Nguyên lý cơ bản của Trung y
Trung y là một hệ thống chữa bệnh hoàn chỉnh xuất hiện lần đầu tiên dưới dạng văn bản vào khoảng năm 100 trước Công nguyên. Kể từ thời điểm đó, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đã phát triển thành các phiên bản riêng biệt từ hệ thống Trung y gốc.
Khí là một khái niệm cơ bản trong Trung y. Khí là một dạng năng lượng quan trọng tồn tại cả bên trong và bên ngoài cơ thể con người. Nguồn gốc của mọi chức năng của cơ thể con người và vũ trụ xung quanh chúng ta là một dạng khí.
Trung y mô tả sinh lý và tâm lý con người dưới dạng khí, tương quan khí với các quá trình thể chất và tinh thần cụ thể cũng như các trạng thái cảm xúc. Các loại khí thường được nhắc đến trong Trung y bao gồm khí huyết, khí nội tạng, khí dinh dưỡng, khí kinh mạch và khí gây bệnh. Tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể từ các nguồn như gió, ẩm ướt, nóng, lạnh và khô.
Đặc tính của khí được mô tả dưới dạng âm và dương. Âm và dương là những năng lượng trái ngược nhau nhưng tồn tại phụ thuộc lẫn nhau. Khí âm được định nghĩa là năng lượng lạnh hoặc làm mát và khí dương được định nghĩa là năng lượng nóng hoặc làm ấm.
Để khỏe mạnh, con người cần có sự cân bằng âm dương vì dương cần âm để hoạt động và âm cần dương để được sản sinh và sử dụng. Con người khỏe mạnh khi khí được lưu thông tự do và có sự cân bằng âm dương.
Khi khí âm thiếu, khí dương thừa có thể xảy ra các triệu chứng như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, lo lắng, bồn chồn, huyết áp cao và táo bón.
Khi khí dương thiếu, khí âm thừa có thể xảy ra các triệu chứng như tăng cảm giác lạnh, cảm thấy mệt mỏi, tiêu chảy, trao đổi chất chậm và giữ nước, huyết áp thấp và triệu chứng chậm tâm thần vận động.
Trong tiếng Trung, các từ chỉ những cảm xúc khác nhau được theo sau bởi từ “Khí.” Ví dụ, sự tức giận được gọi là “khí giận dữ” và niềm vui được gọi là “khí vui vẻ.” Vì vậy, can thiệp bằng châm cứu hoặc thuốc thảo dược Trung Hoa không chỉ nhằm mục đích tác động đến các chức năng thể chất của cơ thể, mà còn tác động đến cả các chức năng và cảm xúc thuộc về tinh thần.
Kinh mạch
Khí lưu thông qua các kênh năng lượng gọi là kinh mạch. Các kinh mạch tạo thành một hệ thống giống như mạng lưới kết nối các bộ phận khác nhau của cơ thể với nhau và cung cấp khí cho mọi bộ phận của cơ thể. Trung y liên hệ mỗi kinh mạch với một chức năng tinh thần, thể chất và cảm xúc cụ thể.
Theo Trung y, các chức năng và cảm xúc tinh thần không chỉ giới hạn ở não mà được xem là sự tương tác giữa não và các kinh mạch. Từ một góc nhìn khác, bộ não là một phần của mỗi từng kinh mạch và sức khỏe của các kinh mạch đều ảnh hưởng đến não.
Kinh mạch phổi có liên quan đến sự đau buồn, và do đó những người đang buồn bã có thể dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn. Mô hình y sinh có thể giải thích điều này là do đau buồn gây căng thẳng kéo dài, dẫn đến khả năng miễn dịch bị suy giảm. Còn nhìn từ quan điểm Trung y thì căng thẳng cảm xúc gây mất cân bằng trong kinh mạch phổi, do đó khiến phổi bị thiếu hụt khí.
Châm cứu
Đối với phương Tây, một trong những phương pháp điều trị nổi tiếng nhất của Trung y là châm cứu, đây cũng là một trong những liệu pháp điều trị lâu đời nhất. Các chuyên gia châm cứu sẽ châm những chiếc kim cực mỏng vào các điểm chiến lược trong cơ thể nhằm cân bằng lại dòng âm dương thông qua các kinh mạch.
Liệu pháp điều trị bằng châm cứu được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với y học thông thường để điều trị nhiều tình trạng tâm thần khác nhau, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu, mất ngủ, đau đớn, nghiện ngập và trầm cảm.
Trong Trung y, bệnh trầm cảm nặng được coi là biểu hiện tâm thần cực đoan của tình trạng thừa âm và thiếu dương. Chứng hưng cảm thì ngược lại, là kết quả của biểu hiện cực đoan của vượng dương và thiếu âm.
Sự chuyển đổi bất thường giữa cực âm và cực dương tương tự như mô hình chu kỳ rối loạn lưỡng cực. Do đó, các nhà châm cứu sẽ châm những chiếc kim vào cơ thể với mục đích cân bằng lại âm dương.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times