Củ nghệ: Thảo dược sơ cứu có tác dụng kháng viêm, giảm đau và hạ sốt

Sơ cứu bằng thảo dược: Điều trị vết thương cấp tính bằng thuốc tự nhiên (Phần 1)

Trong loạt bài “Sơ cứu bằng thảo dược,” chúng tôi xem xét các lựa chọn thay thế tự nhiên cho phương pháp sơ cứu hiện đại, thường bao gồm các thuốc làm từ hóa chất tổng hợp. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp tự nhiên cho tình huống cấp tính, loại thảo mộc được đề cập dưới đây chính là lựa chọn an toàn, hiệu quả và dễ kiếm dành cho bạn.

Sơ cứu bằng thảo dược là gì?

Thay vì dùng các hóa chất nhân tạo để điều trị các vết thương hoặc tình trạng cấp tính, bộ sơ cứu bằng thảo dược dùng các loại thảo dược và gia vị có sẵn.

Thảo dược dùng sơ cứu cần đáp ứng các tiêu chuẩn nào?

Mặc dù có rất nhiều loại thảo dược để lựa chọn, nhưng thảo dược dùng sơ cứu cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

  • 100% tự nhiên
  • Hiệu quả trong hầu hết các tình trạng cấp tính, chẳng hạn như vết cắt, vết trầy xước, vết bầm tím, vết bỏng, vết giập, ong đốt, sốt và đau
  • Dễ vận chuyển và bảo quản
  • Thời hạn dùng dài
  • Nguy cơ quá liều hoặc tác dụng phụ không đáng kể

Trong loạt bài này, tôi sẽ chia sẻ về các loại thảo dược có công dụng sơ cứu, cách làm và cách sử dụng như thế nào.

Nghệ

Phương thuốc sơ cứu đầu tiên của tôi là nghệ. Tôi không rời khỏi nhà mà không có nó.

Củ nghệ là một loại gia vị có nguồn gốc từ thân rễ của cây Curcuma longa, một loại cây lâu năm thuộc họ gừng. Hoạt chất nổi tiếng nhất trong củ nghệ là curcumin, giúp cho củ nghệ có màu hơi vàng. Curcumin là một chất chống viêm, chống oxy hóa, kháng virus, kháng khuẩn và kháng nấm mạnh mẽ.

Củ nghệ đã được dùng an toàn làm thực phẩm và thuốc trong hơn 5,000 năm.

Giống như tổ tiên xa xưa của chúng ta, khi tôi bị nhức đầu, đau, sưng tấy hoặc sốt, thay vì tìm đến ibuprofen hoặc acetaminophen (Tylenol®), tôi lại tìm đến nghệ.

Trong khi các loại thuốc do con người tạo ra thường được cho là “hiệu quả hơn” so với loại thuốc của thiên nhiên này, nghiên cứu khoa học lại cho thấy điều ngược lại. Ví dụ, một nghiên cứu được công bố vào năm 2009, đã kết luận rằng chất chiết xuất từ củ nghệ “dường như có hiệu quả và an toàn tương tự như ibuprofen trong điều trị viêm khớp gối [viêm xương khớp].”

Phát hiện này đã được xác nhận vào năm 2014 khi một nghiên cứu thứ hai kết luận rằng nghệ “hiệu quả như ibuprofen” trong điều trị đau đầu gối và cứng khớp. Điều quan trọng là việc bổ sung nghệ dẫn đến ít tác dụng phụ hơn đáng kể, bao gồm ít đau bụng/khó chịu hơn so với ibuprofen.

Ngoài ra, ibuprofen có thể chứa một số “thành phần không hoạt động” mà tôi chọn không dùng, chẳng hạn như tinh bột ngô, titan dioxide, sắt oxid vàng, sắt oxid đỏ, polysorbate 80 và polyetylen glycol.

Bạn có thể tránh những hóa chất nhân tạo đó mà vẫn có thể giảm đau đầu, giảm đau nhức, giảm sưng và hạ sốt bằng cách tự làm hoặc mua các chế phẩm từ nghệ.

Khi nào nên dùng nghệ

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng củ nghệ có ích cho các tình trạng cấp tính sau:

  • Đau đầu
  • Giảm đau
  • Hạ sốt
  • Giảm sưng
  • Chống côn trùng
  • Giảm ngứa
  • Chữa lành vết thương trên da nhanh hơn, chẳng hạn như vết cắt nhỏ, vết trầy xước và vết bầm tím
  • Cải thiện tiêu hóa và giảm đầy hơi
  • Phục hồi nhanh hơn khi bị ho hoặc đau họng
  • Phục hồi nhanh hơn từ tổn thương cơ do tập thể dục

Các chế phẩm từ củ nghệ

Mặc dù tiêu thụ trực tiếp củ nghệ sống là một phương thuốc hiệu quả, nhưng củ nghệ rất dễ hỏng, khiến cho việc dùng củ nghệ để sơ cứu là không thực tế. Tương tự như vậy, trà nghệ là một phương thuốc hiệu quả; tuy nhiên, chúng ta cần nước ấm và thời gian ủ trà, điều này không lý tưởng trong trường hợp cấp cứu.

