Những thay đổi về thị giác và thính giác có thể giúp dự đoán được chứng sa sút trí tuệ từ rất lâu trước khi được chẩn đoán

Các nghiên cứu cho thấy chứng sa sút trí tuệ phổ biến hơn ở những người bị mất thính giác - những người sử dụng máy trợ thính có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn những người không sử dụng.

Mắt và tai là cửa sổ vào não, những thay đổi về thị giác và thính giác có thể là một trong những dấu hiệu sớm nhất của sự suy giảm nhận thức – và có thể cho thấy những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra mối liên quan giữa sự thay đổi thị giác và mất thính giác ở bệnh nhân Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ khác, giúp các nhà nghiên cứu hiểu được mối liên quan giữa các giác quan này và những thay đổi trong bộ não. Các phát hiện này có thể dẫn đường cho kỹ thuật sàng lọc để dự đoán được sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ ở những nhóm người có nguy cơ cao sớm hơn nhiều so với khả năng của chúng ta hiện nay – thậm chí có thể đủ sớm để ngăn chặn sự khởi phát của chứng bệnh này.

Thị giác và chứng sa sút trí tuệ

Một nghiên cứu gần đây đăng trên Scientific Reports (Tập san Báo Cáo Khoa Học) cho thấy việc giảm độ nhạy thị giác “có thể dự đoán được về khả năng bị chứng sa sút trí tuệ 12 năm trước khi được chẩn đoán.”

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Loughborough ở Anh đã nghiên cứu 8,623 người trưởng thành khỏe mạnh ở Norfolk, Anh, và theo dõi họ trong nhiều năm. Vào thời gian cuối của cuộc nghiên cứu, 537 người tham gia đã mắc chứng sa sút trí tuệ, giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về nguyên nhân có thể gây ra căn bệnh này.

Khi bắt đầu nghiên cứu, những người tham gia đã làm bài kiểm tra độ nhạy của thị giác. Họ nhìn vào một màn hình có nhiều chấm chuyển động và được yêu cầu nhấn nút khi một hình tam giác xuất hiện. Những người sau này bị mắc chứng sa sút trí tuệ nhìn thấy hình tam giác chậm hơn nhiều so với những người không mắc chứng này.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu lý do tại sao.

Họ nghi ngờ rằng những thay đổi về độ nhạy của thị giác có thể là dấu hiệu sớm của sự suy giảm nhận thức vì các trung tâm thị giác của bộ não có thể bị ảnh hưởng bởi các mảng amyloid liên quan đến bệnh Alzheimer – các vùng này sẽ bị ảnh hưởng trước tiên – trước cả các vùng liên quan đến trí nhớ (những vùng chỉ bị tổn thương khi căn bệnh tiến triển mà thôi). Điều này thể hiện rằng, những bài kiểm tra thị giác có thể dự đoán được những thay đổi ban đầu này trước khi các bài kiểm tra trí nhớ có thể thực hiện được.

Theo một bài báo của các tác giả nghiên cứu, bệnh Alzheimer ảnh hưởng đến quá trình xử lý thị giác theo các cách khác nhau. Ví dụ: độ nhạy tương phản – khả năng nhìn thấy đường viền của vật thể – và cách chúng ta phân biệt một số màu sắc, cụ thể là quang phổ xanh lam – lục lam, bị ảnh hưởng khi bắt đầu mắc chứng sa sút trí tuệ. Những thay đổi này có thể xảy ra mà chính bản thân người đó cũng không hề biết.

Các tác giả nói rằng, một dấu hiệu ban đầu khác của bệnh Alzheimer là mất khả năng cử động của mắt hay còn gọi là “khả năng kiểm soát phản ứng.” Điều này có nghĩa là các kích thích gây mất tập trung có xu hướng thu hút sự chú ý của chúng ta nhiều hơn, khiến việc tập trung trở nên khó khăn hơn. Những bệnh nhân Alzheimer rất khó bỏ qua những kích thích gây mất tập trung này, điều này có liên quan đến những việc như lái xe và nguy cơ xảy ra tai nạn – đây cũng là điều, mà các tác giả cho biết là đang được nghiên cứu tìm hiểu.

Nhận dạng khuôn mặt là một lĩnh vực khác mà bệnh nhân Alzheimer có thể gặp khó khăn, có một số bằng chứng cho thấy rằng, những người mắc chứng sa sút trí tuệ sẽ xử lý việc nhìn những khuôn mặt mới theo một cách khác biệt và kém hiệu quả hơn. Sự khác biệt trong quá trình xử lý này có liên quan đến kiểu chuyển động của mắt mà chúng ta sử dụng khi quét khuôn mặt của một người mà chúng ta vừa gặp. Thông thường, khi gặp một người mới, mắt chúng ta sẽ quét khuôn mặt của họ từ trên xuống dưới – từ mắt đến mũi rồi xuống miệng, giúp chúng ta tạo ra một loại “dấu ấn” để có thể dễ dàng ghi nhớ họ hơn vào lần gặp tiếp theo.

Các bác sĩ khi khám bệnh cho các bệnh nhân sa sút trí tuệ đôi khi có thể cảm nhận được chứng sa sút trí tuệ ở các bệnh nhân này vì họ thường có vẻ lạc lõng, không quan sát môi trường xung quanh hoặc khuôn mặt của những người mà họ đang nói chuyện. Việc thiếu thu thập thông tin này sẽ khiến họ khó nhớ mình đã ở đâu và đã nói chuyện với ai, đồng thời điều đó giải thích tại sao họ có thể không nhận ra cùng một người vào lần gặp tiếp theo.

Các tác giả nói rằng, những khó khăn trong việc nhận dạng khuôn mặt ở chứng sa sút trí tuệ sớm có thể là dấu hiệu của những thay đổi về thị giác chứ không phải là vấn đề chỉ liên quan đến trí nhớ.

Thính giác và chứng sa sút trí tuệ

Thính giác cũng ảnh hưởng đến sự phát triển và tiến triển của chứng sa sút trí tuệ. Nghiên cứu đã cho thấy rằng mất thính giác không chỉ khiến mọi người dễ mắc chứng sa sút trí tuệ mà còn có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Theo báo cáo của Ủy ban Lancet năm 2020, những người bị mất thính giác có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn và theo liệt kê của báo cáo thì mất thính giác là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất.

Trong một bài viết trên trang web Johns Hopkins, Tiến sĩ Frank Lin, giám đốc Trung tâm Thính Giác và Sức Khỏe Cộng Đồng Cochlear tại Trường Bloomberg, gợi ý một số lý do gây ra căn bệnh này như sau:

  1. Khi bị suy giảm thính giác, não sẽ hoạt động mạnh hơn để nghe, do đó, phải chuyển nguồn lực từ các vùng khác của não – như suy nghĩ và trí nhớ.
  2. Suy giảm thính giác có liên quan đến việc giảm thể tích não, khiến não bị teo nhanh hơn.
  3. Suy giảm thính giác khiến nhiều người tránh né các hoạt động xã hội vì khó hòa nhập. Những tương tác xã hội này rất quan trọng để giữ cho não hoạt động, đặc biệt là khi chúng ta già đi.

Các nhà khoa học cũng tự hỏi rằng, liệu việc điều trị mất thính giác bằng máy trợ thính có thể làm giảm nguy cơ tiến triển của bệnh hay không.

Các nhà nghiên cứu của Trường Y tế Johns Hopkins Bloomberg đã tìm ra câu trả lời và kết quả nghiên cứu đã được đăng trên Journal of the American Medical Association (JAMA) (Tập san của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ – JAMA) vào năm 2023.

Nghiên cứu đã phân tích 2,413 người từ Nghiên cứu về Xu Hướng Lão Hóa và Sức Khỏe Quốc Gia, sử dụng mẫu toàn quốc gồm những người trên 65 tuổi nhận Medicaid – khoảng một nửa là trên 80 tuổi.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan rõ ràng giữa việc mất thính giác nghiêm trọng và chứng sa sút trí tuệ, đồng thời cũng phát hiện ra rằng, chứng sa sút trí tuệ chiếm tỷ lệ 61% và phổ biến hơn ở những người bị mất thính giác từ trung bình đến nặng so với những người có thính giác bình thường.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người sử dụng máy trợ thính có kết quả tốt hơn những người không sử dụng. Trong nhóm 853 người bị mất thính giác từ trung bình đến nặng thì những người sử dụng máy trợ thính có tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ thấp hơn 32%.

Alison Huang, tác giả chính của nghiên cứu cho biết trong bài viết được đăng trên trang Johns Hopkins rằng, “Nghiên cứu này chứng minh rõ hơn về những quan sát mà chúng tôi có được về mối liên quan giữa mất thính giác và chứng sa sút trí tuệ, đồng thời cũng giúp cho hoạt động y tế công cộng cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc thính giác.” Cô Huang có bằng tiến sĩ về sức khỏe tâm thần và là cộng tác viên nghiên cứu cấp cao tại Khoa Dịch tễ học tại Trường Bloomberg và Trung Tâm Thính Giác và Sức Khỏe Cộng Đồng Cochlear.

Một nghiên cứu được công bố trên JAMA Otolaryngology Head and Neck Surgery (Tập san Phẫu Thuật Đầu Cổ Tai Mũi Họng JAMA) vào năm 2024 cũng có kết quả tương tự. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa mất thính giác và chứng sa sút trí tuệ trong một nhóm gồm 573,088 người. Nghiên cứu cho thấy rằng những người bị mất thính giác không sử dụng máy trợ thính có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đáng kể so với những người trong cùng nhóm sử dụng máy trợ thính.

Các tác giả nghiên cứu cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy mất thính giác có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt ở những người không sử dụng máy trợ thính. Kết quả cho thấy máy trợ thính “có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát và tiến triển của chứng sa sút trí tuệ.” Các tác giả cũng lưu ý rằng, ước tính rủi ro trong nghiên cứu của họ thấp hơn so với các nghiên cứu trước đây, nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu thêm.

Kết luận

Bệnh Alzheimer ảnh hưởng đến khoảng 6.9 triệu người Mỹ (và 55 triệu người trên toàn thế giới.) Với số ca mắc bệnh trên toàn thế giới ước tính sẽ tăng lên 78 triệu vào năm 2030, những hiểu biết sâu sắc từ nghiên cứu về vai trò của những thay đổi về thị giác và thính giác đối với sự phát triển trong tương lai của bệnh Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ khác có thể mở đường cho cách sàng lọc để có thể dự đoán được về những căn bệnh này nhiều năm trước khi phát triển – và có lẽ một ngày nào đó, giúp chúng ta tránh được chứng sa sút trí tuệ này hoàn toàn.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Emma Suttie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và viết chủ yếu về sức khỏe cho nhiều ấn phẩm trong thập niên qua. Cô hiện là ký giả sức khỏe cho The Epoch Times, cô chuyên viết về Trung y, dinh dưỡng, chấn thương, và y học lối sống.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn