Nước súc miệng Matcha ức chế vi khuẩn gây viêm nha chu

Hai nghiên cứu cho thấy catechin trong nước súc miệng chứa bột trà xanh matcha có tác dụng ức chế vi khuẩn P. gingivalis gây viêm nha chu.

Nghiên cứu mới cho thấy sử dụng nước súc miệng có chứa matcha, một loại bột trà xanh nghiền mịn, có thể ngăn ngừa và điều trị viêm nha chu.

Trong báo cáo được công bố vào ngày 21/5 trên Microbiology Spectrum (Tập san Phổ Vi sinh), các nhà nghiên cứu từ Nhật Bản đã phát hiện rằng matcha ức chế sự phát triển của Porphyromonas gingivalis (P. gingivalis) – một loại vi khuẩn gây viêm nha chu.

Viêm nha chu, hay bệnh nướu răng, là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở khoang miệng do vệ sinh răng miệng kém. Tình trạng này khiến màng sinh học dính của vi khuẩn kỵ khí tích tụ lên răng và nếu không điều trị sẽ phá hủy các mô và xương nâng đỡ răng.

Trong nghiên cứu ban đầu, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trong ống nghiệm để kiểm tra hiệu quả của dung dịch matcha chống lại 16 loại vi khuẩn được tìm thấy trong miệng, bao gồm ba chủng P. gingivalis. Trong vòng hai tiếng sau khi tiếp xúc với dung dịch, gần như toàn bộ tế bào P. gingivalis đã bị tiêu diệt. Sau 4 tiếng, tất cả các tế bào đều chết, cho thấy matcha ức chế sự phát triển của vi khuẩn và có đặc tính diệt khuẩn.

Trong nghiên cứu lâm sàng thứ hai, cũng chính các nhà nghiên cứu này đã chia 45 người bị viêm nha chu mạn tính thành ba nhóm và cho mỗi nhóm dùng sodium azulene sulfonate hydrate, bột trà lúa mạch hoặc bột matcha để đánh giá xem liệu các dung dịch nước súc miệng có nguồn gốc từ bột có loại bỏ được vi khuẩn P. gingivalis trong khoang miệng hay không.

Những người tham gia chuẩn bị nước súc miệng tại nhà bằng cách dùng một lượng nước máy và súc miệng hai lần mỗi ngày với 10ml nước súc miệng trong một tháng. Sau khi súc miệng, họ tránh ăn uống trong 30 phút.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người tham gia trong nhóm nước súc miệng matcha có lượng P. gingivalis trong mẫu nước bọt thấp hơn đáng kể vào cuối cuộc nghiên cứu so với hai nhóm còn lại.

Mặc dù đây không phải là báo cáo đầu tiên cho thấy các hợp chất có nguồn gốc từ trà có tác dụng kháng khuẩn đối với P. gingivalis, nhưng các tác giả cho biết nghiên cứu của họ ủng hộ việc dùng trà matcha để phòng ngừa hoặc điều trị cho những người bị bệnh nha chu.

Trà Matcha khác với trà xanh như thế nào

Trà Matcha, cùng với trà xanh, trà ô long trắng và trà đen, được sản xuất từ ​​​​cây Camellia sinensis. Tuy nhiên, các loại trà khác nhau về cách trồng, chế biến và chuẩn bị. Ví dụ, lá trà xanh không được che chắn khỏi ánh nắng trực tiếp trước khi thu hoạch, khiến lá có màu xanh nhạt hơn và thành phần dinh dưỡng khác. Trà xanh được pha chế bằng cách ngâm toàn bộ lá trà trong nước nóng, sau đó vớt ra trước khi uống. ‘

Trà Matcha có nguồn gốc từ cùng một loại cây được trồng trong bóng râm vài tuần trước khi thu hoạch. Phương pháp này bảo vệ lá non khỏi ánh nắng mặt trời và làm tăng tích tụ các hợp chất có hoạt tính sinh học như diệp lục, caffeine, theanine và catechin. Sau đó nghiền lá trà thành bột và ngâm vào nước.

Mặc dù trà matcha có hàm lượng catechin thấp hơn so với các loại trà khác có nguồn gốc từ cùng một loại cây, nhưng khi hòa tan trong nước, trà matcha sẽ tạo ra lượng catechin cao gấp ba lần so với trà xanh lá rời. So với trà xanh, các chất dinh dưỡng trong matcha có hoạt tính sinh học, hàm lượng chất chống oxy hóa, caffeine và acid amin cao hơn.

Catechin có thể giải thích tác dụng diệt khuẩn

Nhiều nghiên cứu cho thấy catechin trong matcha có thể giải thích tác dụng diệt khuẩn mà các nhà nghiên cứu quan sát được. Catchein là các polyphenol và chất chống oxy hóa chính được tìm thấy trong lá cây trà, đem lại khả năng kháng khuẩn và các đặc tính có lợi khác. Các phương pháp chế biến lá trà và sự khác biệt về chủng loại, nguồn gốc và điều kiện trồng trọt ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng của catechin.

Theo một nghiên cứu vào tháng 5/2021 trên Pathogens (Tập san Mầm bệnh), các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy catechin có tác dụng kháng khuẩn đối với cả vi khuẩn gram dương và gram âm. Những vi khuẩn này gây ra các loại nhiễm trùng khác nhau và phản ứng với các loại kháng sinh khác nhau. Các nghiên cứu khác cho thấy catechin có hiệu quả chống lại virus và có thể phối hợp với một số loại kháng sinh để chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh.

Một nghiên cứu được công bố trên Journal of Applied Microbiology (Tập san Ứng dụng Vi sinh) cho thấy epigallocatechin gallate (EGCG), là loại catechin có nhiều và mạnh nhất trong trà xanh, có thể phá hủy và ức chế sự hình thành màng sinh học của vi khuẩn P. gingivalis, vốn chỉ có thể loại bỏ bằng phương pháp cơ học.

Mặc dù có những đặc tính hữu ích nhưng catechin ít được dùng làm tác nhân trị liệu vì khả năng hấp thụ kém, sinh khả dụng thấp và thoái hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang áp dụng công nghệ sinh học nano để giải quyết những vấn đề này.

Ví dụ, trong một nghiên cứu vào tháng 7/2023 trên Biomedicines (Tập san Y sinh), các nhà nghiên cứu đã dùng gel nano catechin để kiểm tra tác dụng kháng khuẩn của catechin đối với các chủng P. gingivalis được phân lập từ bệnh nhân viêm nha chu. Họ phát hiện rằng các hạt nano catechin thể hiện hoạt tính kháng khuẩn tương đương với chlorhexidine, một chất khử trùng phổ biến được dùng để điều trị nhiễm trùng miệng, chứng minh các hạt nano catechin có thể là thuốc “kháng khuẩn mạnh” đối với bệnh viêm nha chu.

Phương Vy biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Megan Redshaw
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Megan Redshaw là một luật sư và nhà báo điều tra có nền tảng về khoa học chính trị. Cô cũng là người áp dụng liệu pháp tự nhiên truyền thống với các chứng chỉ bổ sung về khoa học dinh dưỡng và thể dục.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn