Rèn luyện lối suy nghĩ tích cực
Chỉ một thay đổi dưới đây sẽ giúp bạn trở nên tốt bụng hơn, cải thiện các mối quan hệ, tăng sự hứng thú cũng như tập trung vào mục tiêu của bản thân hơn.
Một trong những việc dài hạn tốt nhất bạn có thể làm để có cuộc sống hạnh phúc hơn và các mối quan hệ tốt đẹp hơn là rèn luyện cách suy nghĩ tích cực.
Những người tư duy tích cực sống thọ hơn và hạnh phúc hơn. Họ cũng có tỷ lệ mắc bệnh tim và ung thư thấp hơn. Trung bình, những người này sống lâu hơn khoảng 7 năm rưỡi. Thật là một con số khổng lồ.
Vì vậy, việc phát triển lối suy nghĩ tích cực có thể là một trong những điều hiệu quả nhất mà bạn có thể làm cho chính mình.
Cùng với đó sẽ có rất nhiều tác động tích cực xảy ra. Chẳng hạn như, bạn sẽ tốt bụng hơn với người khác khi bạn hạnh phúc hơn, nhờ đó mà các mối quan hệ sẽ tốt đẹp hơn. Bạn năng động, vui vẻ hơn, hành động tích cực và tập trung vào các mục tiêu có ý nghĩa hơn.
Vậy làm thế nào để có thể rèn luyện được cách suy nghĩ tích cực?
Dưới đây là một số điểm quan trọng:
- Nên chú ý đến khuynh hướng tiêu cực của bản thân. Chúng ta thường không nhận ra rằng mình có khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực. Đây là một điểm mù đối với hầu hết mọi người. Để bộc lộ ra điều này, bạn nên cố gắng xác định những thời điểm mà những suy nghĩ tiêu cực có thể xuất hiện trong cuộc sống, chẳng hạn như khi phàn nàn, chỉ trích, phán xét, đau khổ, cảm thấy bất lực, bực bội, tâm lý nạn nhân, cảm giác bị dồn ép hoặc áp lực, buồn chán, cô đơn. Không có cảm giác nào là sai, chỉ cần bạn chú ý tới. Vì khi thừa nhận sự tồn tại của những cảm xúc tiêu cực này thì chúng ta sẽ tạo ra được những thay đổi lớn.
- Nên chú ý tới tác động của sự tiêu cực. Tìm hiểu xem những cảm xúc tiêu cực này ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bản thân và không nên phán xét. Những cảm xúc đó ảnh hưởng như thế nào đến động lực, các mối quan hệ của bản thân, hoặc mức độ vui vẻ của những người xung quanh?
- Chấp nhận cảm xúc tiêu cực. Cần bắt đầu hình thành quan điểm rằng, không có gì đáng lo ngại khi cảm nhận mọi cảm xúc tiêu cực xảy đến. Chúng ta nên chú ý tới những cảm xúc tiêu cực và nghĩ cách để có thể xoa dịu. Làm thế nào để có thể thể hiện sự tiêu cực một cách trọn vẹn? Ví dụ, khi tức giận, bạn có thể nổi cơn thịnh nộ như người sói không? Nếu cảm thấy bị đối xử tệ bạc, bạn có thể úp mặt xuống gối và hét lên một cách thất vọng không? Hãy đẩy cảm xúc lên mạnh mẽ, để nó chảy trong huyết quản và giải tỏa ra bên ngoài thay vì ở lại trong cơ thể.
- Bắt đầu với một lập trường mới và tích cực. Khi những cảm xúc tiêu cực đã cạn kiệt, bạn có thể nhận thấy trái tim và tâm trí mình trở nên cởi mở hơn. Lúc này, bạn có thể chọn một thứ gì đó mới mẻ. Bạn muốn sống dựa trên quan điểm nào vào thời điểm này? Hãy thử chọn ra một và bắt đầu thực hiện. Có thể bạn sẽ tìm kiếm điều gì đó đáng yêu ở người khác. Có thể bạn sẽ muốn đứng từ cơ điểm muốn giúp đỡ người khác hoặc xuất phát từ tấm lòng thiện lương và cho đi tình yêu thương vô điều kiện. Điều này cần có thời gian để thực hành.
- Rút kinh nghiệm. Cho dù chọn lập trường nào thì việc rút ra kinh nghiệm cho bản thân vào bất kỳ thời điểm nào đều là một cách thực hành tốt, ngay cả khi xuất hiện sự tiêu cực. Khi ai đó thể hiện thái độ khó chịu khiến bạn phòng thủ hoặc khi bạn cảm thấy mệt mỏi và choáng ngợp, hãy tự hỏi xem bạn sẽ rút ra được điều gì từ những khoảnh khắc như vậy? Sau khi trải qua một ngày buồn bã và cô đơn, bạn có thể rút ra được kinh nghiệm gì trong nỗi u sầu của mình? Luôn có một món quà đằng sau từng khoảnh khắc của cuộc đời ngắn ngủi và quý giá này nếu chúng ta có đủ can đảm để nhìn nhận.
- Luôn đặt ra câu hỏi. Theo cách tương tự, chúng ta có thể thực hành sự ngạc nhiên và luôn đặt câu hỏi trong từng khoảnh khắc. Khi đó, điều chúng ta muốn tìm kiếm là nhìn thấy sự kỳ diệu và vẻ đẹp trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Bắt đầu với những việc dễ dàng như đi ra ngoài và ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp, hoặc tận hưởng những tia nắng chiếu lên khuôn mặt. Ngắm nhìn nụ cười rạng ngời của một đứa trẻ bé nhỏ hay tình yêu của hai người dành cho nhau. Hãy tìm kiếm điều đó ở khắp mọi nơi! Ngay cả những lúc khó khăn hơn như khi mọi người cư xử theo cách mà chúng ta thường không thích, khi thế giới hỗn loạn hoặc khi chúng ta bị tổn thương? Đây là một phương pháp luyện tập rất hiệu quả.
- Hoạt động thể chất. Nếu thường hành động như Eyore (nhân vật hư cấu trong loạt sách Winnie the Pooh) – luôn cảm thấy thất vọng và ủ rũ – thì suy nghĩ của bạn sẽ luôn tiêu cực. Như vậy cũng chẳng sao! Không có gì sai khi cảm thấy như vậy. Nhưng bạn có thể luyện tập để trở thành một con hổ – tích cực hơn, hào hứng hơn, vui vẻ và linh hoạt hơn. Cơ thể năng động cũng khiến trí óc thoáng đãng hơn. Làm thế nào để có thể mang lại một thái độ vui vẻ, biết ơn và đầy kinh ngạc đối với cuộc sống?
Bài viết này không phải là hướng dẫn toàn diện về cách để tư duy tích cực mà chỉ là điểm khởi đầu. Có thể chọn một trong những ý tưởng mà bạn cảm thấy dễ dàng, hữu ích và thực hành!
Nam Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times