vừa phải.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times