Quế giúp giảm đường huyết ở bệnh nhân béo phì và tiền tiểu đường
Quế là loại gia vị thông dụng trong gia đình, được sử dụng qua nhiều thế hệ để tạo hương vị cho các món ăn và thức uống. Khi dùng với liều lượng nhất định mỗi ngày, quế có thể giúp kiểm soát đường huyết.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng thêm quế vào khẩu phần ăn mỗi ngày có thể góp phần kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn, đặc biệt là ở người béo phì và tiền tiểu đường. Do được bày bán rộng rãi và có giá cả phải chăng nên sẽ rất dễ để bổ sung quế hàng ngày.
Nghiên cứu thực hiện tại Đại học California – Los Angeles, công bố trên Tập san Dinh Dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, cho thấy việc dùng quế hàng ngày giúp cải thiện lượng đường huyết ở người lớn bị tiền tiểu đường và thừa cân hoặc béo phì.
Giải thích kết quả của nghiên cứu
Nghiên cứu này được thực hiện trong 10 tuần, trên 18 người tham gia có chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức thừa cân hoặc béo phì và được chẩn đoán y tế là tiền tiểu đường. Các nhà nghiên cứu đặc biệt tìm cách khám phá tác dụng của việc bổ sung gia vị quế hàng ngày đối với mức đường huyết ở người trưởng thành bị tiền tiểu đường và béo phì. Trong hai tuần đầu tiên, những người tham gia ăn theo “dinh dưỡng màu be.” Cách ăn này gồm các loại thực phẩm thường có màu be, nhiều carbohydrate đơn giản và không chứa quế.
Trong tám tuần tiếp theo, những người tham gia được chia thành nhóm điều trị và nhóm dùng giả dược. Họ được cung cấp các viên nang trông giống hệt nhau để uống hằng ngày, trong đó nhóm điều trị nhận tổng cộng 4g quế mỗi ngày và nhóm dùng giả dược nhận 4g maltodextrin. Những người tham gia nghiên cứu cũng được hướng dẫn tiếp tục ăn thực phẩm màu be trong thời gian này.
Các nhà nghiên cứu theo dõi lượng đường huyết của người tham gia sau mỗi 15 phút thông qua thiết bị theo dõi glucose liên tục (CGM) trong suốt thời gian nghiên cứu. Kết quả CGM cho thấy những người tham gia dùng viên nang quế có mức đường huyết thấp hơn và mức đường huyết đỉnh thấp hơn so với nhóm dùng giả dược.
Bà Michelle Routhenstein, một chuyên gia dinh dưỡng và nhà giáo dục bệnh tiểu đường có chứng nhận, đã viết cho The Epoch Times qua thư điện tử, “Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung quế có thể giúp cải thiện việc kiểm soát glucose ở những người bị bệnh tiền tiểu đường liên quan đến béo phì. Mặc dù đầy hứa hẹn nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận những kết quả này và hiểu được tác dụng lâu dài cũng như tác dụng phụ tiềm ẩn của việc bổ sung quế.”
Các đặc tính hữu ích của quế
Quế làm từ vỏ của nhiều loại cây quế, đã được dùng làm gia vị và chất tạo hương cho thực phẩm từ xưa đến nay. Ngoài ra, quế cũng có vai trò quan trọng trong y học cổ truyền và y học tự nhiên. Bổ sung quế thường được xem là an toàn, có rất ít tác dụng phụ hay độc hại.
Các nghiên cứu cho thấy quế có thể có tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, trị tiểu đường và chống ung thư. Quế còn giúp chống lại bệnh tim, cholesterol cao, tổn thương thần kinh, hạ huyết áp và tăng khả năng miễn dịch. Cuối cùng, quế có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái đường ruột, khuyến khích lợi khuẩn phát triển và ức chế vi khuẩn có hại phát triển.
Quế giúp kiểm soát đường huyết như thế nào?
Mặc dù vẫn chưa rõ cơ chế tác dụng hoàn chỉnh của quế lên lượng đường huyết, nhưng nghiên cứu cũng đã xác nhận mối liên hệ đáng kể giữa lượng quế ăn vào và sự kiểm soát lượng đường huyết. Ví dụ, quế có chứa polyphenol, được biết là có tác dụng cân bằng lượng glucose.
Bà Routhenstein cho biết, “Polyphenol có tác dụng làm tăng độ nhạy insulin bằng cách kích hoạt thụ thể insulin thông qua các cơ chế như kích hoạt thụ thể vận chuyển glucose-4, cho phép tế bào hấp thụ glucose dễ dàng hơn. Ngoài ra, polyphenol còn có đặc tính chống viêm, có thể hữu ích trong việc kiểm soát cả bệnh tiểu đường và bệnh tim.”
Các nghiên cứu cũng cho thấy quế giúp hạ đường huyết bằng cách mô phỏng tác dụng của insulin trong cơ thể và cải thiện quá trình chuyển đường từ máu vào tế bào. Quế cũng có khả năng làm tăng độ nhạy insulin và cải thiện tình trạng kháng insulin, đây là những yếu tố chính để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Các hạn chế của nghiên cứu và cơ hội cho nghiên cứu trong tương lai
Hai hạn chế đáng kể của nghiên cứu này là kích thước mẫu nhỏ, chỉ có 18 người tham gia và việc dùng maltodextrin làm giả dược.
Maltodextrin thường được dùng làm giả dược đường uống trong các thử nghiệm nghiên cứu trên người. Tuy nhiên, maltodextrin là một loại carbohydrate phức, sẽ được cơ thể phân hủy thành glucose. Điều này có thể làm cho lượng đường huyết tăng đột biến, đặc biệt gây hại cho bệnh nhân tiểu đường. Do đó, nghiên cứu trong tương lai sẽ nên dùng một loại giả dược đường uống khác có ảnh hưởng đến đường huyết thấp hơn để bảo đảm kết quả không bị sai lệch.
Bà Yelena Wheeler, một chuyên gia dinh dưỡng có chứng nhận, nói với The Epoch Times rằng bà không quá lo lắng về việc dùng maltodextrin trong nghiên cứu.
Bà Wheeler cho biết, “Theo một cách nào đó, việc tiêu thụ maltodextrin hàng ngày mô phỏng lượng tiêu thụ thông thường trong cách ăn uống điển hình của người Mỹ, vốn có nhiều nguồn cung cấp đường. Vì vậy, tôi không tin rằng việc cho nhóm dùng giả dược maltodextrin có ảnh hưởng gì, vì họ đã ăn khá ít chất xơ, vốn sẽ làm tăng mức đường huyết.”
Bà Wheeler nói rằng bà quan tâm nhiều hơn đến cách ăn kiêng trong nghiên cứu này, “Vấn đề tôi gặp phải là những người tham gia trước tiên áp dụng cách ăn ‘màu be’ ít chất xơ, bao gồm chủ yếu là carbohydrate đơn giản trong hai tuần. Kiểu ăn kiêng này có thể làm tăng đột biến lượng đường huyết của bất kỳ ai, nhưng đặc biệt là nhóm người trong nghiên cứu, hầu hết đều có chỉ số BMI cao hơn và có các vấn đề về kiểm soát đường huyết.
Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn có khẳng định xác đáng về tác dụng tích cực của việc bổ sung quế đối với bệnh nhân tiểu đường.
Bà Wheeler nói, “Tôi đồng ý với tiền đề rằng quế có nhiều đặc tính hữu ích cho việc kiểm soát glucose, giảm viêm và sức khỏe tim mạch.”
Nhìn chung, tác dụng của việc dùng quế đối với bệnh tiểu đường vẫn chưa rõ ràng và cần tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, nghiên cứu về tác động lâu dài của quế đối với việc kiểm soát đường huyết có vẻ ngày càng hứa hẹn hơn.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.