Số ca ung thư dự kiến đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024, các chuyên gia giải thích nguyên nhân tiềm ẩn
Sáu bệnh ung thư phổ biến nhất đang có xu hướng gia tăng, và điều đáng lo ngại là nhóm dân số bị bệnh đang ngày càng trẻ hóa.
Trong một báo cáo công bố ngày 17/01, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) ước tính số ca ung thư mới sẽ vượt ngưỡng 2 triệu người vào năm 2024, đạt mức cao kỷ lục.
Trong khi nguy cơ tử vong do ung thư giảm dần, tỷ lệ mắc sáu loại ung thư phổ biến nhất lại tăng lên, bao gồm: ung thư vú, tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung, tuyến tụy, thận và ung thư hắc tố da.
Các ước tính mới trên thể hiện mức tăng 2% so với ước tính năm 2023 của ACS.
“Tỷ lệ ung thư nói chung luôn ổn định ở nam giới và tăng nhẹ 0.1% mỗi năm ở phụ nữ. Số ca ung thư tăng lên mỗi năm chủ yếu là do sự lão hóa và tăng trưởng dân số,” bà Rebecca L. Siegel, tác giả chính của báo cáo, nhà dịch tễ học ung thư và giám đốc khoa học cao cấp của nghiên cứu giám sát tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times.
Bà Siegel bổ sung thêm, “Ung thư tuyến tiền liệt có tốc độ gia tăng nhanh nhất — 3% mỗi năm — chủ yếu là do bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển.”
Báo cáo trên cho thấy bệnh ung thư cũng đang gia tăng ở người trẻ tuổi, đặc biệt là ung thư đại trực tràng ở người dưới 55 tuổi và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ từ 30-44 tuổi. Ung thư miệng liên quan đến papillomavirus ở người (HPV) và ung thư gan ở phụ nữ cũng gia tăng.
Ước tính của ACS dựa trên số ca bệnh được báo cáo từ năm 2006-2020 ở tất cả 50 tiểu bang. Hiện không có dữ liệu sẵn có về số ca ung thư thực tế trong năm 2020.
Các tác giả viết trong báo cáo: “Số lượng được mô hình hóa sau đó đưa ra dự đoán trong 4 năm tới dựa trên mức thay đổi phần trăm trung bình hàng năm trong 4 năm gần nhất.”
Điều này có nghĩa là các dữ kiện và số liệu mới về năm 2024 “không có thông tin về những tác động mà virus COVID hoặc vaccine ảnh hưởng đến tỷ lệ ung thư,” Tiến sĩ Harvey Risch, giáo sư danh dự về dịch tễ học tại Yale University, người đặc biệt quan tâm đến ung thư, chia sẻ với The Epoch Times.
Tiến sĩ Risch nói rằng ước tính năm 2024 của ACS có thể đáng tin cậy “miễn là không có sự thay đổi đáng kể về dân số.”
Nhưng với sự xuất hiện của COVID-19 và việc triển khai vaccine hàng loạt ra mắt vào cuối năm 2020, ông cho biết, “việc dựa vào dữ liệu đã cũ để ước tính tỷ lệ mắc mới sẽ không đáng tin cậy.”
Tiến sĩ Risch đề nghị, mặc dù dự báo bao gồm dữ liệu năm 2020, nhưng báo cáo được mô hình hóa dựa trên dữ liệu của 15 năm, do đó, tác động của năm 2020 đối với quỹ đạo của báo cáo sẽ “rất mờ nhạt” và hầu như không đáng kể.
Ông nói, “Sẽ rất hữu ích nếu kiểm tra riêng dữ liệu của năm 2020.” Ông sau đó đã phân tích dữ liệu giám sát, dịch tễ học và kết quả cuối cùng (SEER) được công bố công khai năm 2020 cũng được đưa vào báo cáo của ACS.
Ông giải thích, “Có sự sụt giảm khoảng 11% trong năm 2020, điều này có thể phản ánh tác động của đợt phong tỏa từ tháng 03-05/2020 mà ACS thảo luận về cách họ giải quyết điều đó.”
Các nhà nghiên cứu của ACS thừa nhận rằng báo cáo của họ không phản ánh những thay đổi có thể xảy ra do đại dịch.
ACS viết trong báo cáo truyền thông: “Các nhà nghiên cứu vẫn chưa phân tích được cách mà đại dịch ảnh hưởng đến số liệu thống kê về bệnh ung thư.”
“Khi có sẵn dữ liệu, các nhà nghiên cứu hy vọng cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do COVID-19 gây ra sẽ liên quan đến việc chẩn đoán bị trì hoãn và dẫn đến kết quả tồi tệ hơn cũng như nhiều ca tử vong hơn. Nhưng sẽ mất nhiều năm để phân tích những tác động đó,” họ kết luận.
Lý do gia tăng số ca ung thư
Trong khi sự gia tăng số ca ung thư có thể một phần là do chẩn đoán quá mức, các tác giả cho biết việc tăng sàng lọc ung thư không hẳn là nguyên nhân.
Lấy bệnh ung thư đại trực tràng làm ví dụ.
Bà Siegel nói, “Những người sinh sau những năm 1950 có nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư hơn, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Chúng tôi biết rằng không nguyên nhân không phải là do sàng lọc nhiều hơn vì tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng cũng như tỷ lệ mắc bệnh đang gia tăng ở nhóm dân số này.”
Nếu sự gia tăng số ca ung thư là do sàng lọc nhiều hơn thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm nhiều hơn.
Bà nói thêm rằng đại dịch béo phì có thể góp phần nhưng không giải thích đầy đủ xu hướng này.
“Có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, một số giả thuyết bao gồm thay đổi trong cách ăn uống như tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thay đổi vi hệ đường ruột, lạm dụng kháng sinh và phơi nhiễm vi mô.”
Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng, nhà báo của Epoch Times và là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết rằng căng thẳng và những thay đổi trong hành vi tình dục cũng có thể là một yếu tố làm tăng số ca ung thư. Bà nhấn mạnh sự gia tăng của bệnh ung thư cổ tử cung và miệng có thể bắt nguồn từ HPV.
Bà nói, “Trong những thập niên gần đây, có một xu hướng nổi lên là mọi người thường quan hệ tình dục khi còn trẻ và có nhiều bạn tình, điều này có thể làm tăng khả năng nhiễm HPV.”
“HPV là loại virus gây ung thư, đây là điều đã được thừa nhận. Cơ chế gây ung thư của HPV chủ yếu liên quan đến các protein gây ung thư. Những protein này phá vỡ cơ chế chống lại khối u của cơ thể, dẫn đến sự nhân lên nhanh chóng và không kiểm soát của tế bào.”
Gần đây, ngày càng nhiều bằng chứng mới nổi cho thấy HPV có liên quan đến cả ung thư tuyến tiền liệt và tuyến giáp.
COVID-19 và Vaccine
Tiến sĩ Đổng cho biết, mặc dù dữ liệu ACS không cho thấy bất kỳ ảnh hưởng nào của COVID-19 và vaccine, nhưng vẫn có người lo ngại rằng “việc dùng thường xuyên vaccine COVID-19 cũng có thể gây bất lợi cho gene tế bào và khiến chúng dễ bị ung thư hơn.”
Các phát hiện gần đây về SV40 promoter/enhancer gene trong vaccine mRNA COVID-19 cũng khiến một số chuyên gia lo ngại về các tương tác ung thư tiềm ẩn.
Tiến sĩ Wafik El-Deiry, giám đốc trung tâm ung thư tại Brown University, viết trên nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây gọi là Twitter rằng, mặc dù “SV40 promoter không phải là yếu tố kháng nguyên T mạnh gây ung thư của virus SV40,” ông lo ngại các protein gai được tạo ra từ virus và vaccine có thể tác động lên các con đường tăng sinh ung thư phổ biến khác.
Các nghiên cứu cho thấy protein gai có thể tương tác với một loại protein nổi tiếng chịu trách nhiệm ngăn ngừa ung thư trong cơ thể có tên là p53. Nếu gen p53 và các protein liên quan bị ức chế, cơ thể có nguy cơ bị ung thư cao hơn.