Nghệ: Chống lại COVID bằng chất chống oxy hóa, nhưng có mối đe dọa tiềm ẩn với gan
Nghệ là một loại gia vị phổ biến với đặc tính chống oxy hóa có thể giúp thúc đẩy quá trình giảm cân nhưng không phải là phù hợp với tất cả mọi người.
Nghệ, hay Curcuma longa, là một loại gia vị phổ biến có đặc tính chống oxy hóa, có thể giúp giảm cân và chống Covid. Tuy nhiên, nghệ không phù hợp với tất cả mọi người. Các trường hợp tổn thương gan do nghệ gây ra ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ trong những năm gần đây.
Theo bác sĩ Lý Gia Lăng, giám đốc phòng khám Trung y Phước Thiên Đài Loan và là nhà trị liệu bằng hương thơm được chứng nhận kép bởi National Association for Holistic Aromatherapy – NAHA (Hiệp hội Quốc gia về liệu pháp hương thơm toàn diện) và International Federation of Aromatherapists – IFA (Liên đoàn Các nhà trị liệu bằng hương thơm quốc tế) thì một số triệu chứng xảy ra sau khi dùng nghệ có thể là dấu hiệu của tổn thương gan.
Curcumin, hoạt chất trong củ nghệ, là một polyphenol có nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm tác dụng chống viêm và chống khối u. Polyphenol là các chất dinh dưỡng quan trọng và có đặc tính chống oxy hóa.
Theo bác sĩ Lý, nghệ chủ yếu được dùng trong điều trị các bệnh liên quan đến béo phì, chẳng hạn như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, hội chứng buồng trứng đa nang, giảm cholesterol toàn phần và cholesterol tỷ trọng thấp (cholesterol “xấu”). Nghệ còn giúp cải thiện một số triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, bảo vệ tim mạch và cải thiện chứng khó tiêu hiệu quả.
Về vai trò của nghệ trong việc chống lại bệnh ung thư, bác sĩ Lý cho biết hầu hết các bằng chứng thực nghiệm chủ yếu là thí nghiệm trên động vật, vì vậy vẫn chưa có kết luận rõ ràng nào được rút ra trong thí nghiệm trên người.
Tổn thương gan liên quan đến nghệ
Khi các sản phẩm nghệ trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, số bệnh nhân bị tổn thương gan do nghệ gây ra dường như đã tăng lên, với 6 trường hợp xảy ra sau năm 2017. Một bệnh nhân cũng tử vong vì suy gan cấp tính.
Sự kết hợp của nghệ và tiêu đen có thể gây tổn thương gan. Chỉ 20mg piperine uống cùng với nghệ đã được báo cáo là làm tăng sinh khả dụng lên 20 lần trong huyết thanh.
Ngoài ra, một loại gene kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA) cũng làm tăng nhạy cảm với polyphenol trong các thành phần thảo dược như trà xanh (Camellia sinensis), trái Bứa và Hà thủ ô đỏ.
Theo nghiên cứu, alen này có thể là một yếu tố nguy cơ gây tổn thương gan.
Tại sao nghệ có thể làm tổn thương gan
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, tác dụng chống Covid của chất curcumin đã thu hút sự chú ý của giới y tế. Một nghiên cứu lâm sàng được công bố trên Tập san Nutrients (Dinh dưỡng) vào tháng 01/2022 cho thấy việc bổ sung chất curcumin ở những bệnh nhân COVID-19 nhẹ và nặng có thể cải thiện hiệu quả các triệu chứng như ho, khó thở và đau nhức cơ. Nghệ cũng duy trì nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân.
Tuy nhiên, bác sĩ Lý nhận thấy trong thời kỳ đại dịch, thường có bệnh nhân cảm thấy không khỏe sau khi ăn nghệ. Một số bệnh nhân cho rằng ăn nghệ có thể cải thiện các triệu chứng sương mù não và một số cho rằng những hương vị đặc biệt như nghệ có thể kích thích khứu giác và vị giác bị suy giảm do COVID-19.
Bác sĩ Lý cho biết, từ góc độ Trung y, đây là một “hành vi nguy hiểm.”
Trung y phân loại thực phẩm và cách điều trị theo các đặc tính vốn có khác nhau, như: lạnh, nóng, ấm, mát; và chua, ngọt, đắng, cay, mặn. Ngoài ra, năng lượng của thực phẩm và thuốc cũng tương ứng với các cơ quan nội tạng khác nhau trong cơ thể con người.
Các loại thực phẩm khác nhau sẽ nuôi dưỡng những người có thể trạng khác nhau.
Theo bác sĩ Lý, nghệ có tính ấm, vị cay và đắng, thuộc kinh can tỳ, là các kênh năng lượng cho gan và lá lách.
Thức ăn có tính ấm có thể làm ấm cơ thể và phù hợp với những người thường xuyên uống đồ uống lạnh. Tuy nhiên, dùng nghệ quá liều có thể khiến cơ thể rất nóng, dẫn đến các triệu chứng như sốt, viêm, sưng tấy, đau nhức ở những vùng mà kinh can đi qua. Tình trạng này được Trung y gọi là “can hỏa” hay “can nhiệt.”
10 triệu chứng dùng nghệ quá nhiều
Trong Trung y, năng lượng trong cơ thể con người lưu chuyển giữa các cơ quan nội tạng và bề mặt cơ thể, đường tuần hoàn này gọi là kinh mạch.
Đường đi của kinh can là từ ngón chân cái đi lên phía trong của chân, dọc theo háng đến hệ tiết niệu ở vùng bụng dưới, rồi dọc theo hai bên sườn đến gan, từ phổi đến vú, lên tuyến giáp rồi đến mắt và cuối cùng là đỉnh đầu.
Bác sĩ Lý cho biết nếu gan nóng quá mức sẽ có 10 triệu chứng như sau:
- Đau rát ở bên trong chân.
- Chướng và đau ở vùng háng và bụng.
- Dịch tiết âm đạo màu vàng ở phụ nữ.
- Đau ở vùng hạ vị phải.
- Đau và sưng vú.
- Ho và tức ngực.
- Viêm tuyến giáp.
- Mắt đỏ, sưng hoặc nóng.
- Nhức đầu.
- Tâm trạng kém và cáu kỉnh.
Bác sĩ Lý cho biết, bà đã gặp một số bệnh nhân phàn nàn về việc bị sốt và đau dạ dày.
Sau khi hỏi thêm, bà được biết những bệnh nhân này có thói quen ăn nghệ. Bác sĩ Lý khuyên bệnh nhân ngừng ăn nghệ và kê toa thuốc để thải nhiệt gan, giúp sớm giảm bớt các triệu chứng.
Bác sĩ Lý giải thích rằng nhiều người cho rằng nghệ có tác dụng chống viêm, mà trong Trung y có nghĩa là “thanh nhiệt.” Tuy nhiên, đây là hai khái niệm khác nhau và ăn quá nhiều nghệ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng nóng gan.
Bác sĩ Lý nhấn mạnh, đau vùng bụng trên bên phải, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu là dấu hiệu tổn thương gan và cần được điều trị ngay lập tức. Nếu gan tiếp tục bị viêm, tổn thương vĩnh viễn có thể xảy ra.
Khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng nghệ, bác sĩ Lý gợi ý rằng điều quan trọng nhất là không nên dùng trong thời gian dài mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ Trung y để xem nghệ có phù hợp với thể trạng của bạn hay không.
Bà cũng cho biết rằng nếu người có thể chất can hỏa mạnh thì có thể ăn Curcuma Aromatica – một loại thảo mộc khác thuộc họ nghệ. Tác dụng của Curcuma Aromatica và nghệ là tương tự như nhau; vừa có thể kích thích chuyển hóa chất béo vừa điều trị các triệu chứng liên quan đến kinh can.
Sự khác biệt giữa hai loại này là Curcuma Aromatica có tính “hàn” và phù hợp với những người có thể trạng “nhiệt.” Nghệ có tính nóng, phù hợp cho người có thể trạng “hàn.”
Hơn nữa, những người có thể trạng hàn sẽ có triệu chứng đau đầu trầm trọng hơn khi gặp gió lạnh. Đối với những người này, ăn nghệ rất tốt. Ngược lại, người có thể trạng “nhiệt” sẽ có các triệu chứng trầm trọng hơn do nhiệt; Curcuma Aromatica sẽ phù hợp hơn.
Bác sĩ Lý cho biết Curcuma Aromatica không có sẵn và thường được kê toa tại các phòng khám Trung y.
Trị liệu bằng tinh dầu nghệ
Tính ấm của nghệ cũng có ích khi dùng liệu pháp tinh dầu.
Bác sĩ Lý đã đề nghị một công thức tinh dầu cho mùa thu.
Công thức:
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times