Các lựa chọn tốt nhất cho bộ dụng cụ sơ cứu bao gồm nghệ ngâm rượu, thuốc đắp và viên nang (khô, dạng bột). Tôi luôn có sẵn ba chế phẩm này.

Đối với các vết kích ứng da, tôi thích đắp bột nghệ hơn. Đối với hầu hết các tình trạng khác, tôi thích dùng nghệ ngâm rượu hơn trong bộ sơ cứu của mình. Nghệ ngâm rượu có công dụng mạnh, dễ làm, có thể dùng ngay mà không cần chuẩn bị gì và dễ dàng dùng hơn cho những đứa trẻ khó nuốt viên nang của tôi.

Trong trường hợp tôi hết cồn, viên nang nghệ là phương án dự phòng của tôi.

Bạn có thể mua hoặc tự làm những chế phẩm này.

Dưới đây là các công thức nghệ ngâm rượu, thuốc đắp và viên nang cùng với liều lượng thông thường của tôi.

Đôi lời về chất lượng củ nghệ

Không phải tất cả nghệ đều được tạo ra như nhau. Một số nhãn hiệu nghệ khô được cho là có chứa hàm lượng kim loại nặng cao. Tương tự như vậy, một số nhãn hiệu viên nang nghệ được cho là có chứa hàm lượng vi khuẩn và chì cao.

Do đó, khi có thể, tôi trồng củ nghệ hữu cơ và tự bào chế các phương thuốc của riêng mình. Khi mua, tôi thích những sản phẩm đã được kiểm tra kim loại nặng, thuốc diệt cỏ glyphosate, vi khuẩn và không bức xạ.

Nghệ ngâm rượu

Ban đầu tôi khá e ngại khi làm rượu nghệ vì nếu tôi pha không đúng, sản phẩm sẽ bị nổi mốc hoặc nếu thuốc quá mạnh thì người nhà sẽ bị bệnh. Do đó, khi tôi bắt đầu dùng rượu nghệ, tôi đã mua từ một công ty mà tôi tin tưởng. Vài tháng sau, tôi muốn đặt hàng thêm, nhưng công ty đã hết hàng nên tôi bắt đầu tự làm. Tôi chưa bao giờ đặt hàng nữa vì việc làm thứ rượu thuốc này rất tiết kiệm chi phí và đơn giản đến mức ngay cả những đứa trẻ của tôi cũng có thể dễ dàng làm mà không cần sự giúp đỡ của tôi.

Công thức nghệ ngâm rượu của tôi như sau

Nguyên liệu cho 700ml (24 ounces)

  • 1 chén củ nghệ tươi hữu cơ, thái nhỏ
  • 2 ly Ocean Vodka (nồng độ 80)
  • 1 muỗng cà phê hạt tiêu đen xay hữu cơ

Dụng cụ:

  • Bình thủy tinh miệng rộng
  • 12 chai thủy tinh màu nâu hoặc xanh lam 57ml (2 ounces) để giảm tiếp xúc với ánh sáng (để đựng rượu thuốc)

Hướng dẫn thực hiện:

  • Rửa kỹ và làm khô lọ thủy tinh và chai thủy tinh.
  • Nhẹ nhàng rửa củ nghệ dưới nước lọc và cắt nhỏ bằng dụng cụ bào phô mai hoặc máy xay thực phẩm. Đặt trong lọ.
  • Thêm hạt tiêu xay vào lọ.
  • Thêm rượu vào lọ. Đậy nắp thật chặt. Lắc nhẹ.
  • Để trong 6 tuần, tránh ánh sáng và nhiệt; tủ mát hoạt động tốt.
  • Lắc nhẹ mỗi ngày.
  • Sau 6 tuần, lọc bỏ xác.
  • Lưu trữ chất lỏng trong chai thủy tinh 60ml.

Liều lượng sử dụng:

Liều thông thường là 15 giọt, nhưng liều lượng thay đổi theo từng cá nhân. Nhỏ dưới lưỡi và để nguyên trong một phút trước khi nuốt.

Bột nghệ

Bột nghệ có thể đắp trực tiếp lên da khi bị kích ứng, chẳng hạn như vết cắn hoặc ngứa, hoặc để giảm đau, viêm và sưng tấy.

Bột nghệ rất hiệu quả, nhưng có thể làm cho da đổi sang màu vàng trong thời gian ngắn.

Cách sử dụng nghệ để đắp của tôi:

  • Dùng củ nghệ tươi: Nếu có sẵn củ nghệ tươi, bạn hãy nhai củ nghệ cho đến khi thành sền sệt trong miệng, sau đó đắp lên vùng bị đau và băng lại. Áp dụng lại khi cần thiết.
  • Để làm thuốc đắp bằng bột củ nghệ: Bạn có thể làm bột củ nghệ, nhưng tôi mua nó từ một công ty mà tôi tin tưởng. Hòa tan bột trong nước ấm cho đến khi tạo thành hỗn hợp sữa chua Hy Lạp đặc. Thoa lên vùng bị ảnh hưởng sau đó băng lại bằng băng. Sử dụng lại khi cần thiết.

Viên nang nghệ

Mặc dù tôi ưa chuộng nghệ ngâm rượu nhưng viên nang nghệ cũng có trong bộ sơ cứu của tôi. Viên nang thì dễ dàng mang theo bên người hơn. Do đó, tôi mang theo viên nang khi di chuyển, chẳng hạn như khi đi bộ đường dài hoặc đi xe đạp.

Bạn có thể làm viên nang nghệ (công thức bên dưới) nhưng cách dễ nhất là mua. Tôi bắt đầu tiêu thụ viên nang nghệ bằng cách mua từ một công ty mà tôi tin tưởng. Theo thời gian, khi niềm tin vào bản thân ngày càng lớn, tôi mạo hiểm tìm hiểu và bắt đầu tự làm. Một lần nữa, tôi rất ngạc nhiên vì làm thứ này thật dễ dàng và tiết kiệm chi phí.

Cho dù mua hay tự làm viên nang nghệ, tôi luôn chắc rằng công thức phải có hạt tiêu đen, đã được báo cáo là làm tăng khả năng hấp thụ và khả dụng sinh học của chất curcumin.

Công thức viên nang nghệ của tôi như sau:

Nguyên liệu

  • 2/3 chén bột nghệ hữu cơ
  • 2 muỗng cà phê hạt tiêu đen hữu cơ mới xay
  • Viên nang thuần chay cỡ “00”

Dụng cụ:

  • Găng tay
  • Đĩa sứ
  • Muỗng

Cách làm:

  • Đeo găng tay để tránh làm bẩn ngón tay của bạn.
  • Trong đĩa thủy tinh, trộn bột nghệ và hạt tiêu đen với nhau.
  • Mở một viên nang.
  • Dùng phần nang lớn hơn, đẩy nang xuống hỗn hợp bột nghệ để lấp đầy bột.
  • Lặp lại cho đến khi cảm thấy bột đặc lại, tức là khi không thể đẩy thêm bột vào viên nang nữa.
  • Đậy nang lại.
  • Bảo quản trong lọ thủy tinh tránh nhiệt và ánh nắng mặt trời.

Liều lượng sử dụng:

Liều lượng thông thường là 1-2 viên, nhưng liều lượng thay đổi theo từng cá nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lượng curcuminoids hàng ngày được chấp nhận như một chất phụ gia thực phẩm lên tới 3 mg/kg, tương đương với 2.6mg/kg trọng lượng cơ thể. Nếu có thể, hãy tiêu thụ nghệ với chất béo.

Chống chỉ định

Do nghệ là chất làm loãng máu tự nhiên, nên bạn không dùng nghệ nếu bị vết thương liên quan đến mất máu.

Hãy tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng nghệ nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc thuốc ức chế miễn dịch, bệnh túi mật, tiểu đường, thiếu sắt, rối loạn đông máu, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, lạc nội mạc tử cung, đang hóa trị, hoặc nếu đang mang thai hoặc cho con bú.

Mời bạn đón đọc bài tiếp theo trong loạt bài Thảo dược sơ cứu có nhan đề

Mã đề: Thảo dược sơ cứu có tác dụng kháng sinh, kháng virus và giảm đau

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh cuộc thảo luận chuyên nghiệp và thân thiện.

Lan Hoa biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Sina McCullough
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Sina McCullough là tác giả của "Go Wild: How I Reverse Chronic & Autoimmune Disease" - (tạm dich:Tôi đã chống lại bệnh mãn tính và bệnh tự nhiễm như thế nào), đồng thời là tác giả của cuốn "Hands Off My Food" và "Beyond Labels," (tạm dịch: Đừng can thiệp vào thức ăn của tôi" và “Phía bên kia của nhãn mác"). Cô có bằng tiến sĩ dinh dưỡng tại Đại học California – Davis. Cô ấy là một nhà thảo dược bậc thầy, bác sĩ được chứng nhận của Gluten Free Society và dạy học tại nhà cho ba đứa con của cô.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn