Phần 2: Tìm hiểu về thảo dược Trung Hoa
Thảo dược Trung Hoa sử dụng các chất khoáng, thực vật và động vật tự nhiên. Những dược liệu này ít có tác dụng phụ khi dùng vào đúng thời điểm, đúng triệu chứng; khi dùng sai, có thể gây hại cho người bệnh.
Ví dụ, nên thận trọng khi dùng chỉ một loại thảo mộc là Hoàng kỳ cho những người bị huyết áp cao hoặc sốt cao do nhiễm trùng cấp tính.
Những người muốn đạt được hiệu quả từ thuốc thảo dược Trung Hoa, cần phải đến khám bác sĩ Trung y để xem xét dựa trên lý thuyết và kỹ thuật chẩn đoán của Trung y, bao gồm bắt mạch và xem lưỡi.
Khi khám bệnh, bác sĩ Trung y trước tiên phải xác định kinh mạch và hệ cơ quan nào bị mất cân bằng. Ví dụ, kinh gan và kinh dạ dày thường bị ảnh hưởng do chứng khó tiêu. Bác sĩ cần xác định được bản chất của sự mất cân bằng năng lượng, như năng lượng quá nhiều hay quá ít hoặc năng lượng bị ứ đọng, tắc nghẽn hoặc di chuyển sai hướng.
Lấy trào ngược acid làm ví dụ. Nguyên nhân có thể là do năng lượng gan bị ứ đọng, làm ảnh hưởng đến dòng năng lượng bình thường của dạ dày, gây ra việc năng lượng bị di chuyển sai hướng. Nếu là bệnh mạn tính, bệnh nhân có thể rất mệt mỏi và suy dinh dưỡng.
Cảm xúc đau khổ, tức giận và đặc biệt là oán giận thường khiến năng lượng gan bị ứ đọng. Bệnh nhân mắc chứng mất cân bằng này cũng có thể bị đau nửa đầu, trầm cảm, mất ngủ, ruột kích thích và đau mạn tính ở các mô sâu.
Khi bác sĩ Trung y thu thập đủ hết thông tin và có được chẩn đoán về sự mất cân bằng năng lượng thì sẽ đưa ra được từng liệu pháp điều trị Trung y phù hợp với từng bệnh nhân.
Bốn loại thảo dược
Trong hầu hết các bài thuốc thường có 4 loại thảo dược. Thảo dược đầu tiên được gọi là “quân” hay “vua.” Vua đại diện cho các loại thảo dược điều trị những triệu chứng chính và các nguyên nhân căn bản của triệu chứng.
Thảo dược thứ hai được gọi là “thần” hay tể tướng giúp vua thực hiện các công việc tốt hơn đồng thời điều trị các triệu chứng đi kèm và nguyên nhân căn bản của triệu chứng.
Thảo dược thứ ba được gọi là “tá” hay trợ lý. Tá vừa là loại thảo dược bổ trợ cho cả vua và tể tướng, vừa có công dụng hài hòa và loại bỏ các độc tố, tác dụng phụ có thể xảy ra.
Thảo dược thứ tư được gọi là “sứ” hay “sứ giả.” Sứ giả là loại thảo dược có nhiệm vụ bảo đảm việc thuốc thảo dược sẽ đến được các cơ quan và kinh mạch mục tiêu. Mỗi loại thảo dược có thể có nhiều hơn một dược liệu.
Thông thường, đối với việc điều trị theo liệu pháp thảo dược truyền thống, các bệnh nhân sẽ sắc thuốc (chế phẩm thuốc) từ các thảo dược thô theo công thức và hướng dẫn, quy trình cụ thể, uống thuốc sắc 2 lần/ngày, không cùng trong bữa ăn. Đôi khi có thể chiết xuất cô đặc các loại thảo dược thô thành các viên nang.
Bệnh nhân thường được khuyên không nên ăn thức ăn lạnh, sống, cay hoặc nóng.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times